Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, là yêu cầu cấp thiết, khách quan đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi số trở thành phương thức, giải pháp quan trọng, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển, hoạt động của quốc gia, bộ, ngành, tổ chức, địa phương, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới, nhận thức mới, phương thức hành động mới đối với các ngành, các cấp, trong đó có tổ chức Hội.

Chiến lược phát triển Tổ chức Hội LHPN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động”; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII xác định khâu đột phá: “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Các chương trình mục tiêu quốc gia mà Hội tham gia cũng như các Đề án của Chính phủ giao Hội chủ trì thực hiện đều đặt ra các yêu cầu, giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động.

Gần đây, Hội đã ký kết Chương trình phối hợp với C06 Bộ Công an để bổ sung các nội dung hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” cũng như nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử dùng chung về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2024 - 2026 trong đó có các hoạt động hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN cho biết, năm 2024, Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề công tác năm là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” với nhiều hoạt động phong phú ở tất cả các cấp Hội. Đặc biệt Cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp Hội cùng đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên cả nước.

"Con số hơn 3.500 bài dự thi của 66 tỉnh/thành, đơn vị, với sự tham gia của gần 5.900 cán bộ Hội, gần 1.000 hội viên, trong đó hội viên danh dự là nam giới tham gia đã cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong của cán bộ Hội ở cơ sở, và đây là tiền đề cho nhiều hoạt động chuyển đổi số trong tương lai", bà Hương nhấn mạnh.

Các cấp Hội đã có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số như: nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở về ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động của Hội. Đặc biệt trong công tác tuyên truyền và quản lý hội viên; thí điểm mô hình thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng; vận động nguồn lực để trang bị máy tính cho 100% cơ sở Hội để có thể sử dụng các phần mềm để phục vụ công tác Hội.

Cán bộ Hội cũng tham gia tích cực vào các tổ chuyển đổi số cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ về tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng.

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số của các cấp Hội còn đang gặp không ít khó khăn. Cho đến nay, Hội mới đang trong quá trình xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt nên còn thiếu cơ chế để thực hiện chuyển đổi số; năng lực cán bộ các cấp chưa đồng đều, nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ, cơ sở vật chất hạn chế.

Theo TS Nguyễn Đức Toàn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ thông tin, Học viện Phụ nữ Việt Nam, công nghệ số có thể mang lại cơ hội mới cho sự cường quyền của phụ nữ, nhưng chỉ một mình công nghệ thì không thể giải quyết các vấn đề hệ thống gây ra khoảng cách giới số. "Trọng tâm cần đặt vào các biện pháp chính sách cụ thể thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong cách mạng số, đồng thời đối phó với các định kiến ăn sâu vào văn hóa gây ra phân biệt đối xử và thậm chí bạo lực đối với phụ nữ".

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phụ nữ Việt Nam ngày càng có cơ hội và điều kiện thể hiện vai trò quan trọng trong thực tiễn đổi mới của đất nước. Người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, được tiếp cận với công nghệ mới, giảm bớt áp lực công việc và việc làm, có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp. Bởi vậy, phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số.

Bên cạnh đó, cũng cần tạo ra nhiều động lực mới để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy tài năng. Phụ nữ chỉ có thể phát huy được vai trò của mình khi năng lực đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn chuyển đổi số.