Nếu như ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đều bắt học sinh mặc đồng phục khi đến trường thì lên môi trường đại học không còn bó buộc sinh viên trong những bộ đồng phục nữa. Sinh viên có thể thoải mái mặc những gì mình thích. Tuy nhiên, chính sự thoải mái này, khiến nhiều sinh viên ăn mặc theo phong cách thái quá, vượt qua giới hạn về văn hóa ăn mặc trong môi trường sư phạm.

Vì vậy, một số bạn nữ theo đuổi phong cách thời trang cởi mở đã mặc nhiên cho rằng cứ phải hở một chút mới đẹp hay cứ ngắn, cứ xẻ là thời trang. Thế nên, những chiếc áo với chất liệu voan, ren từ mỏng đến xuyên thấu, áo khoét cổ sâu, váy ngắn, quần sooc… vô tư xuất hiện trên giảng đường. Các bạn sinh viên nam cũng chẳng kém cạnh, vô tư diện những chiếc quần Jean xé rách te tua, đục lỗ nham nhở, áo bó khoe body, đôi khi còn có những chiếc quần tụt quá mông, lộ cả nội y bên trong. Có lẽ vì thế mà nhiều người ví von, giảng đường đại học được trở thành sàn biểu diễn thời trang của các bạn sinh viên.

Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm như: “Nữ sinh lộ hàng trong lớp”, hay “Nữ sinh ăn mặc hở hang, phản cảm”… sẽ cho ra hàng trăm kết quả. Điều này cho thấy trào lưu trang phục mát mẻ ngày càng trở nên rầm rộ hơn, phổ biến hơn không chỉ trên các giảng đường đại học mà cả ở ngoài xã hội, và ở những nơi tôn nghiêm.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phần lớn học sinh, sinh viên đều có nếp sống, lối nghĩ hiện đại nhưng vẫn phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ vẫn có cách cư xử, ăn mặc không phù hợp như việc lên giảng đường mà mặc những chiếc áo xuyên thấu, ngắn cũn cỡn để lộ những vùng nhạy cảm của cơ thể hoặc xuề xòa với những bộ pizama, quần cộc, áo phông – là những trang phục không thể mặc ở nơi nghiêm túc.

Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do ý thức, cái "tôi" cá nhân của mỗi người. Họ muốn thể hiện cá tính, phong cách riêng nên đã tự tạo cho mình một "gu" ăn mặc mà theo họ là phù hợp với thời đại hiện nay mà không cần phải quan tâm đến cái nhìn của người khác.

Không ít người nhận định rằng, giới trẻ thường có xu hướng bắt chước, học theo các trào lưu, cách ăn mặc của người nổi tiếng. Như tại các tuần lễ thời trang những năm gần đây, xuất hiện nhiều trào lưu ăn mặc được cho là lố lăng, không phù hợp, vô tình gieo vào giới trẻ những cái nhìn lệch lạc, những quan niệm sai về mặc đẹp, về thời trang. Bên cạnh đó, gia đình cũng là nhân tố ảnh hưởng đến gu ăn mặc của con cái. Nếu như cha mẹ quan tâm đến con cái, giáo dục các bạn ăn mặc như thế nào là phù hợp thì sẽ hạn chế được hiện tượng phản cảm này.

Dẫu biết rằng, ăn mặc ra sao là quyền tự do cá nhân nhưng điều đó không có nghĩa các bạn trẻ chỉ quan tâm đến cá tính của mình mà bỏ quên các giá trị về thẩm mỹ, lịch sự nơi giảng đường. Sự thiếu đứng đắn trong cách ăn mặc không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà trường mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các thầy cô. Hơn nữa, việc diện những bộ trang phục gợi cảm, thiếu vải như vậy cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho bản thân nữ sinh có thể gặp những chuyện tiêu cực ngoài mong muốn.

Thực tế, ở bất cứ môi trường nào cũng có những nguyên tắc cơ bản về cách ứng xử, ăn mặc. Như ở trường học cũng có quy định, sinh viên ăn mặc không phù hợp sẽ bị nhắc nhở, không cho vào lớp, vào văn phòng khoa. Thế nhưng, dường như việc triển khai vẫn chưa triệt để, cách xử phạt chưa đủ nghiêm, vẫn mang tính hình thức, nhắc nhở là chính dẫn đến hiện tượng sinh viên ăn mặc phản cảm vẫn diễn ra.

Chính vì vậy, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, bên cạnh những quy định thì điều quan trọng nhất là làm thay đổi nhận thức từ đó dẫn tới thay đổi hành vi ở các bạn trẻ. Trước tiên, các trường cần đưa ra một số quy định về trang phục khi đến trường. Tiếp đó, mỗi sinh viên cần có sự tự giác nâng cao ý thức bản thân về văn hóa trang phục học đường.

Có thể nói, phong cách ăn mặc xuất phát từ mục đích muốn bản thân đẹp hơn, thu hút và nổi bật giữa đám đông, tuy nhiên không phải cứ chạy theo xu hướng thì mới là đẹp. Có rất nhiều bạn sinh viên có lối ăn mặc giản dị, gọn gàng cũng đủ giúp các bạn trở nên lịch sự, bắt mắt, vẫn đẹp mà không hề lỗi thời. Trang phục là đại diện cho cốt cách, văn hóa, nhận thức của mỗi người. Mặc đẹp, mặc phù hợp chính là tôn trọng mình và tôn trọng những người xung quanh.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: