Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, cụ thể hoá Khâu đột phá nhiệm kỳ 2022-2027 về “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin” và Chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”.
Sau hơn 4 tháng phát động và triển khai, Cuộc thi đã được Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị tích cực triển khai và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ cả nước với thành phần đông đảo đến từ nhiều dân tộc, độ tuổi. Đặc biệt, có những tác giả bài thi là phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, những người đã rất nỗ lực để có các sản phẩm dự thi xuất sắc, truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước.
Cuộc thi đã nhận được trên 3.200 bài dự thi với sự tham gia tích cực của gần 9.000 cán bộ, hội viên, trong đó nhiều cán bộ, hội viên vùng dân tộc thiểu số và hội viên danh dự là nam giới. Vòng chung kết cấp Trung ương đã nhận được 312 bài dự thi, nhiều tỉnh, thành, đơn vị có số bài dự thi tham dự vòng thi cấp toàn quốc đúng thể lệ, chất lượng cao. Điển hình như các tỉnh Yên Bái, Kiên Giang, Lai Châu, Thanh Hóa, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Nội…
Theo bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN, đa số các bài dự thi có sự chuẩn bị chu đáo cả về nội dung và hình thức, thể hiện được tính đặc trưng, sáng tạo, sinh động, bám sát chủ đề, thể lệ Cuộc thi. Nội dung sản phẩm đa dạng, phong phú, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiệm vụ công tác Hội, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; mô hình 5 có, 3 sạch; hoạt động bảo vệ môi trường; các hoạt động giáo dục truyền thống; các giải pháp giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em…
Một số sản phẩm dự thi ứng dụng các công cụ, nền tảng có sử dụng trí tuệ nhân tạo, sản phẩm là phần mềm/ứng dụng do thí sinh xây dựng mới... Qua đó đã tạo ra các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt tại chi, tổ Hội. Đặc biệt phát huy hiệu quả việc tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội trên không gian mạng đối với hội viên đi làm ăn xa hoặc không có thời gian tham gia trực tiếp sinh hoạt Hội tại địa phương.
Nhiều video clip thuyết minh sản phẩm được tác giả trình bày bằng các hình ảnh, âm thanh sống động, có minh họa ấn tượng, dễ hiểu, thuyết minh chi tiết về ý nghĩa, mục đích, các ứng dụng, phần mềm công nghệ được sử dụng để tạo nên các sản phẩm tốt, sáng tạo, có khả năng nhân rộng, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng, không phát sinh chi phí và có tính ứng dụng cao trong thực tế.
Ban Giám khảo đã lựa chọn được 50 bài dự thi đưa vào vòng bình chọn trên Fanpage Hội LHPN Việt Nam. Vòng bình chọn đã diễn ra sôi nổi, thu hút được gần 200 nghìn lượt theo dõi, thích, bình luận và chia sẻ của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng, giúp Cuộc thi lan toả mạnh mẽ, tạo được dấu ấn cho tổ chức Hội.
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 01 giải Đặc biệt; 02 giải Nhất; 07 giải Nhì; 09 giải Ba cùng 16 giải chuyên đề cho các bài thi xuất sắc nhất.
Cuộc thi đã góp phần cụ thể hóa một cách có hiệu quả chủ đề công tác năm về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thúc đẩy tinh thần chủ động, sáng tạo của cán bộ Hội; bước đầu có được những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội mang tính thực tiễn cao, có thể áp dụng để phổ biến, nhân rộng trong toàn quốc.