Dịch Covid-19 phủ bóng đen lên các trường học. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, hầu hết các trường phải đóng cửa suốt từ tháng 2 đến tháng 4. Trong khi phụ huynh “đau đầu” vì phải chia nhau ở nhà trông con thì các trường tư rơi vào cảnh lao đao vì không có nguồn thu khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương cho giáo viên.
Đây cũng năm học đầy khó khăn khi Bộ GD&ĐT liên tục phải thay đổi thời gian kết thúc năm học, tinh giản chương trình. Các trường học thì buộc phải “chắp vá” giữa dạy trên lớp và dạy trực tuyến để có thể hoàn thành kế hoạch năm học.
Đóng cửa trường vì dịch Covid-19, nhiều trường học của Việt Nam gây bất ngờ khi nhanh chóng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Theo thống kê, khoảng gần 80% học sinh Việt Nam đã học trực tuyến, xếp 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để ứng phó đại dịch. Thành công này là cơ sở để Bộ GD&ĐT khởi động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục với kỳ vọng, 10 năm tới Việt Nam sẽ có một thế hệ công dân số.
Trong khi nhiều nước trên thế giới phải hủy, hoãn, lùi kỳ thi quốc gia vì dịch Covid-19 thì Việt Nam vẫn tổ chức. Để đảm bảo mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa chống gian lận thi cử, lần đầu tiên việc thi cử thời bình được lên kế hoạch như thời chiến.
Gần 1 triệu thí sinh được chia làm hai đợt thi với quy trình phòng chống dịch chặt chẽ.Thậm chí, trước ngày thi có địa điểm thi phải dừng thi, chuyển địa điểm vì có thí sinh thuộc diện F1, F2. Thành công trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã đảm bảo sự công bằng, quyền lợi cho hàng triệu thí sinh.
Tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa-Thiên Huế đến Quảng Nam, Quảng Ngãi oằn mình trong mưa lũ. Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến cho hàng nghìn ngôi trường ngập chìm trong biển nước, hàng nghìn học sinh phải nghỉ học dài ngày, thậm chí lên tới cả tháng. Nhiều trường, học sinh “trắng” sách vở sau lũ.
Nhưng trong khó khăn, học sinh vùng lũ đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của cả nước. Những cuốn vở, SGK và đồ dùng học tập nhanh chóng được gửi tới tận tay các em để ước mơ đến trường không bị ngắt quãng.
Kỷ lục này thuộc về trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) khi mùa tuyển sinh năm 2020, ngành Hàn Quốc học tổ hợp C00 có mức điểm chuẩn 30. Mặc dù không lập kỷ lục như trường ĐH Khoa học-Xã hội và Nhân văn nhưng mùa tuyển sinh năm nay, các trường Đại học top đầu gây choáng váng cho thí sinh khi các ngành học “hot” phải từ 28 điểm trở lên mới trúng tuyển.
Tuy nhiên, điểm chuẩn cao không có nghĩa chất lượng đầu vào cao khi đề thi tốt nghiệp THPT 2020 được đánh giá là dễ nhất trong những năm qua.
2 ngành học của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có số điểm chuẩn trúng tuyển cao (Ảnh: internet)
Năm học 2020-năm đầu tiên triển khai chương trình và SGK mới. Thật đáng tiếc khi SGK tiếng Việt Cánh Diều (1 trong 5 bộ SGK mới) gây “choáng váng” cho nhiều phụ huynh và dư luận xã hội khi sử dụng những từ ngữ không phù hợp với học sinh như: “Nhá cỏ”, “nhá dưa”, “quà…quà”, “chén”… đặc biệt sách phóng tác tùy tiện một số tác phẩm văn học nước ngoài, thiếu tính giáo dục.
Những sai sót nghiêm trọng này buộc Bộ GD&ĐT thay chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK và chỉ đạo NXB ĐHSP TP Hồ Chí Minh phải chỉnh sửa, bổ sung những từ ngữ, ngữ liệu khó hiểu, không phù hợp ngay giữa năm học.
Năm 2020, Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi trên các diễn đàn giáo dục. Đặc biệt, sau hàng loạt các quyết định cách tất cả các chức vụ trong đảng, cách chức Hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh, dư luận nổ ra cuộc tranh luận về tự chủ đại học, về nên hay không nên xóa cơ quan chủ quản.
Dù vẫn còn những ý kiến đúng-sai khác nhau song dư luận đánh giá, ĐH Tôn Đức Thắng vẫn là một trong những điểm sáng về tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chấn vất trước Quốc hội về vấn đề trường ĐH Tôn Đức Thắng (Nguồn video: Kênh Truyền hình Quốc hội)
Đại học Đông Đô tiếp tục làm dậy sóng dư luận khi kết quả của cơ quan điều tra cho thấy, các trường hợp sử dụng văn bằng cử nhân tiếng Anh giả mạo do trường này cấp đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành… đáng chú ý là có 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ GD&ĐT khẳng định không buông lỏng trong công tác quản lý và kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này.
Trong vụ việc ĐH Đông Đô, Bộ GD&ĐT khẳng định không có việc buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho trường sai phạm.
Năm 2020, các trường Đại học uy tín của Việt Nam như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Tôn Đức Thắng… tiếp tục thăng hạng trên các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới như: QS, Thượng Hải, THE… sự bứt phá của các trường ĐH này cùng với sự xuất hiện các nhân tố mới như trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Công nghiệp TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM cho thấy, Đại học Việt Nam đang nỗ lực vươn tầm thế giới.
Sự kiện cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ được tổ chức Varkey Foundation bình chọn là một trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 gây tiếng vang lớn trong đời sống giáo dục.
Với sự sáng tạo của mình, cô giáo Hà Ánh Phượng không chỉ truyền cảm hứng học tập môn tiếng Anh mà giúp học sinh có khát vọng trở thành những công dân toàn cầu, có thể chạm tay ra bên ngoài thế giới.