Mỗi lần đi chợ hay siêu thị về, chị Lê Thu Hồng ở quận Đống Đa, Hà Nội thường có thói quen phân loại thực phẩm. Rau củ để ngăn mát tủ lạnh, thực phẩm tươi sống để ngăn đông, tất nhiên, vì thực phẩm sống chưa qua chế biến nên chị Hồng chỉ dùng túi ni lông hay túi đựng thực phẩm tự phân hủy để bao gói. Còn đối với thực phẩm chín, chị Hồng cẩn thận hơn khi chọn đồ thủy tinh hoặc hộp nhựa đựng thực phẩm. Tuy nhiên, chị Hồng cũng khá hoang mang trước “ma trận” thị trường hộp bảo quản thực phẩm.

Lo thì lo nhưng những món đồ nhà bếp là những thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình, cũng giống như chảo chống dính, nồi chiên không dầu, lò vi sóng… Tuy nhiên, những món đồ gia dụng đắt tiền này có khiến người nội trợ cảm thấy yên tâm hơn? Chị Phạm Như Băng, sống tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, các đồ trong gia đình mình như chảo, nồi cơm điện, nồi chiên không dầu và một số dụng cụ khác nữa đều có lớp chống dính có tác dụng để thức ăn không bị dính, nhưng nếu như để nhiệt độ quá cao, hay cọ xát nhiều sẽ ảnh hưởng đến lớp chống dính, sẽ bị dính, nhanh hỏng.

Theo chị Băng, chảo chống dính thường bị trầy xước sau một thời gian sử dụng nên đồ ăn thường bị dính chảo, trông không đẹp mắt và ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.

Mới đây Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo đang loại bỏ các loại bao bì thực phẩm có chứa 'hóa chất vĩnh cửu' PFA như giấy gói thức ăn nhanh, túi đựng bỏng ngô quay lò vi sóng,… để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ủy ban An toàn thực phẩm Nhật Bản cũng giới hạn ‘hóa chất vĩnh cửu’ PFAS trong thực phẩm và những thứ có liên quan đến thực phẩm. Một điều khá bất ngờ: PFAS là chất được tìm thấy trong thực phẩm và những món đồ dùng nhà bếp người dân hay dùng. Vậy, tại sao các quốc gia lại phải hạn chế PFAS trong thực phẩm?

“Vì hiện nay chất PFAS là chất khó bị phân hủy nhất, được phát hiện ở trong các sản phẩm tiêu dùng và trong công nghiệp và dẫn đến việc bị phơi nhiễm trực tiếp cho con người ngày càng nhiều. PFAS có trong các sản phẩm chảo chống dính, các vật liệu chống dính, khi mà chúng ta sử dụng sẽ sinh ra PFAS, rồi trong bao bì đựng thực phẩm chống thấm dầu mỡ cũng sử dụng PFAS. Như vậy là rất nhiều các sản phẩm tiêu dùng có khả năng phân tán PFAS ra môi trường, làm tăng khả năng phơi nhiễm khi con người tiếp xúc. Các hợp chất PFAS được coi là khá trơ về mặt khoa học, tồn tại lâu dài trong môi trường, một số hợp chất PFAS được ghi nhận là có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, hiện nay cũng có các nghiên cứu về sự ảnh hưởng của các hợp chất PFAS đến tình trạng rối loạn chuyển hóa lipit trong cơ thể, đồng thời nghiên cứu sự tồn tại của chúng trong tế bào gan thận bởi chúng có thể ảnh hưởng đến các chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Hiện khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu về sự ảnh hưởng này, tuy nhiên, vì nó là một chất khó bị phân hủy, vì vậy ngày càng có nhiều các chất PFAS được thải ra môi trường nên các nước phát triển khuyến cáo hạn chế sử dụng” - PGS.TS Trần Thượng Quảng - Trưởng bộ môn Hóa hữu cơ - Trường Hóa và Khoa học sự sống - ĐH Bách khoa Hà Nội giải thích.

Các quốc gia phát triển đang nỗ lực hạn chế PFAS bằng mọi cách, trong nỗ lực bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của con người. Việt Nam chúng ta cũng vậy, hiện Chính phủ chưa có chỉ đạo cụ thể, tuy nhiên, người dân là những nhà tiêu dùng thông thái thì nên có những thay đổi để hạn chế sự ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để có thể hạn chế PFAS trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày, theo PGS.TS Trần Thượng Quảng, người dân nên tránh sử dụng những món đồ dùng có thể ảnh hưởng đến môi trường hạn chế phát tán những chất có hại cho cơ thể, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, chuyển sang sử dụng túi giấy.

“Người tiêu dùng khi nấu ăn nên hạn chế các đồ dùng có phủ lớp chống dính, chuyển sang sử dụng chảo gốm sứ (phủ một lớp ceramic) không chứa PFAS, thay chảo chống dính bằng chảo inox, cũng có nhiều gia đình sử dụng, hiện các hãng cũng đã sản xuất các loại chảo inox rất tốt. Ngoài ra có thể sử dụng muôi hoặc thìa bằng tre, gỗ dùng để chiên rán giúp chống dính đồng thời hạn chế phân tán các chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe"- PGS.TS Trần Thượng Quảng khuyến cáo.