Vỉa hè không chỉ là không gian thực thể mà còn là nơi chốn văn hóa, nơi chốn tâm hồn, lưu giữ những ký ức hoài niệm. Nhìn vào vỉa hè, người ta phần nào nhận ra mầu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như năng lực quản trị đô thị của chính quyền sở tại.

Thật đúng khi ví Kiến trúc là bộ mặt văn hóa, là tâm hồn, còn vỉa hè, lòng đường là mạch máu của đô thị. Một thành phố được gọi là văn minh, phát triển thì bộ mặt phải gọn ghẽ, tâm hồn phải sáng sủa và mạch máu phải thông thoáng”.  Hay nói như KTS Trần Huy Ánh, Hội kiến trúc sư Việt Nam, có thể coi vỉa hè như là phòng khách của một ngôi nhà, mỗi người khi đến Hà Nội sẽ muốn dừng chân lâu tại “căn phòng” đó, nơi lưu giữ những ấn tượng đầu tiên. Chỉ khi nào nhìn vỉa hè như là một không gian đô thị quý giá thì khi đó chúng ta mới có thể làm cho vỉa hè phát huy nhiều hơn những giá trị chứ không chỉ thuần túy là chức năng giao thông như hiện tại.

Tuy nhiên với Hà Nội, từ nhiều năm nay những hoạt động của đời sống diễn ra tại không gian này đã và đang khiến cho người dân lo lắng về một diện mạo đô thị, ngày càng trở nên xấu xí và nhếch nhác trong con mắt của những người yêu Hà Nội và du khách.

Những chiến dịch đại tu, chỉnh trang vỉa hè của Hà Nội trong suốt 1 thập kỷ qua không làm cho Hà Nội đẹp hơn lên, mà chỉ khiến cho những “vết sẹo” chưa kịp lên da non ngày càng hằn sâu thêm bởi những lần “đại phẫu”, khiến cho không ít người giật mình, liệu đô thị ấy có chết khi “nơi chốn văn hóa” trong tâm thức của người Hà Nội đã không còn như xưa? Liệu chúng ta có học được cách quản lý chuyên nghiệp, trách nhiệm và có văn hóa trong xây dựng, quản lý đô thị, mà đơn giản nhất là bắt đầu từ vỉa hè?

Cuối năm 2016, Thành phố Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Đây không phải là lần đầu tiên vỉa hè Hà Nội “thay áo”.10 năm trước, toàn bộ gạch lát quanh Hồ Gươm được thay thế bằng gạch block để làm đẹp bộ mặt thủ đô nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Vậy mà đang yên đang lành, vỉa hè Hà Nội bị đào lên trong một chiến dịch “lát đá” có tuổi thọ được cho là “vĩnh cửu”. Mục tiêu thì tốt đẹp nhưng cách thức thực hiện lại rất có vấn đề.

Người dân bức xúc vì vỉa hè bị đào xới, thay đá lát liên tục.

Đá có tuổi thọ lên tới 70 năm nhưng mới chỉ đôi ba năm, vỉa hè nhiều tuyến phố đã nứt vỡ, nham nhở, nhếch nhác đến thảm hại. Theo TS. KTS Nguyễn Văn Tuyên - Trường Đại học xây dựng Hà Nội, về yếu tố kỹ thuật, đá có kết cấu chịu nén tốt, tuổi thọ lên đến 70 năm là hết sức bình thường nhưng yêu cầu nền phải tốt, ổn định, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, đá lát mới hiệu quả. “Chúng tôi phát hiện ra vấn đề nền vỉa hè Hà Nội có hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, đó là yếu tố nghiêm trọng khi chúng ta lát đá. Vấn đề thứ hai là rễ cây, nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng kết cấu hè đường”. Ông cũng cho biết, Đà Nẵng đã làm khá tốt việc lát đá vỉa hè ven sông Hàn do ở đây sử dụng gạch tự chèn, gốm. Khi rễ cây chồi lên thì gạch phồng theo, không ảnh hưởng đến kết cấu, trong khi ở Hà Nội, thành phố có nhiều cây cổ thụ lớn, khi thi công nền, không có mảng nào đồng nhất, rễ cây trưởng thành lên sẽ phá kết cấu nền, đá tự vỡ, một viên vỡ thì viên khác cũng bị ảnh hưởng theo.

Là người trong nghề, Kỹ sư Nguyễn Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hòa Lâm cảm thấy xót xa, tiếc nuối khi mỗi mét vuông đá vỉa hè tiêu tốn hàng triệu đồng vậy mà giờ đây nó như một sản phẩm “cha chung không ai khóc”. Một sự lãng phí đến thắt ruột. Ông cho rằng, việc lát đá vỉa hè quan trọng là khâu thực thi, đúng yếu tố kỹ thuật khi thi công thì mới có thể bảo đảm được độ bền của đá. Thế nhưng, với cách trộn cát với đất pha chút xi măng, tưới nước vừa đủ, nhào trộn để dưới, đặt đá lên trên, e rằng khó mà đảm bảo được sự bền vững của công trình.

Cùng tâm trạng xót xa trước sự lãng phí ngân sách một cách vô tội vạ cho việc cải tạo vỉa hè, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, trên thế giới không một quốc gia nào “đồng phục” cho vỉa hè và nhất thiết chỉ sử dụng một loại vật liệu mà thường kết hợp nhiều hình thức trang trí vỉa hè khác nhau để tạo nên sự phong phú, thu hút du khách. Bởi vậy, việc Hà Nội triển khai lát đá vỉa hè một cách đồng loạt cho hơn 900 tuyến phố là rất “độc đáo” nhưng lại không phù hợp và cần thiết, thậm chí còn lãng phí vô ích.

KTS Trần Huy Ánh cũng nhìn nhận, về nguyên tắc, vật liệu lát hè phố phải thấm được nước, có độ thẩm thấu khi mưa nhưng việc dùng đá tự nhiên thì không còn độ thấm, không giảm tải được việc úng lụt ở trên đường phố Hà Nội, thậm chí còn tăng thêm. Đó còn chưa kể đến việc dùng đá tự nhiên lát vỉa hè là vật liệu không thân thiện với môi trường, đi ngược với xu hướng kiến trúc xanh, đô thị xanh. Bởi vậy theo ông Hà Nội chỉ nên chọn thí điểm ở một vài địa bàn trung tâm hoặc khu phố du lịch, sẽ hiệu quả hơn.

Các chuyên gia lên tiếng, người dân bức xúc nhưng xem ra vẫn không cản được mục tiêu của “chiến dịch” lát đá phải hoàn thành trong năm 2020. Vậy là cả Hà Nội lại trở thành một đại công trường, hối hả, bụi bặm trong những ngày cuối năm.

 Vỉa hè như thân phận của một nàng Kiều, cứ bị đào bới liên tục, không bao giờ yên. Cũng vì thế mà không gian đô thị Hà Nội không biết bao giờ mới ổn định

Vỉa hè như thân phận của một nàng Kiều, cứ bị đào bới liên tục, không bao giờ yên. Cũng vì thế mà không gian đô thị Hà Nội không biết bao giờ mới ổn định.

Vỉa hè không chỉ đơn thuần là lối đi mà còn liên quan đến cáp viễn thông, điện lực, cấp nước, thoát nước… Bởi thế, thành phố quy định phải thực hiện đồng bộ, nếu chưa hạ ngầm các hạng mục trên thì kiên quyết chưa lát đá vỉa hè. Thế nhưng, dù quy định như vậy, dù chưa cho phép mà các quận cứ làm và hậu quả là vỉa hè cứ chạy quanh cái vòng luẩn quẩn:  đào lên, lấp xuống. Sai phạm này không những tốn kém, phát sinh thêm chi phí, phá vỡ cảnh quan, mà còn là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức bền vật liệu. 

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, điểm tích cực khi đồng loạt lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là góp phần tạo cho bộ mặt đô thị sạch đẹp, sang trọng. Nhưng trong quá trình triển khai Hà Nội lại thiếu công khai, minh bạch trong công tác xây dựng, thực hiện dự án, không lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và dư luận để đưa ra một quyết định đúng đắn và phù hợp. Đó là sự yếu kém trong quản lý đô thị, là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước nguồn vốn của nhà nước. 

Với góc nhìn gay gắt hơn, KTS Trần Huy Ánh, không ngần ngại chia sẻ, việc lát đá vỉa hè ở Hà Nội không đạt được hiệu quả như mọng đợi là do cách xây dựng các dự án đầu tư quá chủ quan và chỉ co cụm ở một nhóm người có vai trò quyết định.

Trong những năm tới, diện mạo thủ đô sẽ còn nhiều thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Và chắc chắn Hà Nội sẽ tiếp tục tiếp quản những công trình xây dựng có giá trị và phức tạp hơn rất nhiều so với dự án vỉa hè đang làm. Bởi thế, Hà Nội cần phải có một công cụ quản trị mới. Công cụ quản trị đô thị ấy không phải bằng hô hào khẩu hiệu, bằng ý thức trách nhiệm, bằng những cái gọi là phong trào hay những mệnh lệnh hành chính nữa mà phải dùng công cụ tài chính, bằng số hóa, bằng công nghệ thông tin thì mới có thể hy vọng không tái diễn những nghịch lý như câu chuyện lát đá vỉa hè thời gian qua. “Chúng ta chưa có đô thị thông minh thì bước đầu hãy thông minh hóa đô thị từ cái vỉa hè. Hãy đưa công nghệ vào quản lý vỉa hè để tránh tình trạng luẩn quẩn đào lên lấp xuống”- KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Lát đá vỉa hè bền vững theo thời gian là bài toán văn hóa, kinh tế và khả năng quản trị của chính quyền đô thị. Việc lát đá vỉa hè phải đồng bộ với nếp sống có văn hóa của người dân Thủ đô. Nếu chỉ trông chờ vào việc quản chặt chất lượng vật liệu, quá trình thi công thì chưa đủ, điều quan trọng không kém đó chính là công tác quản lý sau khi công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Không ít dự án khi đi vào hoạt động, chính quyền các địa phương thiếu giám sát nên tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh… gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây mất mỹ quan đô thị.Theo KTS Phạm Thanh Tùng, trước đây Hà Nội đã từng xây dựng mô hình tuyến phố tự quản rất hiệu quả, đã đến lúc cần khôi phục lại và duy trì cách làm này ở mỗi địa bàn khu phố.

Chủ trương “thay áo mới” cho vỉa hè nói riêng và “làm đẹp” cho bộ mặt đô thị nói chung là việc nên làm và cần làm. Tuy nhiên khi vỉa hè được coi là nơi giao tiếp cộng đồng đô thị, nhất là với Việt Nam, văn hóa vỉa hè lại càng đặc biệt hơn thì cách ứng xử với nó ra sao là vô cùng quan trọng, thể hiện tính nhân văn và sự văn minh của một thành phố, tránh lãng phí không cần thiết. Đó là mong muốn và kỳ vọng của tất cả người dân thủ đô.