Theo các chuyên gia, trong số các loại ký sinh trùng giun lươn là loại hiểm nhất, nhưng nhiều bệnh nhân vì không nghĩ có thể nhiễm ký sinh trùng nên không đi khám hoặc khám không đúng chuyên khoa, phải mất nhiều thời gian mới tìm ra bệnh.

Ông Lê Phước Ngọc ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là một trường hợp như vậy. Ông Ngọc bị ngứa kéo dài cả năm nay. Ông đã đi khám da liễu, uống và bôi thuốc trong một thời gian dài nhưng không khỏi. Từ Quảng Trị ông được giới thiệu ra Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ở Hà Nội. Sau khi được xét nghiệm tìm ký sinh trùng, bác sĩ kết luận ông bị nhiễm giun lươn (bệnh giun lươn), phải nhập viện điều trị.

Ông Ngọc cho biết, trước đây ông chỉ nghe đến nhiễm giun hoặc sán với biểu hiện như đau bụng đi ngoài, rối loạn tiêu hóa, còn bệnh giun lươn thì bây giờ ông mới biết và cũng không hiểu vì sao mình bị nhiễm.

"Nghỉ hưu rồi ở nhà chỉ thỉnh thoảng làm ruộng hoặc trồng cây, không ăn rau sống hay đồ tái nên không biết vì sao lại bị nhiễm giun lươn" - ông Ngọc nói.

Cũng rất ngạc nhiên khi biết mình bị nhiễm 3 loại ký sinh trùng, trong đó có giun lươn là trường hợp của bệnh nhân Cao Thị Liên, 45 tuổi ở tỉnh Nghệ An. Chị Liên cho biết chị bị ho hơn 1 năm nay, đã đi nhiều bệnh viện để khám, cũng đã uống nhiều đợt kháng sinh nhưng vẫn không khỏi. Khi đến khám tại Bệnh viện Phổi TW, kết quả xét nghiệm máu cho thấy có tăng bạch cầu ái toan, bác sĩ nghi ngờ chị bị nhiễm ký sinh trùng nên giới thiệu đến khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

"Không lúc nào nghĩ bị nhiễm ký sinh trùng, ho chỉ nghĩ đến bệnh phổi nên uống kháng sinh điều trị ho. Khi có kết quả xét nghiệm bác sĩ bảo nhiễm 3 loại ký sinh trùng là giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn, giun đầu lươn thì rất hoang mang, sút mất 5kg, ở quê chưa khi nào nghe thấy bệnh này, ra viện mới thấy nhiều người mắc..." - chị Liên chia sẻ.

Theo bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng giun lươn của 2 bệnh nhân trên là do thói quen ăn thực phẩm tái sống trong đó có mầm bệnh, ấu trùng giun lươn, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với đất cát trong đó có mầm bệnh.

Bác sĩ Thu Phương lưu ý, triệu chứng hay gặp khi nhiễm giun lươn là rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày và cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Các thuốc hiện nay sẽ giúp bệnh nhân được điều trị khói bệnh, tuy nhiên cũng rất dễ tái phát nếu không biết cách phòng tránh.

"Bệnh này phòng tránh không khó, thứ nhất là ăn chín uống chín, thứ 2 là khi có tiếp xúc với đất cát ruộng vườn thì phải đeo trang phục bảo hộ lao động sau đó vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn..." - BS Thu Phương khuyến cáo.

Uống thuốc tẩy giun cũng là cách trị giun sán hiệu quả, tuy thuốc chỉ có tác dụng trị một số loại giun thông thường như giun đũa, giun móc, giun kim.. Đối với giun lươn hay các loại sán thì cần được tẩy dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.