Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030… đã đưa ra những quyết sách mang tính chiến lược, cho thấy nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn.

Quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt của Đảng ta là: tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.

Với những quyết sách mang tầm chiến lược, công tác văn hoá tới đây chắc chắn sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương mới đây đã được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa”. Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam có 6 danh nhân văn hóa đã được UNESCO vinh danh, đó là: Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương.

Đây thực sự là niềm vinh dự và tự hào với toàn thể người dân Việt Nam. Đồng thời cũng thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, của UNESCO đối với những giá trị của dân tộc Việt Nam về văn hóa, lịch sử, truyền thống học tập, tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ… cũng như những giá trị mà UNESCO đã và đang thúc đẩy.

Dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng tới việc biểu diễn trực tiếp nhưng không thể làm gián đoạn dòng chảy nghệ thuật biểu diễn. Năm 2021 tiếp tục ghi dấu sức mạnh của nghệ thuật Việt Nam với hàng loạt chương trình như: “Cháy lên: San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”; “Chia sẻ để gần nhau hơn”; “Hát để sẻ chia”; “Nối vòng tay lớn”…

Sức mạnh nghệ thuật còn thể hiện ở những “sân khấu” đặc biệt với những màn trình diễn cũng hết sức đặc biệt. Khi mà “sân khấu” chính là sân bệnh viện dã chiến, nơi bãi cỏ hoang trong khu cách ly. Còn các nghệ sĩ thì trình diễn trong những bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, khẩu trang kín mít… nhưng vẫn cháy hết mình, truyền lửa đam mê, làm lay động trái tim biết bao người.

Sân khấu đặc biệt - Nơi ca sĩ Phương Thanh và các nghệ sĩ biểu diễn cho 4.000 F0 tại bệnh viện dã chiến
(Nguồn: King News)

Đó thực sự là những liều thuốc tâm hồn quý giá, góp phần lan tỏa mạnh mẽ, minh chứng cho sức mạnh nghệ thuật kết nối cộng đồng, cùng chung tay đẩy lùi Covid.

NS Trần Mạnh Tuấn đeo khẩu trang thổi saxophone tại bệnh viện dã chiến Quận 2.

Bên cạnh những mảng sáng, năm 2021 cũng là năm của những gam màu xám trong giới nghệ sĩ, showbiz Việt. Những lùm xùm xung quanh chuyện nghệ sĩ làm từ thiện khiến nhiều người “đánh mất” hình ảnh của mình trước công chúng.

Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phải liên tục có những động thái chấn chỉnh hoạt động của giới nghệ sĩ: ban hành các quy định, quy chế, quy tắc ứng xử… từ việc nghệ sĩ làm từ thiện, quảng cáo cho đến những phát ngôn, ứng xử của nghệ sĩ trên không gian mạng.

Giữa “cơn bão” từ thiện, sao kê, điều công chúng mong mỏi nhất là, khi đã mang danh “nghệ sĩ” – xin đừng vì LỢI mà bỏ DANH! Nghệ sĩ đừng để vì chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” mà khiến khán giả phải “ngoảnh mặt quay lưng”.

Năm 2021 là một năm khó khăn và nhiều mất mát của làng nghệ thuật Việt khi hàng loạt nghệ sĩ tài hoa rời cõi tạm về với cát bụi. Đó là NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Kiên, NSND Trần Hạnh, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Bắc, ca sĩ Phi Nhung, diễn viên Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo) và mới đây nhất là nhạc sĩ Phú Quang mà tên tuổi, tác phẩm gắn liền với Hà Nội… Sự ra đi của họ đã để lại niềm tiếc nuối, nhớ thương trong giới nghệ sĩ nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung.

Sự dấn thân, cống hiến hết mình vì nghệ thuật, vì khán giả của các nghệ sĩ - sẽ luôn là những điều còn đọng lại trong lòng người hâm mộ.

Năm 2021, trong danh sách các hạng mục được vinh danh tại Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 28 khu vực châu Á Thái Bình Dương của tổ chức World Travel Awards (được ví như Giải Oscar về Du lịch), Việt Nam vinh dự được gọi tên tại hơn 30 giải thưởng khác nhau.