Tên tuổi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn liền với những mốc son chói lọi, những thời điểm cam go, ác liệt nhất của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương được giao đảm nhiệm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, ông đã chú trọng xây dựng “quả đấm” chủ lực, mở các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài và hàng loạt các trận tiến công, đánh bại từng chiến đoàn của quân đội Sài Gòn, góp phần đập tan hàng nghìn “ấp chiến lược” và làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, Ngụy.

PGS.TS sử học Hà Minh Hồng cho biết: "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tướng thực tiễn của chiến trường, bám sát vào thực tiễn để xem tinh thần, tư tưởng, ý chí của cán bộ chiến sĩ tại chiến trường như thế nào. Chính cái thực tế đó của Đại tướng tạo nên dấu ấn có tính chất chiến lược cho cả một cuộc chiến suốt từ đó cho đến sau này. Đó là dấu ấn của một tài năng quân sự, một tư duy quân sự rất độc đáo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên chiến trường miền Nam".

Bằng sự nhạy bén chính trị, tư duy chiến lược toàn diện cùng bề dày kinh nghiệm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, phân tích tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, dự báo chính xác diễn tiến của chiến tranh. Từ những đánh giá khoa học về thế và lực của cả ta và địch, đại tướng khẳng định: quân và dân ta hoàn toàn có đủ sức mạnh của chiến tranh nhân dân để “không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ”.

Theo thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nếu không có nhiều hoạt động thực tiễn làm việc sâu sát và thực tế chiến trường thì khó mà có thể đưa ra khẳng định như vậy. "Từ chiến trường, ông có lời giải đáp là chúng ta hoàn toàn có thể đánh Mỹ và Thắng Mỹ bằng phương châm bám thắt lưng địch mà đánh. Đấy là thực tiễn được đúc kết từ lịch sử. Nếu không có một tác phong sâu sát bộ đội, không có tác phong gần dân, gần người lính thì không có được kết luận chính xác như vậy. Nó trở thành một trong những điểm cốt lõi quyết tâm chiến lược của chúng ta trong đánh Mỹ".

Với tư tưởng “kiên quyết tiến công, liên tục tiến công”, Đại tướng chỉ đạo: “Cứ đánh Mỹ rồi tìm ra cách đánh Mỹ”, “Vấn đề chiến thuật sẽ được giải quyết trên chiến trường”… chỉ dẫn quan trọng này là động lực để quân, dân miền Nam vượt qua trở ngại về tâm lý, thi đua “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, làm nên những thắng lợi ở Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Đất Cuốc… Đó còn là cơ sở để ông đúc kết thành phương châm chiến đấu: “Bám thắt lưng địch mà đánh”, góp phần quan trọng để Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng đường lối, chiến lược quân sự buộc địch phải “đánh theo cách đánh của ta”.

Theo Đại tá. TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự thì phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tìm ra được lời giải cho bài toán đối đầu với lực lượng, phương tiện chiến tranh hùng hậu của đế quốc Mỹ. "Khi Mỹ đổ quân vào miền Nam thì câu hỏi lớn nhất của chúng ta lúc bấy giờ là “có thể không đánh Mỹ không? đánh Mỹ bằng cách nào? Với tư duy chiến lược, ông nhìn nhận ra Mỹ đông nhưng không mạnh. Và ông biết rằng chúng ta phải đánh theo cách đánh của Việt Nam. "Bám thắt lưng địch" tức là để hạn chế sức mạnh về cơ động, về hỏa lực của Mỹ và chúng ta đánh Mỹ ngay tại nơi điểm xuất phát. Đánh Mỹ để Mỹ không thể phát huy sở trường của mình (mà hình ảnh như Đại tướng nói là: bắt Mỹ ăn cháo bằng dĩa)".

Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng và dân tộc ta mãi mãi khắc ghi tư tưởng chỉ đạo tác chiến mang đậm dấu ấn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tính sáng tạo của cách đánh này là quân và dân ta đã tối thiểu hóa sức mạnh của binh khí và kỹ thuật hiện đại của quân địch, nhưng phát huy tối đa sức mạnh của Quân đội ta, bởi lối đánh gần, áp sát đối phương. Sự sáng tạo đó được thực hiện trên nền tảng lý luận nghệ thuật quân sự vừa hiện đại, vừa quán triệt sâu sắc tư tưởng quân sự của ông cha.

Cuộc đời cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một chuỗi năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó bí thư Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương)… Đại tướng đã tỏ rõ bản lĩnh cách mạng; càng gian khổ, càng trưởng thành, bộc lộ rõ tố chất đặc biệt của một nhà lãnh đạo tài năng. Theo Đại tá. TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương của ý chí, nghị lực phi thường và tinh thần cách mạng tiến công chống mọi kẻ thù của giai cấp và dân tộc. "Với tư duy của nhà chiến lược tin tưởng vào sức mạnh chiến tranh nhân dân, Đại tướng đã có chỉ đạo, trước hết để phát huy tinh thần, ý chí chiến công quyết tâm đánh Mỹ, quyết tâm thắng Mỹ. Đặc biệt, với nhãn quan sâu rộng và tư duy xây dựng lực lượng vũ trang, được tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng đã đẩy mạnh công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Ông đã đưa công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội thành linh hồn, mạch sống".

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở hai miền đang ở giai đoạn quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột từ trần sau một cơn đau tim nặng vào ngày 6/7/1967. Dù không được chứng kiến giây phút Nam – Bắc sum họp một nhà nhưng những đóng góp về lý luận và thực tiễn của ông trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam trở thành một trong những nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Đảng hoạch định, bổ sung, hoàn thiện đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến lược giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975.