Dấu ấn lịch sử

Nằm ở vị trí chiến lược, Bắc Giang từ xưa được coi là "phên dậu", một trong "tứ trấn" trọng yếu của đất nước; nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên mảnh đất Bắc Giang đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy, tiêu biểu hơn cả là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do các vị thủ lĩnh áo nâu Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đứng lên chống thực dân Pháp, kéo dài gần 30 năm, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu của thế kỷ XX.

Khởi nghĩa Yên Thế được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá "là cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc chống thực dân Pháp trước khi có Đảng". Đây là một minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh tiềm tàng của người nông dân, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Bản lĩnh, tinh thần và lòng yêu nước của hai vị thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế trở thành bản hùng ca bất diệt của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024, gọi tắt là Lễ hội Yên Thế 2024) vào sáng 16/3.

Ngày 16/3/1884, Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) đã cùng các nghĩa sĩ trở về đình Thế Lộc (nay là đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên) tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 8 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1892), Đề Nắm đã lập nên một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự trong rừng núi dọc bờ sông Sỏi, tổ chức lối đánh du kích tài tình, mưu trí dũng cảm, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của thực dân Pháp.

Tháng 3/1892, thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám (còn gọi là Đề Thám) - một vị tướng tài của nghĩa quân đứng lên tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa, trở thành thủ lĩnh với biệt danh "Hùm xám Yên Thế". Với tài năng quân sự lỗi lạc, ông đã dựa vào núi rừng để tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, làm cho giặc Pháp bao phen bạt vía, kinh hồn.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, điều kiện KT-XH hết sức khó khăn thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bắc Giang luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo, kiên cường, dũng cảm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về phát triển KT-XH của cả nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí Lê Minh Khái biểu dương, chúc mừng những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung.

Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế là để chúng ta ôn lại trang lịch sử oanh liệt, hào hùng, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân đối với Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và có cuộc sống hạnh phúc hôm nay.

Đây cũng là dịp để nhắc nhở, ôn lại truyền thống vẻ vang của vùng đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, qua đó tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, chung sức, đẩy mạnh đổi mới, hội nhập và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, vững bước đi lên, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, giàu mạnh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá

Ngoài việc cho xây dựng các công trình như đình, chùa tại vùng khởi nghĩa, vào dịp đầu xuân, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám cho tổ chức lễ phóng ngư, thả điểu, lễ cầu may, cầu siêu để tri ân những nghĩa quân tử trận. Lễ hội Yên Thế được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian độc đáo. Do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh, sau này lễ hội không còn được duy trì. Với quyết tâm giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, ngày 16/3/1984, nhân kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa Yên Thế, Lễ hội Yên Thế được tổ chức trở lại và duy trì hằng năm cho đến ngày nay với nội dung phong phú, hấp dẫn, đậm bản sắc văn hóa.

Sự kiện nhằm tri ân các vị thủ lĩnh cùng tinh thần bất diệt của nghĩa quân Yên Thế, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc; khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước. Với giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu, năm 2012, Di tích Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (gồm 23 điểm di tích) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Lễ hội Yên Thế vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế đã được Nhà nước đầu tư, các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp và khách thập phương hưng công chung tay tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 450 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Đình ba tầng mái, đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, đồn Phồn Xương (Yên Thế); chùa Vồng, đình Hả, đền thờ Lương Văn Nắm (Tân Yên); đình Đông (thị xã Việt Yên), chùa Kem (Yên Dũng). Năm 2019, Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám được công nhận là điểm du lịch, trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách tham quan, chiêm bái.

Điểm nhấn của Lễ hội là chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Bản hùng ca Yên Thế", được dàn dựng quy mô hoành tráng, công phu. Chương trình gồm hai phần: Hùm Thiêng Yên Thế và Bắc Giang, khúc ca ngày mới.

Đông đảo khán giả hào hứng theo dõi màn trống hội tưng bừng, đẹp mắt; các trường đoạn sử thi có sự kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và hoạt cảnh sân khấu tái hiện khái quát những sự kiện chính của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đồng thời xen lẫn là những ca khúc mang âm hưởng dòng nhạc dân gian kết hợp đương đại như: "Dòng máu Lạc Hồng", "Hoàng Hoa Thám", "Hùm thiêng Yên Thế", "Một dáng Cầu Vồng", "Chè bản Ven quê em", "Bắc Giang miền quê bừng sáng", "Sáng mãi bản hùng ca" và các làn điệu dân ca ngọt ngào. Chương trình có sự tham gia trình diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Lương Huy, NSƯT Vũ Thắng Lợi; các ca sĩ: Đan Trường, Tùng Dương, Bùi Lê Mận, Quách Mai Thy và các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Chèo Bắc Giang, một số nhóm, câu lạc bộ nghệ thuật.