Năm 2024, ĐH Thái Nguyên (ĐHTN) dự kiến tuyển sinh 17.275 chỉ tiêu trình độ đại học và 1.050 chỉ tiêu trình độ cao đẳng.

Về phương thức tuyển sinh, năm 2024 ĐHTN tuyển sinh theo 07 phương thức: xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển theo kết quả học tập THPT (Học bạ); xét tuyển theo Đề án tuyển sinh riêng của các đơn vị đào tạo; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) trên máy tính của ĐHTN.

Trong đó, phương thức mới là phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) trên máy tính của ĐHTN. Các đơn vị đào tạo của ĐHTN dự kiến dành khoảng 5-15% tổng số chỉ tiêu cho phương thức này.

Đây là năm đầu tiên, ĐH Thái Nguyên tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính và sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các trường thành viên.

Với vai trò là đầu mối trong công tác tuyển sinh của toàn đại học, được quyết định phương thức tuyển sinh chung trong toàn đại học, ĐHTN xây dựng Đề án tổ chức thi đánh giá đầu vào đại học bằng hình thức thi trên máy tính để làm một trong những phương thức xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thành viên từ năm 2024. Đây là kì thi sử dụng ngân hàng đề thi/ câu hỏi thi của Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục thuộc Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ngân hàng đề thi/ câu hỏi thi đã được chuẩn hóa theo quy định và thực hiện theo phương châm chú trọng năng lực của thí sinh. Kì thi bao gồm 7 môn thi tương ứng 7 môn học: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh được tổ chức thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Thí sinh có thể lựa chọn ít nhất 3/7 môn thi tùy thuộc vào nguyện vọng xét tuyển theo các khối ngành của đơn vị tuyển sinh. Về hình thức, kì thi được tổ chức thi trên máy tính, bài thi trắc nghiệm khách quan được cải tiến, thiết kế đa dạng các dạng thức câu hỏi trắc nghiệm.

PGS.TS Nguyễn Danh Nam, trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học, ĐH Thái Nguyên khẳng định: Việc tổ chức thi theo hình thức làm bài thi trên máy tính giúp ĐHTN tổ chức thi tiết kiệm thời gian và chi phí về lâu dài. Với sự phối hợp của Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục giúp ĐHTN giảm bớt gánh nặng chi phí về giấy tờ, mực in, công tác nghiên cứu đề thi, thẩm định đề thi và chấm thi so với hình thức thi truyền thống trên giấy.

Với tính năng trộn đề từ ngân hàng câu hỏi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề khác nhau, do đó không có tình trạng thí sinh gian lận trong kì thi. Bên cạnh đó, việc chấm thi cũng được thực hiện trên phần mềm, có thể trả kết quả ngay lập tức, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của người chấm thi. Như vậy, có thể thấy rõ tính linh hoạt, hiệu quả và khách quan của Kì thi này.

Đối với thí sinh, khi tham gia kỳ thi sẽ được biết điểm thi ngay sau khi kết thúc môn thi. Thí sinh được công nhận và sử dụng chung kết quả thi V-SAT giữa Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Ngân hàng.

Ngoài ra, thí sinh có thể lựa chọn ít nhất 3/7 môn thi tùy thuộc vào nguyện vọng xét tuyển theo các khối ngành của đơn vị tuyển sinh. Đồng thời, thí sinh có thể lấy kết quả của từng môn thi ở các đợt thi khác nhau trong năm 2024 của các đơn vị tổ chức thi V-SAT để làm kết quả xét tuyển vào các khối ngành của đơn vị tuyển sinh.