Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng loạt các sự kiện văn hóa trên cả nước đã phải hoãn, hủy nhằm đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch. Các rạp chiếu phim đóng cửa hàng loạt, nhà hát, sân khấu tắt đèn… Có lẽ chưa bao giờ, khoảng cách giữa nghệ thuật với công chúng lại xa xôi đến vậy.

Nhưng,
Covid-19 cũng đã mở ra một xu thế mới – nghệ thuật online. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhanh chóng bước lên không gian mạng, tạo nên những sân chơi không biên giới, góp phần đồng hành, cổ vũ người dân đẩy lùi dịch bệnh.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, trong tương lai, dù không trong tình trạng dịch bệnh thì xu hướng thực hiện các sự kiện nghệ thuật online vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh, góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với đông đảo công chúng – qua nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Năm 2020 cũng là năm ghi dấu sức mạnh của nghệ thuật Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hàng loạt các bài hát, sáng tác mới ra đời với nội dung tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, trong đó phải kể đến ca khúc “Ghen Cô Vy” với sự kết hợp của bộ ba nghệ sĩ Khắc Hưng - Min - Erik, cùng với “Vũ điệu rửa tay” do Quang Đăng biên đạo, đã tạo nên sức ảnh hưởng vô cùng lớn trên mạng xã hội, truyền thông quốc tế.

Bài hát Ghen Cô Vy

Vũ điệu rửa tay

Khởi đầu từ một bản tin trên truyền hình Mỹ, dần dần, từ Billboard cho đến UNICEF và hàng loạt hãng thông tấn lớn nhỏ của Pháp, Mỹ, Iran... đều đưa tin về “hiện tượng” này. Trên mạng xã hội, không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài cũng cùng nhau thực hiện, lan tỏa “Vũ điệu rửa tay”. Chưa bao giờ một sản phẩm hướng tới cộng đồng của Việt Nam lại khiến cả thế giới “khuynh đảo” đến vậy.

Thực tế đã chứng minh, văn hóa nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền cảm hứng tích cực đến với xã hội. Các dự án âm nhạc, tranh cổ động, chương trình nghệ thuật… tất cả đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, minh chứng cho sức mạnh nghệ thuật kết nối cộng đồng, cùng chung tay vượt qua biến cố.

Công viên địa chất Đắk Nông vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Việc được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu mang lại nhiều ý nghĩa trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung. Việt Nam cũng có thêm cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất; đồng thời thúc đẩy các hoạt động du lịch địa chất, văn hóa, phát triển kinh tế cộng đồng, cải thiện đời sống người dân trong khi vẫn giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái của Công viên địa chất toàn cầu...

Sau việc phát lộ bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê (năm 2019) được cho là những chứng tích liên quan đến trận Bạch Đằng, sang năm 2020, đã có thêm 13 cọc gỗ lớn được phát lộ tại khu vực xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), tiếp đó, quá trình khai quật tại bãi cọc Đầm Thượng đã tìm thấy 37 cọc gỗ nằm sâu dưới bùn.

Theo các chuyên gia, việc phát hiện, khai quật bãi cọc Bạch Đằng đã mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm.

Có thể nói việc phát lộ thêm nhiều cọc gỗ liên quan đến trận Bạch Đằng là một trong những sự kiện lịch sử - văn hóa nổi bật của năm, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có giá trị giáo dục chính trị tư tưởng truyền thống to lớn –  cả trước mắt và lâu dài.

Một loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã được triển khai, đóng góp tích cực vào hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với nền văn hóa phong phú, con người thân thiện, mến khách. Không chỉ có thế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn giúp quảng bá hình ảnh một khu vực ASEAN đoàn kết, đồng thuận, cởi mở.

Có thể kể đến như chương trình nghệ thuật tại Lễ khởi động Năm ASEAN 2020; Tuần Phim ASEAN; Triển lãm Trang phục truyền thống các nước ASEAN; Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN...

Truyền thông quốc tế đánh giá rằng, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành văn hóa, cả trên khía cạnh đóng góp về mặt thể chế lẫn tổ chức các sự kiện, chương trình nghệ thuật cụ thể.

Có lẽ chưa bao giờ du lịch Việt rơi vào cảnh khốn đốn đến vậy, khi mà đợt dịch này chưa qua, đợt dịch khác đã tới, những cú “đấm bồi” khiến các doanh nghiệp du lịch vốn đã khó khăn nay lại càng lao đao.

Nhiều giải pháp đã được tính đến như: nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, tăng cường quảng bá xúc tiến, tái cơ cấu ngành du lịch bảo đảm chuyên nghiệp và bền vững, tăng cường điểm đến, vai trò quản lý nhà nước... song bao giờ du lịch Việt mới phục hồi để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Các giải thưởng tổ chức World Travel Awards, một tổ chức uy tín của thế giới đối với lĩnh vực du lịch trao cho Việt Nam, bao gồm: