Vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại mới đây khiến tất cả chúng ta đều cảm thấy rùng mình. Một em bé mới chỉ 3 tháng tuổi chưa biết lẫy và đương nhiên chưa biết nói, chưa thể phản kháng đã trở thành nạn nhân của hành vi xâm hại dã man. Sự thật ấy buộc chúng ta phải nhìn lại: Kẻ xâm hại không chừa một ai.
Tội ác không thể dung thứ
Trao đổi với Phóng viên VOV2, ông Đặng Hoa Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng đây là vụ việc “hết sức nghiêm trọng”.
Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, ông Nam nhấn mạnh: “Điều đau lòng nhất là nạn nhân còn quá nhỏ tuổi, hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Đây không chỉ là tội ác mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ với toàn xã hội”.

Từ sự việc này, ông Nam cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nhìn thẳng vào những khoảng trống, những hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em để rút ra bài học sâu sắc và hành động khẩn trương, quyết liệt hơn.
“Trẻ em có năng lực tự bảo vệ rất hạn chế, vì vậy rất cần được chăm sóc, che chở và tạo một môi trường sống an toàn từ cha mẹ, gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương đến các tổ chức xã hội”, ông Nam nói.
Ông cũng chỉ rõ, trẻ càng nhỏ tuổi thì sự non nớt về thể chất và trí tuệ càng đòi hỏi sự chăm sóc, bảo vệ kịp thời, kỹ lưỡng và chu đáo hơn nữa.
Không có bất kỳ ngoại lệ nào về nguy cơ xâm hại, dù là bé gái hay bé trai, dù ở thành thị hay nông thôn, ngay cả trong gia đình, trường học hay các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Những đối tượng thường xuyên gần gũi với trẻ chính là những người cần được chú ý và kiểm soát chặt chẽ hơn cả.
Trả lời phỏng vấn VOV2, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nêu rõ: Hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, đặc biệt trong vụ án bé gái mới 3 tháng tuổi, là tội ác đặc biệt nghiêm trọng theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi 2017), hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất lên tới tử hình, hình phạt cao nhất trong hệ thống pháp luật hình sự, thể hiện thái độ không khoan nhượng với tội ác này.

“Không chỉ phản ánh sự tha hóa đạo đức của một bộ phận con người, hành vi này còn cho thấy những khoảng trống trong hệ thống bảo vệ trẻ em hiện nay, đặc biệt là trong các môi trường tưởng như an toàn như gia đình”, Luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Pháp luật đã có nhưng phòng ngừa mới là chìa khóa
Ông Đặng Hoa Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, cho rằng, hành vi xâm hại trẻ em dù ở bất kỳ đâu, dưới bất kỳ hình thức nào, đều không thể tha thứ.
“Trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ mất an toàn, bị xâm hại càng cao. Vấn đề không nằm ở chỗ pháp luật có nghiêm khắc hay không mà là xã hội, gia đình và chính mỗi bậc cha mẹ đã thật sự hành động kịp thời và đầy đủ chưa”.
Theo ông Nam, cha mẹ cần học cách làm cha mẹ từ sớm. Đặc biệt, cần học kiến thức và kỹ năng về phòng ngừa xâm hại trẻ em, bởi điều này đòi hỏi sự tinh tế, sự quan sát và sự chủ động cao độ.
“Dấu hiệu sớm có thể xuất hiện ngay cả khi trẻ chưa biết nói như bỏ bú, sợ hãi, khóc đêm, có dấu vết bất thường ở vùng kín… Những thay đổi nhỏ ấy, nếu không được cha mẹ lưu tâm, có thể dẫn đến hậu quả không thể bù đắp”, ông Nam chỉ rõ.
Khi có nghi ngờ, phải kịp thời liên hệ các đầu mối bảo vệ trẻ em như Tổng đài 111, công an phường xã, trung tâm công tác xã hội... Không im lặng, không sợ hãi, không vì thể diện mà che giấu.
Chúng ta không thể ở bên con mọi lúc, nhưng có thể chuẩn bị cho con một vòng tròn an toàn từ sự hiểu biết và cảnh giác của gia đình. Điều quan trọng nhất là mỗi cha mẹ, người thân hãy quan tâm, lắng nghe và để ý nhiều hơn đến con trẻ, từ những điều nhỏ nhất.
Đừng nghĩ rằng con còn nhỏ là an toàn. Bởi đôi khi, chỉ một chút chủ quan cũng có thể dẫn đến hậu quả không thể bù đắp./.