Trên đường lạc Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội có một tiệm tóc rất đặc biệt. Nơi đây không chỉ là điểm đến quen thuộc của nhiều khách hàng có nhu cầu tạo kiểu tóc mà còn là địa chỉ nhân ái, đem đến cơ hội thay đổi cuộc sống cho một số bạn trẻ, quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Thào Thị Di, ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là một trong số đó. Em được sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ không có khả năng chi trả cho các các khoản đóng góp của nhà trường nên em phải nghỉ học sớm. Nhưng nghỉ học rồi, em cũng không biết làm gì để có thu nhập ngoài việc lên nương làm rẫy cùng các thành viên của gia đình. Rất có thể Di cũng như nhiều bạn cùng lứa trong bản là lấy chồng sớm và sinh con. “Bằng tuổi em, nhiều bạn đã lấy chồng. Con các bạn ấy giờ đã đi học rồi. Lấy chồng, sinh con sớm, cuộc sống của các bạn em rất vất vả, thiếu thốn, mùa đông không lo đủ áo ấm cho các con của mình”, Di cho biết.

Cuộc sống của Di chắc cũng khó mà khá hơn các bạn của mình nếu em không được kết nối để đến với tiệm sóc Mai Lan, nằm trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây, em được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí tiền học, tiền trọ và một phần tiền ăn hàng ngày. Đây là điều mà trong mơ Di cũng chưa từng nghĩ tới. Nhưng hơn cả, ấy là sự yêu thương mà em nhận được từ người chủ của tiệm tóc. Di tâm sự Mai Lan salon vì thế như ngôi nhà thứ hai và “bà chủ” - chị Mai Lan là người mẹ thứ hai trong ngôi nhà ấy. Đây là nơi đã đem đến cho em cuộc sống mới với tương lai tươi sáng hơn. “Khi xuống đây, em được cô Lan lo hết mọi chi phí ăn, ở, học nghề. Kinh tế eo hẹp nên gia đình em không hỗ trợ gì được cho em. Cô Lan vì thế như người mẹ thứ hai của em. Em tự hứa với mình sẽ học thật tốt để đáp lại sự yêu thương, giúp đỡ của cô”, Di tâm sự.

Nếu không được bà chủ tiệm tóc Mai Lan hỗ trợ về nơi ăn, chốn ở và miễn phí học nghề, có lẽ giờ đây Thàng Văn Tưởng, quê ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cũng đã trở thành “ông bố trẻ” khi mới tròn 20 tuổi. “Em không những được miễn phí tiền học nghề mà còn được cô Lan lo cho chỗ ở. Em chỉ học hết lớp 9, nếu không được cô Lan hỗ trợ, giờ này chắc em đã lấy vợ, sinh con và lên nương làm rẫy như các bạn cùng tuổi ở quê”, Tưởng tâm sự.

Chỉ sau thời gian ngắn học nghề, hàng tháng, Tưởng còn được bà chủ tiệm tóc Mai Lan hỗ trợ một khoản tiền nhỏ để gửi về quê giúp mẹ lo cho các em ăn học. Tưởng thổ lộ em thật sự thấy mình may mắn bởi giờ đây đã có cái nghề trong tay với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Em còn tiết kiệm được một khoản để nuôi ước mơ mở một tiệm cắt tóc tại quê nhà khi vững tay nghề và đủ tiềm lực về tài chính. “Mơ ước của em là trở thành một nhà tạo mẫu tóc, sau này mở một tiệm cắt và tạo mẫu tóc”, Tưởng cho biết.

Chị Mai Lan, Chủ salon tóc Mai Lan - người trực tiếp hỗ trợ, dạy nghề miễn phí, cho biết, tại đây còn có 8 bạn nữa đến từ các tỉnh miền núi. Từ những cô gái, tràng trai không có định hướng nghề nghiệp, thiếu kiến thức và kỹ năng sống, giờ đây các em đang từng bước trở thành những thợ tóc chuyên nghiệp. Mức lương hiện tại là khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Theo chị Lan, đó có thể là ước mơ của nhiều thanh niên vùng cao khi chỉ học hết trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông. Tuy nhiên, với chị đấy chưa phải là cái đích mà chị hướng đến.

“Tôi muốn đào tạo để các bạn ấy có thể tiến xa hơn nữa. Tôi dự định sẽ đưa được một số em tham gia các cuộc thi quốc tế, muốn các em thành công và tạo ra những tấm gương để khơi nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ ở quê thay đổi tư duy, nhận thức để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị Lan chia sẻ.

Chị Lan cho biết, việc hỗ trợ cho các bạn thanh niên vùng cao xuất phát từ những chuyến đi từ thiện. “Trong các chuyến đi từ thiện, tôi thấy nhiều bạn còn rất trẻ đã tay bế, tay bồng, trong khi đó, dưới thành thị, ở tuổi đó các bạn ấy có khi vẫn được bố mẹ lo ăn, lo học. Tôi nghĩ nếu hỗ trợ về vật chất thì chỉ giúp họ cải thiện cuộc sống trước mắt. Học nghề và thay đổi nhận thức mới là chìa khóa giúp các bạn ấy thay đổi cuộc sống lâu dài. Cái được lớn nhất cho đến hiện tại là tư duy của các em đã thay đổi. Các em hiểu rằng tảo hôn là rất vất vả. Phải học tập, có nghề nghiệp và việc làm, phải lo được cho mình và người khác thì mới lấy vợ, lấy chồng. Tôi vẫn đang cố gắng giúp các bạn hoàn thiện mình hơn, như cách đối nhân xử thế, cách xử lý các vấn đề phát sinh trong cuộc sống…”, chị Lan chia sẻ.

Thử thách với chị Lan cũng như những thanh niên vùng cao đang học tập, làm việc tại salon Mai Lan, ở quận Tây Hồ, Hà Nội, vẫn còn ở phía trước nhưng chắc chắn cuộc sống của các em sẽ mang gam màu tươi sáng.

Nghe bài viết dưới đây: