Tháng 11 năm 2021, Bộ Y tế đã phê duyệt thí điểm Hợp đồng xã hội trong 3 năm và Cục Phòng chống AIDS đã ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai thí điểm tại 9 tỉnh, thành phố từ tháng 6 năm 2022.

Sau gần 2 năm triển khai thí điểm hợp đồng xã hội cho thấy, đây là cơ chế tham gia, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các đơn vị, tổ chức. Trong đó, phải kể đến vai trò quan trọng của các cơ quan nhà nước trong việc đưa ra các cơ chế, chính sách để vận hành mô hình hiệu quả.

Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với TS Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) để phân tích những yếu tố thúc đẩy triển khai hợp đồng xã hội và các cơ quan nhà nước cần làm gì để trở thành một “mắt xích” tối ưu trong chiến lược bảo đảm tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hợp đồng xã hội - một mô hình mới với nhiều thách thức

Phóng viên: Chúng ta đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt dịch AIDS. Mặc dù hiện các chỉ số cam kết 90-90-90 gần như đã tiệm cận, thậm chí là đã có 96% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, một tỷ lệ mà không nhiều quốc gia đạt được. Thế nhưng, chúng ta đều hiểu rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm và nếu chủ quan, thiếu đầu tư thỏa đáng thì dịch có thể sẽ gia tăng trở lại, thưa bà?

TS Dương Thúy Anh: Chúng ta cũng biết Việt Nam đã trải qua một chặng đường hơn 30 năm với những nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS để kiểm soát tình hình lây nhiễm mới HIV xuống 0.3%. Mặc dù tình hình lây nhiễm HIV mới đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây dưới 10.000 ca mỗi năm tuy nhiên tình hình lây nhiễm lại có xu thể chuyển dịch từ các nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm sang nhóm đồng tính nam chủ yếu trong nhóm thanh niên, nhóm thuộc độ tuổi lao động rất đáng lo ngại tại các khu vực đô thị và hiện nay là ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long, đang chiếm hơn 50% không bao gồm Hồ Chí Minh còn nếu gồm cả HCM lên tới hơn 72% ca nhiễm mới trên toàn quốc.

Quyết định 1246/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các nhóm chỉ tiêu và giải pháp để chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 và rất nhiều chỉ tiêu đang chưa thể thực hiện được do thiếu nguồn lực đầu tư. Tôi chỉ lấy ví dụ một trong các giải pháp dự phòng quan trọng hiện nay là PreP thì ngân sách nhà nước và Quỹ BHYT ko chi trả. Hiện đang dựa hoàn toàn vào các dự án quốc tế. Hiện nay chương trình điều trị PreP mới đạt được mức độ bao phủ 12% theo chỉ tiêu chiến lược năm 2025 phải đạt 30% và đến năm 2030 là 40% nhưng nếu theo kịch bản ước tính và dự báo để chấm dứt dịch bệnh AIDS phải đạt độ bao phủ 70%

Hiện nay mức độ đáp ứng ngân sách vẫn chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu và các dự án đang có xu hướng giảm dần và chấm dứt sau năm 2026 là một lo ngại đối với Việt Nam

Phóng viên: Và việc triển khai mô hình hợp đồng xã hội trong bối cảnh các nguồn lực tài chính của các tổ chức giảm đi có phải là một giải pháp hiệu quả hay không và theo bà giải pháp này còn có những hạn chế gì ?

TS Dương Thúy Anh: Hợp đồng xã hội là một hình thức nhà nước mua sắm các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức xã hội. Đây là một giải pháp để sử dụng nguồn lực hiệu quả vì các tổ chức xã hội là các tổ chức được hình thành từ các nhóm nguy cơ cao, họ có khả năng tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao khác một cách dễ dàng hơn và cung cấp dịch vụ tư vấn tốt hơn so với các cơ sở cung cấp dịch vụ công lập

Các nhóm nguy cơ cao có xu hướng thích tiếp cận để được cung cấp dịch vụ từ các tổ chức xã hội do tính bảo mật, dễ tiếp cận và thân thiện tuy nhiên tính bền vững của các tổ chức này cũng là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới

Các tổ chức xã hôi hình thành và phát triển từ các nhóm cộng đồng. Hiện nay số lượng các tổ chức cộng đồng có tư cách pháp nhân còn khá khiêm tốn và chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Hoạt động của các nhóm này hiện nay đều do các chương trình, dự án quốc tế hỗ trợ do đó khi các nguồn tài trợ rút đi tính bền vững của các tổ chức này là một thách thức lớn.

Ngoài ra để tồn tại, các tổ chức này không thể dựa vào cung cấp các dịch vụ phòng chống AIDS, họ cần tìm hướng đi để cung cấp các dịch vụ sức khỏe và cộng đồng khác mới có đủ nguồn lực để duy trì và phát triển tổ chức

Rất nhiều các tổ chức kể cả các tổ chức có tư cách pháp nhân còn hạn chế về nhân lực đặc biệt nhân lực quản lý tài chính và có kinh nghiệm trong điều hành doanh nghiệp. Họ cảm thấy khó khăn khi đưa tổ chức cộng đồng thành các doanh nghiệp xã hội khi thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp như thuế và các khoản đóng góp cho người lao động.

Phóng viên: Hợp đồng xã hội là hình thức Chính phủ ký hợp đồng trực tiếp với các tổ chức xã hội để cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Điều đó, để thấy rằng vai trò của các cơ quan chức năng trong việc chủ trì đảm bảo hoạt động mô hình này là rất quan trọng. Xin bà có thể phân tích từ thực tiễn triển khai thí điểm trong thời gian qua?

TS Dương Thúy Anh: Trước tiên tôi phải khẳng định trong đề án thí điểm mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố thời gian vừa qua, các dự án hỗ trợ kinh phí để các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định mức và cơ chế quản lý tài chính nhà nước.

Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai thí điểm, đưa ra các quy trình chuyên môn cung cấp dịch vụ, hướng dẫn cơ chế mua sắm và định mức chi theo ngân sách nhà nước sau khi thống nhất với nhà tài trợ.

Các đơn vị đầu mối phòng, chống HIV/AIDS 9 tỉnh thành phố thông qua Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành phố triển khai hoạt động này thông qua hình thức đặt hàng các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ, ký hợp đồng, thanh quyết toán và nghiệm thu khối lượng công việc của các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Anh Tống Văn Nam- Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Kết nối trẻ (tỉnh Bình Dương): "Kết nối trẻ đánh giá rất cao sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước. Kết nối trẻ nhận được sự hỗ trợ liên tục trong vòng 2 năm vừa qua của Cục phòng chống HIV/AIDS. Cục đã có nhiều hoạt động từ thảo luận, hội nghị vận động chính sách để trợ giúp chúng tôi cụ thể từ việc lên kế hoạch, hỗ trợ kỹ thuật, vận động thúc đẩy triển khai hợp đồng xã hội.

Các tổ chức cộng đồng đang quen với mô hình tài trợ quốc tế nhưng khi sang mô hình sử dụng nguồn lực nhà nước thì có nhiều rào cản, khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, thực thi, thủ tục giải ngân, báo cáo cũng phức tạp hơn nhiều.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục được đào tạo, tập huấn. Nhiều doanh nghiệp hiện còn chưa biết làm thủ tục đấu thầu, như Kết nối trẻ cũng rất bỡ ngỡ, đi từng bước một"

Anh Võ Thanh Toàn- Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Tây Ninh Pride (tỉnh Tây Ninh): "Tháng 10 năm 2021 doanh nghiệp có hợp đồng xã hội đầu tiên. Và đây là thành quả của sự nỗ lực của rất nhiều bên như là sự hỗ trợ từ lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh, dự án EPIC/FHI360

Chúng tôi đánh giá cao hợp đồng xã hội vì có thể chuyển đổi từ ngân sách quốc tế sang nguồn ngân sách trong nước, địa phương. Khi dự án nước ngoài rút đi thì nguồn lực này có thể đảm bảo hoạt động của các tổ chức được lâu dài, bền vững"

Hành lang pháp lý là điều kiện tiên quyết để triển khai hợp đồng xã hội

Phóng viên: Thưa TS Dương Thúy Anh, bên cạnh những kết quả đạt được sau hơn 2 năm triển khai thí điểm hợp đồng xã hội, thực tế còn chỉ ra những vấn đề gì cần phải giải quyết, nhất là việc nâng cao hơn nữa vai trò, sự tham gia của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương?

TS Dương Thúy Anh: Đây là mới là hoạt động thí điểm. Để hoạt động này triển khai thực tế bằng nguồn ngân sách nhà nước còn rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, các hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phải được cụ thể hóa trong danh mục dịch vụ công do Chính phủ phê duyệt

Thứ hai, các dịch vụ kiểm định và y tế dự phòng hiện nay mới chỉ thực hiện qua hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng theo quy định của Nghị định 32 của Chính phủ quy định đặt hàng dịch vụ công từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng với các đơn vị sự nghiệp của nhà nước ko áp dụng cho các tổ chức xã hội. Muốn triển khai được trong tương lai phải bổ sung hình thức đấu thầu cung cấp dịch vụ các tổ chức xã hội mới có đủ điều kiện tham dự.

Thứ ba, năng lực tham gia đấu thầu của các tổ chức là một thách thức lớn, với các tổ chức chưa có kinh nghiệm quản lý tài chính tham gia các bài toán dự thầu cung cấp dịch vụ là thách thức lớn

Thứ tư, năng lực của các CDC thực hiện các hoạt động đấu thầu lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ, thời gian thực hiện kéo dài, điều kiện giải ngân ngân sách trong năm... còn là trở ngại lớn cho việc triển khai hoạt động này.

Phóng viên: Từ thực tế đó, Cục phòng chống HIV/AIDS có những khuyến nghị như thế nào đối với các cơ quan nhà nước để triển khai hợp đồng xã hội?

TS Dương Thúy Anh: Như tôi đã trao đổi ở trên, trước tiên phải xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ bao gồm có sửa đổi bổ sung Quyết định 1387 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công lĩnh vực y tế dân số. Hiện nay trong quyết định này chỉ có danh mục kiểm định và y tế dự phòng được hiểu là bao gồm HIV/AIDS. Tuy nhiên trong HIV/AIDS lại có danh mục cụ thể hơn ví dụ như tư vấn, truyền thông cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su hay tư vấn, truyền thông xét nghiệm HIV, chuyển gửi các khách hàng đến cơ sở điều trị ARV hay các cơ sở dự phòng chưa được cụ thể. Vô hình chung QĐ của Thủ tướng sẽ phải phê duyệt hàng trăm danh mục trong lĩnh vực HIV nói riêng và dự phòng nói chung. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu và tháo gỡ nội dung này.

Sau khi có danh mục sẽ phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành khung giá để các tỉnh có căn cứ triển khai thực hiện từ nguồn ngân sách tại các địa phương.

Các CDC các tỉnh, thành phố dự toán hoạt động, lập kế hoạch mua sắm, tổ chức đấu thầu, phê duyệt lựa chọn tổ chức trúng thầu, ký kết hợp đồng, nghiệm thu và thanh toán đòi hỏi hỗ trợ năng lực cho các CDC thực hiện các hoạt động này.

Vai trò của Bộ Y tế là cơ quan đầu mối rất quan trọng trong việc tham mưu chính sách, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố

Phóng viên: Trong tương lai, việc triển khai hợp đồng xã hội được mở rộng thì việc huy động, bố trí ngân sách như thế nào sẽ là một vấn đề. Và lúc này, ngoài Bộ Y tế thì sự vào cuộc của các bộ ngành khác là thực sự cần thiết phải không, thưa bà?

TS Dương Thúy Anh: Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch- Đầu tư là hai cơ quan rất quan trọng trong việc thẩm định hành lang pháp lý. Bộ Tài chính trong nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã nêu rõ Bộ Tài chính là các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và phê duyệt danh mục dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý. Bộ Tài chính còn đặc biệt quan trọng trong triển khai Nghị định 32 về đặt hàng dich vụ công.

Hiện nay theo phân cấp ngân sách, các nhiệm vụ chi trên trung ương do ngân sách trung ương đảm nhiệm và các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương do địa phương bố trí nên tôi cho rằng vai trò quan trọng nhất là các CDC các tỉnh thành phố. Sau khi các hành lang pháp lý đã sẵn sàng, CDC là đơn vị lập dự toán hoạt động, bảo vệ với UBND và hội động nhân dân và triển khai hoạt động sau khi được phê duyệt.

Phóng viên: Chúng ta mới đang ở giai đoạn thí điểm, chắc chắn sự lúng túng là không tránh khỏi. Và điều đó cũng có nghĩa là việc hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật cho các doanh nghiệp xã hội vẫn cần phải đặt ra. Thời gian tới Cục phòng, chống HIV/AIDS sẽ có những kế hoạch cụ thể như thế nào, thưa bà?

TS Dương Thúy Anh: Tôi cho rằng có hai hoạt động rất quan trọng đó là hỗ trợ tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội để họ tự tìm được hướng phát triển duy trì bền vững. hợp đồng xã hôi là điều kiện cần để các tổ chức tham gia nhưng ko phải là điều kiện tiên quyết để duy trì sự tồn tại của các tổ chức này. Các tổ chức không thể chỉ trông chờ vào các hoạt động trong HĐXH của HIV mà phải nâng tầm tổ chức để cung cấp các dịch vụ sức khỏe và cộng đồng khác. Đây là quá trình lựa chọn và đào thải và các tổ chức phải chấp nhận khi không còn các dự án quốc tế hỗ trợ. Trong thời gian tới đây Cục PC HIV/AIDS đề nghị các nhà tài trợ thiết kế các dự án theo hướng tập trung hỗ trợ phát triển các tổ chức mạnh và các tổ chức này lại hỗ trợ đến các nhóm cộng đồng non trẻ hơn để cùng duy trì hoạt động

Ngoài ra, như tôi trao đổi CDC các tỉnh, thành phố là đơn vị chủ trì triển khai hoạt động này tại địa phương, các năng lực dự toán, lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, quản lý tài chính dòng ngân sách là yêu cầu cần thiết để triển khai hoạt động và các dự án sẽ hỗ trợ cho các tỉnh triển khai sau khi các hành lang pháp lý đã được xây dựng đầy đủ.

Phóng viên: Xin cảm ơn TS Dương Thúy Anh!

- Có 13 tổ chức xã hội tại 9 tỉnh, thành phố ký hợp đồng cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo đề án thí điểm

- 20 hợp đồng xã hội đã được ký giữa cơ quan tuyến tỉnh và tổ chức xã hội

- 7/ 9 tỉnh đạt trên 70% chỉ tiêu trong hợp đồng k‎ý kết

- Đề án thí điểm gặp nhiều thuận lợi với sự tham gia tích cực của các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tỉnh và các tổ chức cộng đồng.

- Năng lực về quản lý, điều phối và thực hiện chương trình được nâng cao

Xin mời nghe cuộc trao đổi giữa VOV2 với TS Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng, Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế