Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi.

Tháng 10/2023, chỉ vì mâu thuẫn với bố ruột, một thiếu niên 14 tuổi sống tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã bỏ bả chó vào sữa khiến bố và bà nội tử vong.

Ngày 22/12/2023, một học sinh lớp 10 tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng sau khi tranh cãi với bố, đã dùng hung khí sát hại chính người sinh ra mình rồi đốt thi thể để phi tang.

Mới đây, Lê Phong Toàn, 15 tuổi, ở xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng đã sát hại bạn gái cùng tuổi, trú cùng xã. Tại cơ quan điều tra, Lê Phong Toàn đã thừa nhận hành vi đánh bạn gái là Nguyễn Thùy D (15 tuổi) ngất sau đó siết cổ, cho vào bao tải kéo ra vườn nhà chôn.

Thạc sỹ Đào Phương Thanh – Giảng viên khoa Pháp luật hình sự – Đại học luật Hà Nội cho biết: Tội phạm nguy hiểm ngày càng trẻ hóa, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và tính phức tạp của những vụ án hình sự do trẻ em gây ra ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, do các em chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý lại có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu hụt các kỹ năng sống như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc khiến trẻ vị thành niên dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Bên cạnh đó có cả nguyên nhân kinh tế – xã hội, là nguyên nhân chung của tội phạm chưa thành niên, không chỉ ở nước ta. Một số gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục khiến các em ngày càng sa ngã... là những nguyên nhân chính dẫn tới phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ.

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng: Lứa tuổi thanh thiếu niên có sự chuyển biến thay đổi mạnh về tâm sinh lý, người ta gọi là “khủng hoảng bản sắc của tuổi thanh thiếu niên”. Mâu thuẫn giữa năng lực, nhận thức của bản thân với nhu cầu được khẳng định và công nhận cái tôi trong mọi mối quan hệ. Nhu cầu được công nhận là người lớn làm cho diễn biến tâm lý của lứa tuổi này rất phức tạp và khó nắm bắt. Thậm chí, khi thực hiện hành vi phạm tội, các em không suy nghĩ nhiều và còn cảm thấy "rất oai, rất đáng tự hào với bạn bè”. Chính vì vậy ở lứa tuổi này, sự giáo dục của gia đình là rất quan trọng.

Hiện nay chế tài hình sự đối với người dưới 18 tuổi được áp dụng theo hướng khoan hồng, nhân đạo. Người chưa thành niên phạm tội không áp dụng 2 hình thức cao nhất là tù chung thân và tử hình, chính sách này phù hợp luật pháp quốc tế. Ngoài ra các hình phạt tù đối với đối tượng này cũng được áp dụng nhẹ hơn, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Không ít ý kiến cho rằng, nên sửa luật hình sự theo hướng tăng nặng đối với người chưa thành niên, thậm chí áp dụng cả án tử hình, có như vậy mới đủ sức răn đe trẻ vị thành niên phạm tội. Tuy nhiên, Thạc sỹ Đào Phương Thanh – Giảng viên khoa Pháp luật hình sự – Đại học luật Hà Nội nhìn nhận, điều này là không nên bởi phải tìm ra gốc rễ mới giải quyết được vấn đề, đó là quan tâm đến các em nhiều hơn, chú trọng hơn đến công tác giáo dục, không chỉ là kiến thức mà còn giáo dục cả đạo đức và pháp luật, tạo điều kiện cho các em sửa sai, tái hòa nhập với xã hội.

Hiện nay, Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được đưa ra bàn thảo, với mục tiêu hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên;… Thạc sỹ Đào Phương Thanh cho biết: Khi ra đời, Luật sẽ có tác động lớn đến việc ngăn chặn và giảm các đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội, bởi khi chúng ta thống nhất tất cả các quy định của người chưa thành niên vào 1 đạo luật duy nhất sẽ thuận tiện cho việc giáo dục, áp dụng pháp luật./.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với thạc sỹ Đào Phương Thanh tại đây: