Đinh Cao Sơn (19 tuổi) sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023. Năm qua, nam sinh quê Hà Tĩnh đoạt huy chương vàng ở kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (IchO) tại Thụy Sĩ. Sơn có số điểm cao nhất của đội Việt Nam. Đồng thời xếp thứ 7 trong số gần 350 học sinh đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Khi biết thông tin mình trở thành gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Sơn khiêm tốn: “em có đôi chút bất ngờ vì so với 2 bạn trong cùng lĩnh vực em cảm giác “thua kém” khá nhiều”.

Hành trình chinh phục môn Hóa

Yêu thích các môn Khoa học tự nhiên vì nó giúp em trả lời những “thắc mắc” về quy luật vận hành của thế giới, Sơn kể hồi nhỏ em không tập trung học quá nhiều. Năm lớp 8 phải lựa chọn một môn chuyên, em chọn Hóa vì đây là môn thích nhất và cũng giỏi nhất.

Quá trình học tập, Đinh Cao Sơn là thủ khoa đầu vào lớp chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh; thủ khoa học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học lớp 10; giải nhì quốc gia môn Hóa học năm lớp 11; giải nhất quốc gia môn Hóa học lớp 12.

Chinh phục các “nấc thang” ở môn Hóa học, Sơn nói chẳng có bí quyết gì. “Quan niệm của em là trong từng kỳ thi, mình đều phải cố gắng hết sức. Còn đứng thứ hạng nào là điều mình không biết trước được, bởi còn phụ thuộc vào các bạn khác. Nhiệm vụ của em là cố gắng để khi thi xong mình không hối hận là được”.

Dẫu vậy, mỗi giai đoạn học tập đều có những “thử thách” nhất định. Năm lớp 10, bắt đầu học chuyên Hóa, Sơn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận những kiến thức chuyên sâu, mới lạ. Còn lên lớp 11, lần đầu tiên thi học sinh giỏi quốc gia, Sơn không khỏi “choáng ngợp” trước đề thi. Lúc đó em chỉ cố gắng trấn tĩnh bản thân để vượt qua”.

Ôn thi đội tuyển Olympic cũng khá áp lực nhưng bù lại ở đội tuyển, Sơn và các bạn được ăn ở và học và chia sẻ áp lực cùng nhau. “Sau giờ học căng thẳng, chúng em chơi thể thao, đi xem phim để xả stress. Thầy cô tâm lý và tạo điều kiện tối đa trong học tập, sinh hoạt. Cùng với đó, gia đình và bạn bè luôn động viên. Thành ra, áp lực ở giai đoạn đó là có thật nhưng lại khá thoải mái.

Thời gian ôn thi trong đội tuyển Olympic, lịch học của Sơn và các bạn đã được các thầy cô sắp xếp. Ngoài thời gian đó, mỗi thành viên đều có kỹ năng tự học, tự rèn luyện.

“Thường em sẽ đọc tài liệu và tự nghiền ngẫm từ những bài tập em đã được học. Nếu không hiểu em sẽ mạnh dạn hỏi thầy cô và các anh chị khóa trên giảng lại. Bởi vì, với một vấn đề, nếu mình tự tìm hiểu có thể phải mất một ngày nhưng các “tiền bối” lại có thể khái quát hóa những vấn đề vốn khó hiểu một cách cực kỳ dễ hiểu và khoa học trong khoảng thời gian ngắn hơn. Điều đó giúp em đỡ tốn thời gian hơn, thậm chí có nhiều kiến thức mới hơn bên cạnh những kiến thức mình muốn tìm hiểu”, Sơn đề cao việc học hỏi từ người khác.

“Bình thường em “nhút nhát” nhưng lúc em hỏi bài em lại không như thế vì mình mất công hỏi rồi thì phải hỏi đến tới cùng luôn”, Sơn vui vẻ.

Thời gian ôn đội tuyển Olympic cho Sơn nhiều kỷ niệm. Mọi người thường có định kiến rằng, thí sinh trong đội tuyển toàn “mọt sách” nhưng với Sơn, đội tuyển Olympic Hóa học của chúng ta ai cũng tếu. “Lúc học, não “quá tải” thì hơi chậm thật nhưng lúc giải trí thì tụi em cũng “hơi phá” một tí.

“Học hành cũng là đam mê sở thích”, Sơn nói. Bên cạnh đó, lúc rảnh rỗi em cũng thích đọc sách, chơi cầu lông hoặc “đánh” vài ván game để xả stress, miễn không quá tốn thời gian. Điều này giúp Sơn cân bằng giữa việc giải trí và học tập.

Nghe chia sẻ của Đinh Cao Sơn tại đây:

“Các bạn giỏi thật, em hơi sợ nhưng thực ra là sợ thật!”

Chia sẻ về thành tích của Đinh Cao Sơn tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2023, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà (Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế) cho rằng, điểm nhấn trong bài thi của Sơn chính là phần thực hành, đạt tới 87% so với tổng số điểm thực hiện. Đây là kết quả vô cùng xuất sắc giúp Sơn đạt được số điểm nhất toàn đoàn, xếp thứ 7 trong tổng số 348 thí sinh đến từ 89 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần thi thực hành tại Kỳ thi Olympic quốc tế bị bỏ do không thi trực tiếp. Năm nay, việc bài thi thực hành quay trở lại sẽ là thử thách với đội tuyển Việt Nam khi chúng ta luôn được đánh giá là còn hạn chế ở khả năng thực hành. Bởi vậy, các thầy cô chủ nhiệm đội tuyển đã sát sao từ đầu, đặt vấn đề thực hành là trọng tâm, cần cải thiện. Đồng thời, liên kết với các trường ĐH có phòng lab tốt để học sinh có điều kiện thực hành tốt nhất. Sơn cho rằng, đó là những yếu tố giúp em và các bạn có đầy đủ kỹ năng để tự tin bước vào kỳ thi quốc tế. “Ít nhất, em cảm giác đã làm tốt nhất bài thực hành hôm đấy, cộng một chút may mắn”.

Nói về trải nghiệm lần đầu “xuất ngoại”, Sơn cho biết, những lần thi trong nước em đại diện cho tỉnh, còn lần này đại diện cho quốc gia nên cảm thấy trách nhiệm khá nặng nề. Nhưng bên cạnh việc thi thố thì em và các bạn cũng được trải nghiệm văn hóa của các nước, được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với những bạn giỏi nhất của các quốc gia.

“Các bạn giỏi thật, ban đầu em cảm thấy hơi sợ một tí. Em nói “hơi” sợ nhưng thực ra là sợ thật. Khi ra một môi trường mới, chưa biết đối thủ thế nào thì cảm giác có chút lo. Suy nghĩ trong đầu của em lúc đó là “liệu mình có làm được tốt không, liệu mình có bị các bạn kia hơn điểm nhiều không?”. Như tâm lý của bất kỳ học sinh nào, lo lắng, áp lực trước mỗi kỳ thi là điều không tránh khỏi nhưng với Sơn đó là chuyện trước mỗi kỳ thi. Còn khi đã ngồi vào phòng thi thì mọi âu lo đều được “gác lại” để tập trung làm bài.

Và, khi tên mình được xướng lên bục nhận giải của IchO 2023, Sơn nói “em thấy xúc động. Đó là thành quả suốt 3 năm học, từ khi em bắt đầu học hóa chuyên sâu năm lớp 10. Đây là món quà cho gia đình, thầy cô, bạn bè đã luôn đồng hành, sát cánh cùng em”.

Bất ngờ chọn sư phạm

Sau khi đạt thành tích tại Kỳ thi Olympic quốc tế, khác với truyền thống chọn Đại học Y hay ĐH Khoa học Tự nhiên của các thành viên đội tuyển Olympic Hóa học thì Đinh Cao Sơn lại chọn vào học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Bố mẹ Sơn kinh doanh tự do, gia đình không có ai làm giáo viên. Cậu có cô em gái đang học lớp 10 nhưng dạy em học bài là một “thảm họa”. Sơn nói “đó vấn đề của mọi nhà. Em cứ dạy một lúc là 2 anh em lại cãi nhau, em gái “dỗi” nguyên một buổi”. Vậy nhưng, nam sinh vẫn quyết tâm chọn sư phạm bởi đơn giản là vì sở thích và đó là lựa chọn phù hợp nhất với em.

“Trong thời gian là sinh viên, em đặt mục tiêu cố gắng học tập để có điểm tổng kết GPA tốt. Đồng thời hoạt động năng nổ hơn thời cấp 3, tham gia nghiên cứu khoa học để có nhiều kỹ năng theo những khóa học chuyên sâu hơn”, Sơn chia sẻ khi được hỏi mục tiêu để có một thời sinh viên ý nghĩa./.