Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:
Năm thứ 4 tổ chức tuyển sinh vào 10 theo chương trình phổ thông mới nhưng phụ huynh hầu như không có sự chuẩn bị từ trước, chưa biết con em mình phù hợp môn học gì, có xu hướng chọn ngành nghề gì để lựa chọn tổ hợp.
Chương trình phổ thông mới với mục tiêu tạo nên sự liên thông giữa các cấp học, giúp học sinh phát hiện và định hướng nghề nghiệp từ sớm chưa thực sự vận hành đúng mục tiêu đặt ra hay còn những nguyên nhân nào khác? Học sinh và phụ huynh cần lựa chọn tổ hợp theo những nguyên tắc nào?..
Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, phường Cửa Nam, Hà Nội, người có kinh nghiệm trong xây dựng tổ hợp cũng như tư vấn lựa chọn cho học sinh “bật mí” những kinh nghiệm quý.

Phóng viên: Thưa bà, tuyển sinh vào 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông mới đã bước sang năm thứ 4 nhưng những ngày này, trên các trang mạng xã hội và báo chí vẫn thấy tình trạng phụ huynh, học sinh hoang mang, lúng túng với việc chọn tổ hợp. Nguyên nhân tình trạng này theo bà từ góc độ của người tư vấn cũng như tuyển sinh theo chương trình mới gồm những gì?
Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh: Thực tế chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT đã triển khai đến năm thứ 4 nhưng việc quen với tổ hợp chỉ là các thầy các cô ở trường THP. Còn đối với các em lớp 9 hằng năm và tuyển sinh vào lớp 10 thì vẫn là mới.
Cho nên băn khoăn trong chọn tổ hợp cá nhân tôi khẳng định vì các em chưa hiểu rõ các tổ hợp, các môn học lựa chọn là thế nào, rồi các chuyên đề học tập ra sao?
Những nội dung này các trường THPT sẽ phải tư vấn rất rõ cho cha mẹ cũng như học sinh trước khi làm hồ sơ nhập học vào lớp 10.
Ở đây với vai trò là người xây dựng các tổ hợp cho các nhà trường thì đầu tiên chúng tôi cũng phải xác định nghiên cứu xây dựng các tổ hợp nào mà thứ nhất dựa vào tình hình đội ngũ của nhà trường. Thứ hai cũng rất quan trọng ở việc gắn kết với các khối thi theo các trường đại học của các em sau này. Ở đây đảm bảo việc khi xây dựng các tổ hợp lựa chọn thì ít nhất các em sẽ có cơ hội thi được 2,3 khối tuyển sinh, đồng nghĩa thêm nhiều cánh cửa cho tương lai của mình. Và việc tư vấn cho phụ huynh lựa chọn những tổ hợp này cũng là vấn đề quan trọng.
Phóng viên: Theo như khảo sát thực tế của chúng tôi với phụ huynh có con vừa nhận kết quả tuyển sinh vào 10 và đang đứng trước lựa chọn tổ hợp sẽ có xu hướng chọn nhóm môn thật dễ nhưng cũng có nhóm khác thì đang phản ứng với các nhà trường khi cho rằng các tổ hợp môn không rõ ràng, chẳng ra tổ hợp xã hội cũng không phải tổ hợp tự nhiên. Xin bà phân tích rõ hơn nội dung này?
Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh: Thực tế vừa rồi các em học sinh đã phải trải qua một kì thi rất căng thẳng với những cuộc đua để vào lớp 10 THPT của các trường công lập. Bởi lẽ đó các em tập trung toàn bộ vào việc ôn luyện các môn thi cho kì thi đó thôi và xem nhẹ các môn khác nên khi vào cấp 3, nhất là xu thế ngại các môn tự nhiên, chủ yếu tìm các môn học thuộc lòng, các môn xã hội cho tổ hợp lựa chọn của mình.
Tuy nhiên, các nhà trường tôi nghĩ cần định hướng cho các con việc mạnh dạn chọn các môn tự nhiên vì nếu không có khoa học cơ bản sẽ khó phát triển kinh tế, đồng thời xây dựng khối thi cho học sinh sau này cũng sẽ khó khăn hơn.
Ví dụ nếu các em lựa chọn môn Lý, về sau có cơ hội mở rộng cơ hội khi Toán, Văn, Ngoại ngữ vốn là các môn bắt buộc và thuộc khối D nhưng khi có thêm môn Lý sẽ hình thành thêm khối A1 gồm Toán, Lý, Ngoại ngữ. Còn khi có môn Hóa lại thành khối D7 là Toán, Hóa, Ngoại ngữ. Và cần có những tổ hợp lựa chọn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học sẽ cho các em cơ hội thi tuyển rất nhiều khối gồm cả khối D, A và B.
Xây dựng tổ hợp rồi cũng cần tư vấn cho phụ huynh, học sinh biết cách lựa chọn tổ hợp vì thực tế theo quy định của Bộ nếu các em đã lựa chọn và sau năm học đầu không thấy phù hợp có quyền thay đổi. Vì thế cần động viên học sinh, con em để lựa chọn các môn liên quan đến khoa học cơ bản, mở ra nhiều hơn cơ hội nghề nghiệp ở tương lai không xa. Và xây dựng tổ hợp thì không thể sắp xếp toàn môn xã hội hoặc toàn môn tự nhiên mà cần hoặc thiên về các môn tự nhiên hoặc 50% tự nhiên, 50% xã hội thì sẽ có sự cân bằng.
Phóng viên: Vâng, cân bằng trong giáo dục cũng quan trọng nhưng có lẽ quan trọng hơn chính là mở ra nhiều hơn cơ hội trong tương lai. Trong nhiều năm liền, câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh theo các bậc học ở phổ thông đã đặt ra nhưng đến khi vào lớp 10 và 4 mùa tuyển sinh gần đây học sinh phải chọn tổ hợp mang tính định hướng nghề nghiệp nhưng hầu như các em và gia đình đều chưa tự tin về bản thân và lựa chọn. Điều này cho thấy công tác giáo dục hướng nghiệp còn những khó khăn ở các cấp học, thưa bà?
Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh: Tôi nghĩ rằng việc hướng nghiệp từ cấp 2 cũng được các thầy cô thực hiện rồi. Tuy nhiên các em cũng chưa nắm rõ. Lên cấp 3, công việc này sẽ rõ ràng và chi tiết hơn. Nhưng cá nhân rôi cho rằng nên có sự giao thoa giữa các trường THPT với các trường THCS từ trước khi các em lựa chọn các trường thi vào 10 gồm hướng dẫn, giới thiệu các tổ hợp môn học, cách thức lựa chọn nghề nghiệp, các khối ngành đại học, các ngành nghề đòi hỏi ở các tổ hợp nào giúp các con sớm biết, sớm hình thành những khái niệm hoặc mô hình sẽ phải lựa chọn và không còn bỡ ngỡ.
Phóng viên: Với học sinh 2K10, bà có lời khuyên gì trong lựa chọn tổ hợp khi bản thân vẫn đang chưa định hướng hoặc nhận thức được những gì phù hợp trong chặng đường tiếp theo?
Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh: Trong giai đoạn này tôi nghĩ các em hoàn toàn yên tâm và tự tin vì các thầy cô trong ban tuyển sinh cũng như sẽ dạy trong 3 năm THPT luôn đồng hành, hỗ trợ trong dạy học cũng như bù đắp những kiến thức còn yếu, còn thiếu. Quan trọng ở đây các con tự tin ở bản thân cũng như năng lực truyền thụ kiến thức của thầy cô để vững tin cho chặng đường học tập của bản thân.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn bà!