Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có gì mới?

TS. Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhận định, năm 2024 là năm đặc biệt vì thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ chủ yếu sinh năm 2006. Năm 2024 cũng là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi diện rộng đại trà cho lứa HS học Chương trình Giáo dục phổ thông 2006.

Ông Phong lưu ý thí sinh, cần ôn tập tốt, tìm hiểu kỹ quy chế thi mới, chú ý sức khỏe để chuẩn bị tâm thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Trong việc lựa chọn môn thi, các em chọn 4 bài thi trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc. Thí sinh chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Quy chế thi nêu rõ mỗi em được cấp một mật khẩu. Các em phải tự bảo vệ mật khẩu, nếu quên thì hỏi ngay nơi đăng ký dự thi để có phương án xử lý.

TS. Lê Mỹ Phong lưu ý thí sinh tìm hiểu kỹ quy chế thi để thực hiện trách nhiệm của thí sinh, biết được những vật dụng không được đưa vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật. “Năm ngoái có 41 thí sinh do mang điện thoại vào phòng thi nên đã bị đình chỉ. Trong khi làm bài thi, quy chế mới cũng nêu rõ các em phải có trách nhiệm bảo vệ bài thi của mình. Chúng ta không được cho bạn chép bài và chép bài bạn, tất cả hành vi đó đều bị xử lý rất nặng”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết, trước đây khi thí sinh có vấn đề sức khỏe, muốn di chuyển ra chỗ thăm khám phải thì bắt buộc có sự giám sát của công an. Trong quy định mới, ngoài công an thì còn có thêm sự giám sát của giám thị.

Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cho biết, Hội đồng ra đề thi từ năm 2024 sẽ bổ sung thêm lãnh đạo hội đồng là lãnh đạo Sở GD-ĐT hoặc lãnh đạo trường ĐH. “Trước đây, Hội đồng ra đề thi chủ yếu là người của Bộ GD-ĐT. Điều này giúp kỳ thi sử dụng nhiều mục đích, vừa đánh giá chất lượng HS học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vừa có sự phân hóa tốt để các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Trao đổi thêm về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025, TS Lê Mỹ Phong cho biết, Bộ GD-ĐT vẫn thực hiện khâu chỉ đạo tổ chức và làm đề. Với những thí sinh tự do năm 2025 sẽ có bài thi riêng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2006 nên hoàn toàn yên tâm.

Ngày 8/3/2024, Bộ GD-ĐT đã công bố cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo đó, môn Ngữ Văn vẫn thi theo hình thức tự luận. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn như hiện hành. Trong khi đó với những môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm, ngoài tỉ lệ câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (4 phương án, chọn 1 phương án đúng) thì còn có thêm 2 định dạng là lựa chọn đúng – sai và câu trả lời ngắn giúp hạn chế tối đa việc có điểm do “đoán mò”.

Thí sinh phải thực hiện đầy đủ tất cả các khâu trong quy trình tuyển sỉnh

Tại Ngày hội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT khẳng định, quy chế tuyển sinh ĐH 2024 giữ ổn định như 2 năm qua.

Tất cả các khâu quá trình tuyển sinh đều thực hiện trực tuyến do đó thí sinh không được bỏ lỡ “điểm mốc” quan trọng nào.

Sau khi đăng ký dự thi tốt nghiệp, thí sinh chưa đăng ký xét xét tuyển ngay. Điều quan trọng bây giờ là các em phải chuẩn bị để hoàn thành thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết thúc kỳ thi mới bắt đầu vào giai đoạn đăng ký các nguyện vọng xét tuyển.

Trước đó, thí sinh có thời gian điều chỉnh nguyện vọng. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn. Tuy vậy, các em cần có chiến thuật sắp xếp nguyện vọng “không bỏ trứng vào một giỏ”, không dồn tất cả nguyện vọng vào ngành "hot", trường tốp đầu có sự cạnh tranh cao”.

Khi thực hiện các bước trong quá trình tuyển sinh, các em phải thực hiện từ đầu đến cuối cho đến khi kết thúc quy trình. “Một số bạn năm trước thực hiện quy trình giữa chừng thì dừng lại, tắt máy tính. Khi quay lại thì quy trình đó chưa được ghi nhận, chưa được nhập vào hệ thống và chưa có hiệu lực”. Bà Thủy lưu ý thí sinh thực hiện đầy đủ tất cả các bước trong quy trình tuyển sinh trực tuyến.

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số trường tổ chức các kỳ xét tuyển sớm. Việc này thường sử dụng cho phương thức kết hợp, sau này sẽ nhập lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, khi nhận được giấy báo trúng tuyển có điều kiện vào các nguyện vọng xét tuyển sớm thì đây chưa phải kết quả trúng tuyển chính thức. Bởi vì có thí sinh có thể trúng tuyển sớm vào nhiều trường. Các em phải nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Khi đó mới xác nhận các em muốn nhập học vào trường nào.

Ngành đào tạo, trường ĐH, CĐ nào yêu thích, thí sinh hãy đặt nguyện vọng đầu tiên. Thí sinh khi trúng tuyển ở nguyện vọng trên sẽ không trúng tuyển vào những nguyện vọng dưới, tức là chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, giúp giảm thiếu thí sinh ảo trên hệ thống. “Các em phải sắp xếp đúng thứ tự nguyện vọng của mình. Thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng nhưng sau khi được ghi nhận vào hệ thống và hết thời hạn điều chỉnh thì các em không thay đổi nữa”, bà Thủy nói.

Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH cũng lưu ý thí sinh giữ cẩn trọng tài khoản, mã số bảo mật của mình.

Mỗi năm có khoảng 5-7% thí sinh xét tuyển lại

Từ 9 năm nay, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ đã có những đổi mới rất mạnh mẽ. Tiêu chí đầu tiên của việc đổi mới là mang lại thuận lợi lớn nhất và cơ hội tốt nhất cho các em học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, trước năm 2015 học sinh chỉ được chọn một nguyện vọng và một ngành vào một trường đại học, cơ hội để trúng tuyển vào được trường tốt, ngành tốt là rất khó. Từ năm 2015, thí sinh có 4 nguyện vọng vào 1 trường; từ năm 2016 có 4 nguyện vọng vào 2 trường. Từ năm 2017 trở đi, các em được đăng ký xét tuyển không hạn chế số nguyện vọng đăng ký vào các trường, các ngành và các chương trình đào tạo khác nhau.

Như vậy, hầu hết các em học sinh đã được trúng tuyển ở đợt 1 vào các ngành, các trường mong ước theo nguyện vọng cao nhất của mình.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay có khoảng 250 trường ĐH, hơn 300 CĐ, nhiều trường trung cấp. Số ngành ở bậc ĐH gần 500, tương tự như vậy ở bậc CĐ, trung cấp. Do đó, sự lựa chọn rất lớn.

“Mỗi năm số lượng thí sinh trúng tuyển vào ĐH xấp xỉ 500.000 -600.000 nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt 80%. Khoảng 20% thí sinh không nhập học chứng tỏ các em đăng ký nguyện vọng nhưng đến lúc lựa chọn trường, ngành có sự khác nhau.

Hơn nữa, sau năm thứ nhất ĐH, lại có khoảng 5-7% thí sinh trúng tuyển vào CĐ ĐH lựa chọn con đường xét tuyển lại. Việc chọn sai hoặc chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng nhiều. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT và các cơ quan báo chí tư vấn tuyển sinh nhằm giúp HS và phụ huynh có thông tin đầy đủ, tự tin chọn ngành, chọn trường phù hợp, giảm số lượng đăng ký rồi nhưng không nhập học hoặc đã vào trường ĐH rồi nhưng phải chọn lại”, thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ./.