Người cao tuổi thường được ví như những “cây đa, cây đề” trong đời sống xã hội, nhất là trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Như tại làng Châm Khê, xã Phong Khê, Yên Phong, Bắc Ninh, dưới mái nhà chung là Câu lạc bộ (CLB) Quan họ Châm Khê, các liền anh liền chị, dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài với việc lưu giữ và truyền dạy các làn điệu quan họ cho thế hệ trẻ. Tìm hiểu về những đóng góp này, phóng viên VOV2 phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Cau, Chủ nhiệm CLB.

Phóng viên: Thưa ông! Xin ông cho biết CLB Quan họ làng Châm Khê được thành lập từ khi nào?

Ông Phong: Năm 1986, ông Nguyễn Trọng Hưng là người của thôn Châm Khê, khi đó là Trưởng Ban văn hóa của xã Phong Khê lúc bấy giờ, về tập trung các anh hai, thành lập đội văn nghệ. Đội văn nghệ nhưng có riêng 15 các anh hai chị hai ở trong đó, chuyên về hát quan họ. Sau đấy Ủy ban Nhân dân xã quyết định thành lập CLB Quan họ Châm Khê. Tuy nhiên, sau đó trong thôn có thêm CLB Quan họ của người cao tuổi. Đến năm 2020, cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp, nói rằng nơi đây là làng quan họ gốc, không thể để một làng có tới hai CLB quan họ được nên tiến hành sát nhập lại. Sau khi sáp nhập, CLB Quan họ Châm Khê có tổng số 70 thành viên, trong đó, có 15 anh hai và 55 chị hai. CLB sinh hoạt rất đều đặn, mở rộng quan hệ với các CLB quan họ ở trong và ngoài tỉnh.

Phóng viên: Quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong khi đó Châm Khê được coi là “cái nôi” của quan họ. Trong những năm qua, CLB có hoạt động gì để góp phần gìn giữ và phát huy di sản này?

Ông Phong: Tỉnh Hà Bắc (cũ) có 49 làng quan họ. Trong đó, khi tách ra, tỉnh Bắc Ninh có 44 làng; Bắc Giang có 5 làng. Làng quan họ Châm Khê là 1 trong 9 làng quan họ có sớm nhất, tức là khi mới có 9 làng quan họ thì làng Châm Khê đã là một làng quan họ nổi tiếng. Ở lớp trước, có các cụ như cụ Đoan, cụ Tiền, sau có các cụ Thuần, cụ Ngẫu… trong CLB có 4 nghệ nhân.

49 làng quan họ đều có những cách hát khác nhau. Riêng làng Châm Khê có những nét độc đáo hơn. Đến giờ làng Châm Khê giữ được nhiều câu quan họ cổ mà các làng khác không có, phải đến đây học.

Về truyền dạy, trước đây không có nhà chứa quan họ nên chúng tôi phải truyền dạy trong các gia đình. Chúng tôi chia làm 3 khu vực để dạy, là nhà ông Quyền, nhà bà Minh và nhà ông Phẩm. Vì sau khi thành lập xong, Ủy ban Nhân dân xã cũng ra quyết định công nhận các giáo viên, gồm có tôi, ông Quyền và bà Minh. Ở những gia đình – nơi truyền dạy giống như một nhà chứa quan họ, ngày ào cũng có hoạt động.

Riêng về nơi sinh hoạt của CLB ở Nhà văn hóa của thôn, mỗi tháng chỉ sinh hoạt 2 lần, do nơi đó có nhiều CLB cùng sinh hoạt. Các CLB phải chia lịch ra, trong đó CLB Quan họ chỉ có 2 ngày là 16 và 30 âm lịch hàng tháng.

Chúng tôi cũng tổ chức dạy cho các cháu vào dịp hè, dạy luôn tại trường vào các buổi tối.

Tháng 6/2023, chúng tôi tổ chức dạy một lớp quan họ măng non trong dịp hè. Có 20 cháu gồm các lứa tuổi từ 8 đến 15. Đến giờ các cháu đều hát rất tốt.

Phóng viên: Như ông vừa đề cập, hiện tại CLB vẫn chưa có nơi sinh hoạt riêng, ảnh hưởng đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ông có kiến nghị gì để các thành viên của CLB có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quan họ?

Ông Phong: Chúng tôi đã đề đạt nếu địa phương có điều kiện tỉnh thì có thể xây cho làng quan họ Châm Khê một nhà chứa quan họ. Nếu có nhà chứa quan họ thì chúng tôi có thể truyền dạy thường xuyên, tuần nào cũng vào thứ 7 và Chủ nhật để các cháu đến học, sẽ chủ động hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nghe cuộc trao đổi dưới đây: