PV: Xin chào Khắc Hưng. Đầu tiên cũng xin chúc mừng bạn vì trong năm qua ca khúc “Ghen Covy” đã tạo nên một cú “big hit” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Hưng có thể chia sẻ ý tưởng sáng tác ca khúc đó đến với Hưng như thế nào?

Khắc Hưng: Chào các bạn khán thính giả VOV. Cơ duyên viết bài “Ghen Covy” là một người bạn của Hưng chơi với chị Huyền ở Viện Sức khỏe, Nghề nghiệp & Môi trường (Bộ Y tế), lúc đó đang muốn làm một cái gì đó để khích lệ người dân, nâng cao tinh thần tự giác.

Khi Hưng sáng tác bài này thì chị Huyền cũng gửi cho nhiều tư liệu: những số liệu, các bước rửa tay hay những cách phòng tránh dịch rất chi tiết… Cũng không quá khó vì tất cả mọi thứ đều đến từ cảm hứng của mình. Mình muốn tập trung để làm nhanh chóng, nên Hưng sáng tác bài đó chỉ mất khoảng 15 phút thôi.

Bản thu “Ghen Covy” này Hưng đánh giá còn hay hơn bản gốc “Ghen” vì qua năm tháng thì 2 người hát cũng hay lên. Và điều quan trọng là nó có tinh thần dân tộc ở trong đó.

Khi ca khúc ra đời và thành công lớn thì bản thân Hưng rất bất ngờ. Điều Hưng trân trọng là khi bài hát này được nhắc đến trên truyền hình thế giới, thì điều mọi người ca ngợi không chỉ là bài hát mà còn là tinh thần chống dịch của người Việt, cho mọi người thấy cách làm của VN khác với thế giới ra sao. Tất cả mọi người khi đối phó với một dịch bệnh chết người như thế thì vẫn giữ được sự điềm tĩnh và lạc quan.

PV: Là một nhạc sỹ, nhà sản xuất âm nhạc rất thành công trong vài năm qua, cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc với âm nhạc thế giới, Hưng thấy khả năng, cơ hội và trình độ của các nghệ sỹ trẻ Việt Nam so với các nghệ sỹ trẻ khác ở Đông Nam Á, châu Á… thì đang ở mức độ nào?

Khắc Hưng: Vấn đề này có thể nhìn nhận ở nhiều góc độ. Nếu chỉ xét về giọng hát thì Hưng thấy là ngành nhạc nhẹ Việt Nam gần đây mọi người mới bắt đầu chú trọng đến kỹ thuật thanh nhạc làm sao cho phù hợp với nhạc nhẹ, trong khi các nước khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Philipines… thì họ đã làm điều đó từ lâu rồi, họ có một nền nhạc nhẹ đã phát triển được hàng chục năm.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển hiện tại của nền âm nhạc Việt Nam đang rất nhanh. Âm nhạc của năm 2021 khác hẳn âm nhạc của 2017. Chỉ cách nhau 3,4 năm thôi mà qui mô, qui trình sản xuất và chi phí để đầu tư vào mỗi sản phẩm khác nhau rất nhiều. Ví dụ năm 2017 bạn đầu tư 1 phần là đủ thì đến nay đã phải là 10 phần.

Ca sỹ Việt Nam rất chăm chỉ, yêu nghề. Mọi người nhìn vào chỉ thấy cuộc sống của các ca sỹ phủ đầy hào nhoáng, nhưng thực sự thì các ca sỹ trẻ họ cũng rất khó khăn, phải đánh đổi nhiều thứ để theo được nghề, đầu tư cho sản phẩm của mình. Đôi khi ra một sản phẩm họ cũng không thể biết có được gì hay không? Họ chỉ muốn có một sản phẩm chỉn chu nhất, tâm huyết nhất; đối với họ tiền cũng là chỉ là một phương tiện để diễn đạt ý tưởng của mình; cho nên họ rất đầu tư cho sản phẩm.

Theo như Hưng thấy, hiện tại ngành âm nhạc Việt Nam không còn như trước nữa. Có rất nhiều công ty giải trí, công ty chuyên đầu tư vào các tài năng. Cũng có rất nhiều nhà đầu tư từ những ngành khác cũng đổ tiền vào âm nhạc và thị trường giải trí. Hưng thấy đấy là quá trình rất lành mạnh và âm nhạc Việt Nam cần có những thành tố như thế để có thể cho thế giới thấy tiềm năng và những sản phẩm chất lượng nhất của mình.

PV: Có một vấn đề mình đã từng hỏi nhiều bạn nghệ sỹ, họ cũng rất băn khoăn, đấy là âm nhạc Việt Nam không thu được nhiều lợi nhuận từ khán giả. Chẳng hạn như việc bán đĩa đem lại doanh thu rất hạn chế. Nghệ sỹ nước ngoài có rất nhiều cách kiếm tiền, từ bán CD đến tổ chức concert… ca sỹ Việt Nam chủ yếu chỉ kiếm được doanh thu từ đầu tư của các công ty, đi diễn cho các nhãn hãng… Cá nhân Hưng thấy xu thế đó có thể thay đổi trong tương lai không?

Khắc Hưng: Đầu tiên thì chúng ta phải nhìn lại về ngành âm nhạc giải trí của Việt Nam. Theo Hưng thấy thì ngành giải trí nghệ thuật Việt Nam mới chỉ bắt đầu hình thành và phát triển được khoảng 20 năm trở lại đây thôi, quãng khoảng năm 2000. Thời điểm đó mới bắt đầu có những nghệ sỹ nhạc nhẹ nổi tiếng, nhưng họ cũng rất tự phát chứ chưa có một sự tổ chức bài bản chính quy theo mô hình các công ty.

Trong khi đó, chúng ta hãy thử nhìn sang bên Mỹ hay Anh đi, các công ty giải trí, quản lý nghệ sỹ và hãng băng đĩa nhạc của họ đã tồn tại từ những năm 1930. Họ đã có lịch sử lâu đời, và đó cũng là một ngành chủ lực trong nền kinh tế của họ. Còn ở Việt Nam thì các công ty vẫn chỉ ở qui mô nhỏ, có nhiều nghệ sỹ phải tự thân vận động.

Mặt khác, người Việt khi bỏ ra một số tiền để mua các sản phẩm âm nhạc vẫn còn khá e dè, bởi vì khán giả không hiểu nghệ sỹ đã cố gắng vất vả thế nào để có một sản phẩm âm nhạc. Họ vẫn nghĩ là sản phẩm chưa tốt, còn chỗ này chỗ kia sơ sài, nên việc bỏ tiền ra chưa xứng đáng. Thực ra cũng không thể trách khán giả vì họ có tiền thì có quyền chọn những gì tốt nhất cho mình, cùng một số tiền đó họ có thể xem concert nước ngoài tốt hơn mà.

Hưng chỉ có một mong ước, không chỉ Hưng mà các bạn trẻ làm nghệ thuật khác có những tác phẩm không chỉ mang thông điệp giải trí mà còn mang những thông điệp xã hội tích cực, để nhà nước và mọi người nhìn vào hiểu ra quá trình làm ra một sản phẩm vất vả như thế nào. Khi họ biết rồi thì họ sẽ hiểu hơn cho các nghệ sỹ, trân trọng quá trình sáng tạo nghệ thuật hơn và cảm thấy đồng tiền họ bỏ ra là xứng đáng hơn.

PV: Hưng có thể chia sẻ một số dự định và kỳ vọng của mình trong năm nay?

Khắc Hưng: Về ngành giải trí nói chung thì Hưng cũng không mong gì to tát, chỉ mong mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, vẫn chăm chỉ làm nghề và đồng tiền sẽ đi đôi với chất lượng. Mỗi người sẽ tự trau dồi cho mình kiến thức để cập nhật kịp với xu hướng của thế giới.

Hưng thấy có một điều rất hay là âm nhạc Việt Nam đang có sự tiếp cận rất gần với thế giới. Hưng đang công tác trong Sony Music Entertainment thì cũng biết nhiều thông tin, có các thông số để đánh giá thị trường âm nhạc các nước. Ví dụ Trung Quốc rất thích ballad; Nhật Bản thích rock; Philipines thì thích những bài giai điệu chậm, có hơi hướm nâng cao về giọng hát như kiểu diva… Việt Nam mình thì Hưng thấy mỗi dòng nhạc lại có rất nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Indie có đối tượng khán giả rất đông, Rap đang lên, Ballad cũng có, EDM một đợt thịnh hành, rồi Rock cũng có những fan của rock… Mỗi thể loại đều có đối tượng khán giả rất đông và họ đều nhiệt tình với các nghệ sỹ. Hưng nghĩ trong năm 2021 sẽ còn nhiều cung bậc, gam màu âm nhạc rõ nét hơn nữa. Nếu trước đây mọi người chỉ nghe ballad thì bây giờ đa dạng hơn rất nhiều.

Còn về mong ước của cá nhân Hưng thì qua bài “Ghen Covy” Hưng nhận ra mình muốn làm những bài mang tính xã hội, hướng về con người, mang tính triết lý một chút… Mình biết là khi làm ra những bài như thế thì nó sẽ có chỗ đứng nhất định.        

PV: Xin cảm ơn Hưng đã tham gia cuộc trao đổi với phóng viên VOV. Chúc cho những dự định của Hưng sẽ thành hiện thực./.