Một đất nước muốn phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng văn hóa. Văn hóa chính là “thương hiệu”, là giá trị quốc gia và là nguồn lực nội sinh phát triển đất nước. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa không chỉ là tấm gương phản chiếu quá trình phát triển xã hội - văn hóa của mỗi thời đại, mà còn góp phần định hướng mục tiêu, phương thức, hành động của con người và tham gia điều tiết sự phát triển đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Con người Việt Nam thời kỳ đổi mới phải phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc.
Trong đó, phạm vi can thiệp của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cần được quy định, tạo dư địa phù hợp cho sáng tạo và hưởng thụ văn hóa chính đáng của người dân. Hệ thống quản lý văn hóa được chuyển đổi chủ yếu từ mệnh lệnh hành chính sang cơ chế quản lý bằng luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô khác.
Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công tác lãnh đạo và quản lý văn hoá không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hoá.
Văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; Văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, việc chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể cần phải được chú trọng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên cần được ngăn chặn, đẩy lùi. Tự do cá nhân phải gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.
Giá trị bản sắc văn hóa không chỉ là tài nguyên vô giá, tạo ra doanh thu góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố sức mạnh mềm, giúp nâng cao thương hiệu vùng miền quốc gia. Cần xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, cần nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản… Truyền thông, báo chí phải đủ mạnh để có thể làm chủ mặt trận thông tin, thể hiện rõ vai trò của mình trên mặt trận tư tưởng.
Văn học là nhân học. Cần chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam.
Trong đó, xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản… Tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.
Chủ động mở rộng hợp tác, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.