Sau 10 năm không có trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 (ca tử vong gần nhất là ngày 22/1/2014 tại Đồng Tháp), mới đây, nước ta ghi nhận trường hợp nam thanh niên 21 tuổi ở Khánh Hòa đã không qua khỏi do mắc cúm này.

Theo BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: nguy cơ lây truyền cúm gia cầm sang người phụ thuộc vào việc virus có thích nghi được với quần thể người hay không. Ví dụ virus cúm A/H1N1 vốn dĩ lây truyền trong cộng đồng thì có thể hình thành những vụ dịch rất là dễ dàng. Tuy nhiên, virus cúm A/H5N1 thích nghi với cơ thể con người còn có những yếu tố nhất định, khiến cúm A/H5 ở gia cầm, các loại chim rất phổ biến nhưng ở trên người thì ngót nghét chưa đến 1.000 trường hợp trên thế giới đã nhiễm cúm A/H5N1 (theo Tổ chức y tế thế giới).

Tuy nhiên H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, là chủng cúm có độc lực cao. Tỷ lệ người bệnh tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60- 70%.

"Đây là loại virus cúm mới, ít thích nghi với cơ thể con người nên động lực của nó đối với cơ thể con người là rất cao nếu như bị nhiễm. Khi bị nhiễm, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50% -70% thậm chí còn cao hơn nữa" - BS Nguyễn Quốc Thái thông tin.

Bệnh cảnh lâm sàng của virus cúm A gây ra trên người cũng không khác biệt nhiều so với các loại virus khác. Tuy nhiên diễn biến của nó có thể chuyển nặng nhanh hơn và rầm rộ hơn. Bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng đường hô hấp trên, sốt sau đó nhanh chóng chuyển sang biểu hiện bệnh đường hô hấp dưới với biểu hiện đau tức ngực, khó thở.

Triệu chứng đau tức ngực khó thở có thể báo hiệu trước viêm phổi do virus cúm A/H5N1 mà tiến triển có thể thành suy hô hấp, phải tiến hành các biện pháp hỗ trợ hô hấp xâm nhập như đặt nội khí quản, thậm chí phải làm cả ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) để giúp cơ thể duy trì, vượt qua khỏi giai đoạn viêm phổi virus.

Vì vậy, khi người bệnh có bệnh lý về đường hô hấp, từ những biểu hiện rất thô sơ như đau rát họng, ho, hoặc ngạt mũi cũng phải hết sức cảnh giác. Nếu như biểu hiện đó lan xuống đường hô hấp dưới, gây đau tức ngực, khó thở thì người bệnh phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Hiện nay các xét nghiệm thông thường như các test nhanh thì chỉ phát hiện được cúm A/H1, cúm B, còn lại cúm A/H5N1 đòi hỏi các xét nghiệm chuyên sâu - BS Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.

Điều đáng lo ngại là vấn đề là cúm gia cầm, vốn được cho là chỉ ảnh hưởng đến gia cầm, đã bắt đầu tấn công động vật có vú ở một số quốc gia. Về mặt sinh học, các loài động vật có vú gần gũi với con người hơn, làm dấy lên mối lo ngại rằng virus có thể thích nghi để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn. Ngoài ra, một số động vật có vú có thể đóng vai trò là vật trung gian trộn lẫn virus cúm, dẫn đến sự xuất hiện của các loại virus mới lây lan sang động vật và con người.

Bài học từ đại dịch Covid-19 cho thấy, việc chúng ta chủ động các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe là vô cùng cần thiết. "Tất cả người dân hết sức cảnh giác không chỉ cúm A/H5N1 mà cúm nói chung và các con virus lây truyền qua đường hô hấp thì chúng ta phải cảnh giác để làm sao ngăn ngừa sự lây truyền, chủ động đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay để làm sao hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm với các loại virus lây truyền qua đường hô hấp cũng như các loại virus cúm." - BS Thái khuyến cáo.

Những người tiếp xúc thường xuyên với các ố chứa virus cúm A/H5N1 đã xác định (ví dụ như các trang trại nuôi gà vịt mà có hiện tượng gà vịt ốm và chết hàng loạt) phải hết sức thận trọng, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay phòng tránh việc đưa virus vào niêm mạc mũi, mắt rồi niêm mạc họng dẫn đến việc virus có nguy cơ xâm nhập nhanh nhất vào cơ thể.

BS Nguyễn Quốc Thái cũng đặc biệt khuyến cáo người dân đang nuôi các loại gia cầm cần thực hiện đúng theo khuyến cáo của các cơ quan thú y trong việc tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm, phòng tránh nhiễm virus cúm A/H5N1.