Trước thực trạng lấn chiếm đất công, đổ rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường tại bãi đất hoang dưới chân cầu Long Biên thuộc phường Phúc Tân, UBND quận Hoàn Kiếm đã lên kế hoạch dẹp bãi rác, cải tạo cảnh quan thành khu vui chơi giải trí và công viên vườn rừng cho người dân.

Với diện tích 1.000 m2, công viên vườn rừng Phúc Tân được xây dựng từ nhu cầu thực tế của người dân với các tổ hợp gồm thiết bị thể dục, sân bóng rổ, cây xanh, sân chơi cho trẻ em gồm bập bênh, xích đu, cầu trượt, thang leo… đặc biệt là thiết kế được cải tạo phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật đi xe lăn.

Từ khi sân chơi công cộng được hoàn thành, nơi đây đã trở thành địa điểm để người dân tập luyện và gặp gỡ giao lưu trong những lúc rảnh rỗi. Một điều khiến người dân phấn khơi từ khi khu vui chơi được hình thành đó là sự thay đổi của cảnh quan môi trường, trở nên xanh sạch hơn trước rất nhiều. Người dân cũng từ đó nâng cao ý thức và từ bỏ những thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường. “Việc cải tạo là quá tốt, một khu đất rộng như này không cải tạo thì tiếc quá”, ông Phạm Thanh Tú – người dân nơi đây tấm tắc khen ngợi.

Trước đây nơi này là bãi đất trống nên người dân xung quanh thường xả rác bừa bãi, cây cối rậm rạp cùng với ruồi muỗi, rất mất vệ sinh và ảnh hưởng đến chất lượng sống của các hộ dân lân cận. Từ khi khu vực này biến thành khu vui chơi cộng đồng, môi trường ở đây trở nên xanh sạch và vui nhộn, tấp nập hơn. “Ở đây trước, bẩn lắm, muỗi dĩn đầy ra, từ ngày làm cái này dân phấn khởi lắm”- Bà Đặng Thị Thoa – người dân khu phố chia sẻ.

Công viên rừng Phúc Tân được thực hiện bởi ý tưởng của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” - tập hợp của một nhóm kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội hướng đến xây dựng một Hà Nội tốt đẹp hơn.

Theo ông Nguyễn Cổ Luân, tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Phúc Tân, khi triển khai dự án cải tạo, sân chơi cộng động đã mang đến không gian giao lưu cho người dân địa phương và người lao động di cư tới địa bàn, giúp mọi người đoàn kết hơn. Ông Nguyễn Cổ Luân cho hay, ngay từ đầu dự án này đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân.

Không chỉ quận Long Biên, quận Ba Đình cũng đã cải tạo, phục dựng hình ảnh giếng làng ở Tổ dân phố 3C, ngõ 67 Văn Cao, phường Liễu Giai thành sân chơi cộng đồng. Không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa cổ xưa, việc cải tạo này còn giúp người dân có một nơi sinh hoạt cộng đồng, xanh sạch đẹp, vừa tăng cường sức khỏe, vui chơi giải trí vừa gắn kết giao lưu tình làng nghĩa xóm.

Được biết, giếng làng ở tổ dân phố 3C, trước đây khá lớn, đủ cho vài chục người dân lấy nước hằng ngày, nhưng hiện chỉ còn một khoảng nhỏ - tương đương với giếng nhà. Chị Nguyễn Thiên Anh - Người dân Tổ dân phố 3C phường Liễu Giai chia sẻ: “Cái giếng này lâu đời rồi, diện tích hơi hẹp, cải tạo thành chỗ cho trẻ em người già vui chơi, giải trí cũng tốt”.

Khi cải tạo, quận Ba Đình giữ lại hiện trạng còn sót lại của giếng làng và đôn nền lên khoảng 70 - 80cm, tạo hình vòng tròn giống như một chiếc giếng. Phần giữa giếng được lát gạch màu xanh giống màu của nước. Phần miệng giếng còn sót lại được che lại bằng nắp giếng màu nâu. Quanh khu vực giếng được bố trí nhiều đồ dùng tập thể dục, ghế ngồi để phục vụ nhu cầu của người dân và trồng nhiều cây xanh, tạo không khí xanh mát. Theo Anh Phạm Giang Sơn, người dân Tổ dân phố 3C phường Liễu Giai, việc cải tạo không chỉ tận dụng tốt khoảng đất trống thành một không gian xanh – sạch – đẹp cho cả trẻ em và người lớn sinh hoạt, mà còn có ý nghĩa thể hiện được nét văn hóa của tập thể dân cư.

Đồng tình với anh Sơn, chị Nguyễn Cẩm Châu, người dân Tổ dân phố 3C phường Liễu Giai cũng chia sẻ thêm: “Từ khi sân được cải tạo thì sạch sẽ, khang trang hơn rất nhiều. Tôi hay đưa các bé nhà tôi ra chơi, các bạn cũng rất thích. Chiều chiều là nhộn nhịp hẳn chứ như trước đây khu giếng ấy cũng chẳng ai đoái hoài”.

Còn với Bà Lương Ngọc Đào, người dân Tổ dân phố 3C phường Liễu Giai, dù diện tích có hơi bé tuy nhiên mỗi người nhường nhịn nhau một chút, vừa vui vẻ mà tình cảm lại thêm bền chặt. “Ngày nào tôi cũng ra hôm đi bộ hôm thì đạp xe, không thì cũng nói chuyện với mọi người. "Nếu thêm 1- 2 cái máy tập nữa thì tốt còn không như này là đã mỹ mãn lắm rồi”, bà Đào phấn khởi nói.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích khoảng 300ha. Trong đó, Hà Nội xây mới 18 công viên, cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa. Hy vọng trong thời gian sắp tới, UBND cùng với các tổ chức cộng đồng sẽ cải tạo nhiều khu đất thành các khu vui chơi giải trí, giúp người dân gắn kết, có nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng hơn.

Nghe bài viết tại đây: