Khoảng 4 tháng trước, Hồng Khánh Sơn (28 tuổi) đang học thạc sĩ tại Trường ĐH Y Hà Nội. Anh trở về Sài Gòn nghỉ lễ 30/4 rồi bị cuốn vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại quê hương mình.

Theo kế hoạch của Sở y tế TP.HCM, ban đầu Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp Quận 8, TP.HCM có 50 giường điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhưng lượng bệnh nhân mỗi lúc một đông, kế hoạch tăng lên 150 giường. Đầu tháng 8, bệnh nhân quá tải, bệnh viện tiếp nhận 250-300 người bệnh.

Lúc này, nhân sự của Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp Quận 8, TP.HCM vẫn dàn trải chi viện cho các khu cách ly tập trung ở ký túc xá ĐH Sài Gòn, ĐH quốc gia TP.HCM, tham gia vào lực lượng tiêm vaccine và một số nhân viên y tế đã trở thành F0.

Những người ở lại bệnh viện không có cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, không làm việc 8 tiếng mà hầu như “quay cuồng” suốt ngày đêm, lúc nào mệt thì thay nhau nghỉ.

Bệnh nhân mỗi lúc một đông, nhiều người vào viện khi bệnh đã trở nặng. Có những bệnh nhân tự điều trị ở nhà, cứ mệt là lấy bình oxy tự tạo hít thở. Khi chuyển vào viện chỉ số SpO2 tụt nhanh, đặt nội khí quản một lúc đã tử vong.

Bác sĩ Sơn và các đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung ký túc xá ĐH quốc gia TP.HCM được lệnh rút về.

“Về đây, nghỉ được 1 buổi chiều, nhận nhiệm vụ xong thì như một đống hỗn độn, đụng đâu đánh đó như thời chiến”. Khoa cấp cứu được thành lập cấp tốc, bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển vào ồ ạt nằm kín phòng, bệnh viện phải kê ghế bố san sát khắp hành lang không có mái che, dọc theo bờ tường vẫn không đủ. Lúc đó bệnh viện như một trại tị nạn.

Những hôm trời mưa, người nhà phải cầm dù hoặc che áo mưa cho bệnh nhân, dưới chân họ nước lõng bõng. “Đó là hình ảnh đau lòng nhất”, bác sĩ Sơn kể.

15 bệnh nhân chỉ định dùng máy thở dòng cao HFNC mà bệnh viện chỉ có khoảng chục máy. Chỉ định ai, bỏ lại ai, một việc không dễ đối với các y bác sĩ.

SpO2 dưới 93 là nặng nhưng bệnh nhân đưa vào đây toàn trong tình trạng nguy kịch, SpO2 từ 50-60, nếu không nhận thì bệnh nhân chắc chắn tử vong tại nhà hoặc trên đường.

Giai đoạn thành phố bắt đầu phong tỏa, oxy là “tài nguyên” quý giá nhất. Xe chở oxy là thứ mà các nhân viên y tế ngóng từng giây, từng phút.

Bệnh viện có 4 người vận chuyển oxy thì 2 người dương tính với SARS-CoV-2. Hai người còn lại mỗi ngày chạy đi thay oxy rồi chạy về bệnh viện, cứ thế ngày 8 lần. Rồi thì 2 người còn lại cũng dương tính nốt.

“Họp ban giám đốc chỉ xin có đủ oxy dùm em. Cứ liên hệ được nơi nào có oxy là kể cả ban giám đốc cũng đưa xe cá nhân đi, hệ thống y tế bệnh viện chạy hết tốc lực”.

Bệnh nhân thở oxy mask túi 15 lít/phút thì bình oxy dùng 2-3 tiếng là hết. Có khi bác sĩ phải hạ mức oxy còn 7-8 lít để cho tất cả mọi người cùng thở, chờ oxy về.

Những bình oxy đã hết các bác sĩ vẫn cắm vào kiểm tra từng bình một xem còn bình nào sót hay không. Xe ô xy đã chạy hết tốc lực, lượng bình cũng tối đa nhưng vẫn thiếu khủng khiếp”.

Có những bệnh nhân cần chuyển viện nhưng các cuộc điện thoại gọi lên tuyến trên đều vô vọng. Các bệnh viện tầng 3 ít, mở ra là đầy bệnh nhân.

15 bệnh nhân chỉ định dùng máy thở dòng cao HFNC mà bệnh viện chỉ có khoảng chục máy. Chỉ định ai, bỏ lại ai, một việc không dễ đối với các bác sĩ.

Giai đoạn đỉnh điểm có đến chục ca tử vong trong ngày nhưng các bệnh viện đều như vậy. Đêm nọ, lại thêm 2 bệnh nhân tử vong do thiếu oxy. Trước đó, họ vẫn còn khỏe. “Bó tay, bất lực, muốn buông bỏ”, bác sĩ Sơn khóc, đồng nghiệp của anh cũng khóc rồi trấn an gia đình nhưng anh không thể nói rằng vì hết oxy mà bệnh nhân ra đi.

Người ta kêu mình là cháu, mình cũng kêu bằng ngoại. Mới đây còn “Ngoại ơi, ngoại ăn được không? Ngoại thở nha. Ngoại đừng có bỏ oxy ra nha…”, nên khi người ta mất mình đau lòng”.

Bác sĩ Sơn từng nghĩ rằng, làm bác sĩ phải giữ cho mình một cái đầu lạnh để xử lý công việc hiệu quả, nhưng khi quá nhiều chuyện xảy ra trong cơn cuồng phong Covid-19, anh cũng rơi nước mắt.

Có những ca bất lực nhưng cũng có những ca vì sự năng nổ của mình mà họ được cứu sống. Cứ lạc quan, đôi khi mặc đồ bảo hộ mà ra nhảy múa để tạo niềm vui cho mình và cả bệnh nhân nữa”.

Thích nhất là khi một bệnh nhân ra viện. “Cả team mình lúc đó như trẩy hội, các cô chú đi rồi chào “Về nha mấy con, mai mốt qua ăn hủ tiếu nhà cô nha con”. Đó là động lực khiến cho mình phải làm tiếp và làm tốt”.

Khi đang tham gia chống dịch tại TP.HCM, Sơn nhận được cuộc gọi từ các thầy cô ở Trường ĐH Y Hà Nội giục nộp đề cương thạc sĩ. Cũng tới lúc đó thầy cô mới biết Sơn tham gia chống dịch. Anh bị la vì đi mà không thông báo với nhà trường. Bệnh viện phục hồi chức năng nơi anh đến chi viện lúc đó nói rằng khoảng 5 tuần có thể về.

Thế nhưng sau 5 tuần, lượng bệnh nhân mắc Covid-19 được chuyển vào viện ngày càng đông, đồng nghiệp của bác sĩ Sơn bị nhiễm bệnh tăng nhiều. Anh gần như “mắc kẹt” trong cuộc chiến tại TP.HCM và gần như quên luôn mình đang theo học thạc sĩ tại Hà Nội.

Sáng nay, Sơn đón một số bác sĩ nội trú ngoài Hà Nội mới vào Nam chi viện, gặp các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đi thăm tuyến dưới. “Vậy là các thầy cũng vào trong này hết rồi”.

Sống tại Sài Gòn, chống dịch trong thành phố nhưng hơn 3 tháng nay bác sĩ Hồng Khánh Sơn không về nhà. Ba má Sơn gần 70 tuổi không biết rằng anh đang ở mặt trận chống dịch căng thẳng nhất.

Ba Sơn biết anh ở bệnh viện nhưng do dịch căng quá nên không thể về nhà, ông cũng biết Sơn phải mặc đồ bảo hộ bởi có Covid-19 nhưng không biết rằng anh đang trực tiếp tham gia điều trị F0.

Hỏi Sơn, “vì sao lại nói dối ba mẹ?”, anh cười “Má có bệnh Alzheimer, nếu nói đi chống dịch liên tục như thế này thì má khỏi ngủ. Là dân ngành y, tự lập sớm nên chuyện xa nhà cũng trở thành bình thường. Ba má cũng hiểu về thì nguy hiểm. Đợt dịch trước cũng vậy, cứ báo là con không về nhà 1-2 tháng là được”.  

Trước đây, bác sĩ Sơn chẳng bao giờ tưởng tượng Sài Gòn lại có ngày phải trải qua  cơn bạo bệnh như bây giờ. Sơn bảo “nhìn ra mà đau lòng, nhớ lại trước đây chỉ thèm 1 tô bún mắm”.

Sau nhiều ngày vất vả, hôm nay, đây là lần ra trực thực sự đúng nghĩa của bác sĩ Hồng Khánh Sơn. Anh dạo quanh hàng “cây điều ước” trong khuôn viên Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp Quận 8, TP.HCM, nơi chi chít những sợi dây đỏ, kèm theo ước nguyện của các bệnh nhân đã và đang điều trị tại đây. Dưới tán “cây điều ước”, những bình oxy đặt san sát nhau. Chúng là nhân chứng của cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19. Bất giác, bác sĩ Sơn đặt bút, bí mật viết một dòng chữ rồi treo lên nhành cây.

Chẳng biết bác sĩ Sơn cầu gì trong dòng chữ được treo trên “cây nguyện ước” nhưng anh nói rằng “Sài Gòn, rồi sẽ ổn thôi!”./.