Việc SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều buộc phải chỉnh sửa, bổ sung giữa năm học, theo ông sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình dạy và học?

Tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh lớp 1 và đây chính là điều đáng buồn nhất. Các em học sinh sẽ thấy bộ sách giáo khoa tự dưng lại có một số bài phải mở tài liệu bổ sung ra để học. Có lẽ đây là thế hệ học sinh lớp 1 đầu tiên bị sự cố như thế này.

Việc chỉnh sửa, bổ sung những từ ngữ, ngữ liệu không phù hợp trong SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều là điều phải làm. Tuy nhiên, ông cho rằng nhóm tác giả và NXB phải chỉnh sửa, bổ sung như thế nào khi sách thì đã xuất bản, học sinh đã học được gần một nửa học kỳ?

Tôi nghĩ rằng, phương án sẽ phải in lại những trang được chỉnh sửa và như vậy nó giống như một tập tài liệu bổ sung. Tập tài liệu này phải được chuyển xuống tất cả các nhà trường đang sử dụng sách Cánh Diều. Nhưng điều tôi suy nghĩ là, tập tài liệu này có được in đẹp như sách đã in không? Hay chỉ là một bản hướng dẫn giảng dạy? Nếu là bản hướng dẫn giảng dạy thì giáo viên có thể xử lý được nhưng học sinh lại không có tài liệu để học. Do vậy, theo tôi, tốt nhất là các trang có chỉnh sửa phải được chuyển xuống tất cả các em học sinh từng mua sách Cánh Diều. Và chúng ta không thể thu tiền từ một tài liệu do chính mình làm sai. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tài chính nhưng còn hơn là sách bị thu hồi.

Qua vụ việc này, ông có cho rằng, việc thẩm định SGK giờ đây không còn là công việc riêng Hội đồng thẩm định Quốc gia nữa?

Theo tôi, sự bí mật quá đáng của các cuốn SGK là điều không tốt. Chúng ta đang ở thời đại số, nếu như những văn bản SGK được công bố với công luận sớm hơn, ngoài Hội đồng thẩm định, nếu xã hội cũng được nhìn thấy tất cả những sai sót này thì bộ sách sẽ được góp ý trước khi đưa vào sử dụng. Vừa qua dư luận bùng nổ là do sự bất ngờ. Khi con em học bài, phụ huynh nhìn vào mới phát hiện ra. Vì vậy, đối với SGK lớp 2, lớp 6 đã qua thẩm định vòng 1 rồi nên có cách công bố trước công luận để cùng thẩm định, cùng nhặt sạn… Và qua đây, tôi nghĩ rằng, Bộ GD&ĐT nên đổi mới Hội đồng Thẩm định sách.

Lùm xùm xung quanh SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều cho thấy những rủi ro nào khi chúng ta xã hội hóa biên soạn SGK, thưa ông?

Tôi biết, đã có những tác giả rất nổi tiếng viết sách giáo khoa làm đơn xin rút khỏi tác giả viết SGK. Thậm chí, sau một năm đầu tiên, có những bộ sách sẽ không được tổ chức, biên soạn ở các lớp tiếp theo. Và như vậy tới chương trình lớp 2, có thể học sinh phải chuyển sang học bộ sách khác. Tôi đã từng gửi ý kiến cho Uỷ ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ai cam kết các Công ty cổ phần sẽ viết đủ sách giáo khoa cho tới các cấp học cuối cùng? Nếu có rủi ro nào đó, họ có thể sẽ không viết nữa. Cho nên tôi vẫn ủng hộ quan điểm Bộ GD&ĐT phải có một bộ sách giáo khoa riêng. Nhưng không hiểu lý do gì mà Bộ GD&ĐT không thể tổ chức biên soạn một bộ sách. Cũng có lý do đưa ra là không tập trung được tác giả nữa. Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT không có một bộ SGK riêng thì an ninh sách giáo khoa rất nguy hiểm. SGK bây giờ là do các NXB, các công ty cổ phần tổ chức biên soạn, biết đâu đó, đến một lớp nào đó, thời điểm nào đó, họ không tổ chức viết sách nữa thì thế nào?

Trân trọng cảm ơn ông!