Trong 30 ngày thực hiện kế hoạch tăng cường chống dịch với tinh thần quyết tâm cao, TP.HCM đã làm được nhiều việc nhưng những mục tiêu chính vẫn chưa đạt.
-Số ca tử vong đã giảm nhưng còn chậm. Trước ngày 30/8, số ca tử vong dao động từ 340 – 370 ca, từ ngày 1/9 đến nay giảm còn trên dưới 200 ca mỗi ngày.
-Dù đã trải qua gần 3 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bao gồm cả biện pháp như cấm ra đường sau 18h và nguyên tắc “ai ở đâu ở nguyên đó” nhưng mỗi ngày thành phố vẫn ghi nhận khoảng trên 4.000 ca dương tính.
-Số F0 nhập viện mỗi ngày vẫn cao hơn số bệnh nhân ra viện.
-Việc cung cấp thực phẩm cho nhân dân còn chậm, các gói hỗ trợ an sinh chưa bao phủ được hết người nghèo và chênh lệch.
Đặt ra nhiều mục tiêu, vạch rõ từng giai đoạn của nhiệm vụ, nhưng nhiều mốc thời gian đã trôi qua, TP.HCM vẫn chưa thể thực hiện được. Vì sao lại như vậy?
Trước hết, cần khẳng định, để chống dịch thì ý kiến của các chuyên gia y tế luôn phải là cơ sở, là “xương sống” cho những quyết sách của chính quyền. Nhưng rất tiếc, tại TP.HCM, tư duy chống dịch này chưa bao trùm và nhất quán tại tất cả các quận, huyện và cả thành phố.
Trao đổi cùng PV VOV2, Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng: “Về tổng thể, chiến lược chống dịch của TP.HCM không tuân thủ đúng theo yêu cầu khoa học và thực tế diễn biến của dịch”.
Ông phân tích, gốc rễ của vấn đề là ở việc chọn chuyên gia chưa đúng: “Dường như tất cả đều yếu về năng lực khoa học dịch tễ học. Không nhóm nào chỉ ra dịch bệnh đã đang tồn tại ở dạng nội sinh, không nhóm nào đề ra được yêu cầu thiết lập lại hệ thống giám sát dịch bệnh làm cơ sở cho tiên lượng diễn biến dịch và ra quyết sách, đặc biệt không nhóm nào đề ra yêu cầu thực hiện loại giám sát nghiên cứu điểm sentinel sites và đo lượng mức độ miễn dịch cộng đồng đạt được xét với ngưỡng ra khỏi dịch, để làm căn cứ xây dựng chính sách cụ thể”.
Chính vì không xác định được điểm mấu chốt, đặc biệt không thực hiện được giám sát nghiên cứu điểm (sentinel sites) nên TP.HCM không trả lời được chính xác câu hỏi về mức độ lây nhiễm hiện tại, khối cảm nhiễm còn lớn đến đâu, tình trạng miễn dịch cộng đồng đang ở mức nào, đi kèm với đó là thông tin đánh giá các yếu tố giải thích cho tốc độ lây nhiễm nhanh hay chậm. Như thế, khiến công tác chống dịch của TP.HCM rơi vào tình trạng nhận định không chính xác về mức độ lây nhiễm hiện tại, khó tiên lượng diễn biến trong tương lai. Chống dịch thiếu cơ sở khoa học khách quan.
Trong điều trị cũng vậy, TP.HCM đang thực hiện chủ trương điều trị bệnh nhân nặng để giảm tử vong. Điều này đúng, nhưng chưa đủ.
“Hiện chúng ta mới chỉ chú trọng đến những ca nặng và ít chú ý đến việc ngăn chặn những ca nhẹ, không cho diễn biến trở thành nặng. Chúng ta cách ly F0 tại nhà nhưng ít quan tâm đến họ. Chính vì vậy, số các F0 theo dõi và điều trị tại nhà tử vong khá cao”, thầy thuốc nhân dân Trần Sỹ Tuấn, nguyên Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống nêu thực tế từ những gì ông quan sát tại TP.HCM những ngày vừa qua.
Cách chúng ta chỉ dồn lực vào điều trị các ca nặng như vậy là chưa đúng và rất thụ động. Chúng ta chờ bệnh nặng đến với mình chứ không đặt vấn đề chủ động ngăn chặn bệnh nhẹ sang nặng ngay từ ban đầu. Mà quan điểm của y học Việt Nam và thế giới từ trước đến nay là phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh kịp thời để bệnh không diễn biến nặng. Đối với bệnh nhân Covid-19 lại càng đúng vì diễn biến từ nhẹ sang nặng rất nhanh, tử vong cũng rất nhanh.
Thế mới thấy, đối phó với đại dịch có những nguyên tắc rất cơ bản nhưng dường như chúng ta lại bỏ qua hoặc làm ngược.
Quận 7 là một trong 2 quận huyện đầu tiên của TP.HCM công bố kiểm soát được dịch. Virus không lựa chọn điểm đến, nguy cơ của Quận 7 cũng giống như rất nhiều quận, huyện, thành phố khác của TP.HCM. “Chìa khóa” khiến Quận 7 là điểm sáng nằm ở các nguyên lý hết sức cơ bản, đó là TƯ DUY chống dịch khoa học và CÁCH THỨC triển khai rõ ràng, cụ thể.
Ngay từ đầu Quận 7 xác định mục tiêu, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ và xuyên suốt tất cả các cấp. Điều này cũng chính xác là những gì Nghị quyết 86 của Chính phủ đã đề cập.
2 tuần Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế làm việc tại Quận 7 được coi là những ngày quý giá nhất. Các chuyên gia đã giúp chính quyền phân tích số liệu các ca bệnh, dự báo với số ca nhiễm, xu hướng phát triển của dịch. Từ đó, lãnh đạo quận không chủ quan, đưa ra các biện pháp phòng chống dịch dựa vào thực tiễn và tận dụng triệt để các nguồn lực sẵn có tại địa phương.
"Chúng tôi tiếp thu ý kiến chuyên môn của ngành y tế, đặc biệt là tổ công tác của Bộ Y tế để đánh giá vùng theo địa giới hành chính và dần dần đánh giá theo điểm", ông Lê Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND Quận 7 chia sẻ kinh nghiệm của địa phương.
Cụ thể, cứ 15 ngày, quận tiến hành đánh giá một lần để xác định vùng nguy cơ. Sau khi kiểm soát vùng thành công, thu hẹp thành các điểm nguy cơ. Và khi gỡ bỏ toàn bộ các điểm phong tỏa, Quận 7 tiếp tục đánh giá nguy cơ theo tổ dân phố.
Bằng cách đánh giá này, chính quyền có cơ sở để áp dụng các biện pháp phòng dịch theo từng cấp độ. Đó là:
Quận 7 tiên phong thiết lập các trung tâm cách ly y tế F0 ngay tại địa bàn để “tự cứu mình”.
Để theo dõi và chăm sóc người dân có nhu cầu y tế trong mùa dịch, quận lập ra 10 tổ y tế cộng đồng quy mô 10-15 người/tổ, trong đó phần lớn là các bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa, Hội Chữ thập đỏ. Đây là lực lượng “phản ứng nhanh” với nhiệm vụ: thăm khám, chăm sóc cho F0, F1 trong cộng đồng, sàng lọc, sơ cấp cứu các F0 có thể chuyển nặng để chuyển tuyến kịp thời; hỗ trợ kết nối xe cấp cứu cho người dân; giúp đỡ y tế cho người ở khu phong tỏa; giúp người dân xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh kịp thời để chữa trị. Quận cũng bàn giao 10 xe cấp cứu cho 10 phường.
44 trạm y tế (trong đó có 34 trạm lưu động) với tổng số trên 350 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên. Họ đảm nhận nhiệm vụ điều trị, chăm sóc ban đầu cho các bệnh nhân nhẹ, có bệnh lý thông thường.
Với 21 khu cách ly tập trung, dành cho các F0 không có điều kiện tự cách ly tại nhà hoặc F0 có triệu chứng nhẹ, có một số bệnh nền được theo dõi kịp thời. Để ngừa tình trạng F0 trở nặng nhanh do biến chủng Delta, các khu cách ly có trang bị oxy, thuốc điều trị COVID-19.
Quận 7 nằm trong nhóm tiêm chủng hiệu quả nhất thành phố, gần như toàn bộ người dân của quận, đặc biệt nhóm người già trên 65 tuổi, có bệnh lý nền đều đã hoàn thành mũi 1, bắt đầu mũi 2.
Quận 7 thành lập Trung tâm an sinh để tiếp nhận và phân phối các gói hỗ trợ. Tính tới đầu tháng 9, quận đã hỗ trợ hơn 73.000 lượt người từ tiền ngân sách. Ngoài ra, quận chủ động hỗ trợ người dân bằng nhiều cách khác nhau với tổng số tiền gần 109 tỉ đồng. Quận cũng vận động chủ nhà trọ giảm giá cho hàng chục ngàn hộ dân với tổng số tiền đạt được trên 15,6 tỉ đồng. Quận còn tổ chức phát 338 tấn gạo cho tất cả 10 phường và thời gian tới là 1.230 tấn. Bên cạnh đó, quận triển khai đi chợ giúp hàng chục ngàn hộ gia đình mua được thực phẩm và hàng hóa thiết yếu kịp thời trong những ngày thành phố siết chặt giãn cách.
Mỗi địa bàn đều có những đặc điểm dân cư riêng, có những thuận lợi và khó khăn riêng, vì thế có thể khác nhau về cách thức triển khai nhưng tư duy và mô hình chống dịch cần đồng nhất. Quận 7 là một trong những thành công đầu tiên trong công tác chống dịch của thành phố. Đó là thực tế chứng minh rõ nét nhất cho những nguyên tắc chống dịch mà TP.HCM cần xuyên suốt nếu muốn sớm khống chế được đại dịch.
TP.HCM vẫn phải thực hiện giãn cách, tuy nhiên theo các mức độ khác nhau, tiếp tục xét nghiệm và tiêm phòng vaccine để đạt miễn dịch. Đây là chiến lược được nhiều chuyên gia ủng hộ.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tốc độ xét nghiệm. Thay vì chỉ phụ thuộc vào nhân viên y tế, thành phố cần khuyến khích người dân tự xét nghiệm.
Về tiêm chủng, số lượng người dân được tiêm chủng là bao nhiêu cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất là đẩy mạnh tiêm chủng cho nhóm đối tượng người già, có bệnh lý nền, nguy cơ mắc Covid-19 có thể tử vong.
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, chỉ khi nào bao phủ được nhóm nguy cơ này thì TP.HCM mới có thể tính đến nới lỏng giãn cách được. Vì mục tiêu của tiêm phòng không phải chỉ là phòng bệnh mà còn là giúp họ nếu có mắc bệnh thì bệnh không nặng và không tử vong. Nếu Covid-19 mà không gây ra bệnh nặng, không có tử vong thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện “sống chung” với nó.
Việc TP.HCM phân bổ nguồn lực y tế, điều trị ca dương tính theo 2 mức: mức nặng nhập viện, mức nhẹ điều trị tại nhà là phù hợp về mặt dịch tễ học và cũng là để giảm tình trạng quá tải cho hệ thống y tế. Thời gian tới, số lượng F0 điều trị tại nhà sẽ rất lớn với chủ trương phân loại triệt để.
Nhưng với tỷ lệ 5% số ca F0 thiếu oxy máu thầm lặng hay còn gọ là F0 không triệu chứng giả, trước đây, các F0 điều trị tại nhà rơi vào tình huống này đều “trở tay không kịp” và nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, thời gian tới, TP.HCM cần đầu tư hơn nữa cho tuyến y tế cơ sở. Mô hình trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc y tế cộng đồng, gói thuốc F0… triển khai mạnh đến từng ngõ, phố, để không ai bị “bỏ rơi” trong bệnh dịch, là việc cần triển khai mạnh mẽ, thực tế và hiệu quả hơn nữa.
TP.HCM hiện chọn Quận 7 và huyện Củ Chi – hai địa bàn đã kiểm soát được dịch bệnh làm mũi đột phá dẫn đầu, thí điểm các giải pháp, chiến lược chuẩn bị cho kịch bản bình thường mới sau ngày 15-9.
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, lúc “đóng cửa” thành phố đóng từ từ thì khi mở cũng phải vậy. Thành phố nên bắt đầu với nhóm người được xác định là an toàn và đi tới đâu cũng an toàn cho người khác. Có 3 dữ liệu có thể căn cứ để xác định có nên mở hay tiếp tục đóng, đó là: số lượng người đã được tiêm phòng vaccine, số lượng những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và xác định nguy cơ vùng.
Trong kế hoạch, TP.HCM sẽ thí điểm sử dụng "thẻ xanh”, “thẻ vàng” trong di chuyển. Chính quyền thành phố cũng lên 3 kịch bản khác nhau sau ngày 15-9. Nhưng dù kịch bản nào thì cũng cần trên tinh thần cẩn trọng, bài bản, chủ động nhưng không chủ quan, quyết liệt nhưng không nóng vội.
Và dù kịch bản nào thì người dân TP.HCM cũng phải điều chỉnh cuộc sống của mình trong tình hình mới, doanh nghiệp học cách tổ chức sản xuất trong dịch bệnh, cơ quan quản lý nhà nước kịp thời ban hành quy định thích nghi.