Phóng viên: Thưa TS Thành Nam, bà Phan Vũ Diễm Hằng, nữ thí sinh đoạt giải Olympic Toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam năm 1975 từng chia sẻ thực ra người học Toán không khô khan như mọi người nghĩ, họ rất sáng tạo. Cùng một vấn đề đặt ra, họ sẽ không chấp nhận một cách giải duy nhất. Và hình như ông chính là một điển hình của một học sinh chuyên Toán khi liên tục chuyển hướng, liên tục thay đổi?

TS Thành Nam:

Có một câu chuyện vui của một nhà Toán học, khi có người hỏi sao con ông không nối nghiệp ông? Ông ấy đã trả lời: “Nó không đủ lãng mạn để làm Toán học”. Thực ra người làm Toán học phải có trí tưởng tượng rất cao. Tôi không dám nhận mình là một điển hình của học sinh chuyên Toán.

Cá nhân tôi cho rằng: Trong cuộc sống cần sáng tạo, công việc thì luôn phải sáng tạo. Mỗi một giai đoạn của công việc, của cuộc đời luôn đặt ra một bài toán mới, một thách thức mới và điều đó khiến chúng ta luôn cần tìm một hướng đi mới, một lời giải mới thích hợp hơn.

Phóng viên: Năm 2011, khi tròn 50 tuổi, ông  rời vị trí giám đốc điều hành FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục. Phải chăng lúc đó vị trí giám đốc điều hành FPT không còn là thách thức nữa hay chuyển sang giáo dục là một lời giải khác cho câu hỏi mục tiêu cuộc đời là gì?

TS Thành Nam

Với tôi thì làm gì ở tuổi 50 không còn là lời giải để đi tìm mục tiêu cuộc đời. Đó là một lựa chọn “phải đến”, khi những gì đã làm ở vị trí Giám đốc FPT dường như là đã đủ, cần nhường chỗ cho lớp lãnh đạo kế tiếp. Còn về lựa chọn làm giáo dục, thì không thể phủ nhận: “Trường Đời” là ngôi trường tốt nhất. Ai tự nhận đã học được gì ở trường đời chắc đều muốn chia sẻ lại những bài học của mình cho thế hệ sau. Không mở trường thì cũng dạy dỗ con cháu. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có một cách làm khác nhau và kết quả cũng khác nhau. Tôi muốn dạy cách tự học.

Phóng viên: Trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, dù được đánh giá thuộc một trong những ngôi trường hiện đại, tiệm cận xu hướng đào tạo thế giới, quyết định tiếp tục một hướng đi mới phải bắt nguồn từ điều gì?

TS Thành Nam

Đi dạy 3 năm, tôi phát hiện một điểm yếu của giáo dục của chúng ta. Đó là sự thụ động của người học. Giáo viên càng giỏi thì học trò càng thụ động.

Từ giữa năm 2013, trước sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của MOOC (Massive Open Online Courses – Các khoá học mở miễn phí trên mạng), anh Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT) và Ban lãnh đạo ĐH FPT đặt quyết tâm thành lập một trường học trực tuyến. Có điều chưa biết làm thế nào. Cách truyền thống nhất vẫn là ghi hình thầy giáo như rất nhiều các mô hình online hiện tại. Như thế vừa tốn kém, vừa không thể triển khai ngay được và chắc chắn không tốt hơn học trực tiếp.

Tôi đã khẳng định:  FUNiX không cố gắng làm tốt hơn cách dạy cũ, mà cần khởi đầu một con đường khác. Đây là thời cơ. Mười năm nữa tình hình sẽ thay đổi. Thay vì nghĩ không có điều kiện đến trường mới phải học trực tuyến thì bây giờ hãy nghĩ “những ai không thể tự học trên Internet mới phải đến trường học”. Chúng tôi gọi vui những người đến trường học sẽ là những người “lỗi lạc”: tức là lỗi thời và lạc hậu.

Thật may mắn, cùng thời gian đó, trên mạng xuất hiện bài viết của giáo sư (Richard Muller từ Đại học UC Berkeley rất nổi tiếng của Mỹ.  Ông đưa ra 15 nguyên tắc để xây dựng 1 trường Đại học dựa vào Internet với chất lượng của Mỹ, và với mức học phí của các nước thứ ba. Đề án của ông bị Berkeley bác bỏ, nhưng ông tin rằng sẽ có ai đó trên thế giới thực hiện. Rất hay là 15 nguyên tắc của ông gần như trùng hợp với 10 nguyên tắc hoạt động của FUNiX­­­­­­­­­.

Thế là chúng tôi gỡ bỏ được rào cản tâm lý cuối cùng của anh Trương Gia Bình là sợ thiếu cơ sở lý luận. Anh còn trở thành người cổ vũ lớn nhất: FUNiX chính là giáo dục toàn thế giới. Hãy tư duy FUNiX như một sân chơi cho trẻ nhỏ. Hãy nghĩ những người học như một đám trẻ. Mục đích của chúng ta là phải thiết kế một sân chơi sao cho những đứa trẻ đó cảm thấy thật hứng thú.

Năm 2015, FUNiX ra đời dựa vào hai tiên đề: Có thể tự học bất cứ điều gì bằng cách dựa vào thực tế cuộc sống và internet.

Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Thành Nam, khi có hàng trăm đường đại học, cao đẳng đang dạy ngành công nghệ thông tin và rõ ràng đã và đang tạo ra được lực lượng lao động chất lượng thì việc xây dựng một trường dạy học chỉ bằng hình thức trực tuyến, mà như mọi người vẫn dùng từ ảo. Phải thừa nhận ban đầu nghe rất ảo, thưa ông?

TS Thành Nam:

Có hàng trăm đường đại học, cao đẳng đang dạy ngành công nghệ thông tin nhưng thực tế vẫn chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực. Vậy 60% còn lại đến từ đâu?

Chúng ta kêu gọi cách mạng về công nghệ nhưng lại dựng lên những rào cản, phân biệt người này được tham gia người kia không được, muốn học công nghệ của trường top phải thi tốt nghiệp 30 điểm thì khó quá.

Cách tự học qua môi trường mạng phá vỡ những rào cản của đại học truyền thống như đất đai, hậu cần, sách giáo khoa, giảng viên, tận dụng được sức mạnh của nhân dân. Có thể biến các quán game với giá truy cập internet chỉ khoảng 5.000 đồng một giờ thành nơi học đại học.

Điển hình là em Hoàng Mạnh Tiến – sinh viên tại Hội An. Mùa lũ, Tiến vẫn lội nước ra hàng game học bài, xung quanh cậu là các “game thủ”. Ba tuần miệt mài vượt lũ để học online, Tiến hoàn thành chứng chỉ cũng là khi nước rút. Cậu sinh viên ấy đã đi làm ngay sau khi học xong Chứng chỉ tầm 6 tháng và hiện đã mở công ty riêng chuyên về các dịch vụ số.

Chẳng cần gì, chỉ cần bạn quyết tâm tự học. Nếu không có laptop cũng không sao. 45.000 quán internet ở Việt Nam đều có thể trở thành điểm trường đại học. Tôi muốn đem giáo dục đại học chất lượng quốc tế về mọi ngóc ngách ở Việt Nam chỉ bằng sự kết nối của internet.

Phóng viên: Đại dịch Covid 19 xuất hiện chứng kiến sự bùng nổ của dạy học trực tuyến. Nhưng năm 2015, khi ông khởi xướng thành lập FUNiX, mọi việc có vẻ như không được dễ chịu, thưa TS?

TS Thành Nam

Tôi muốn nhắc mọi người rằng, chúng tôi không dạy trực tuyến mà dạy việc tự học trên nền tảng internet.

Thực ra khi thành lập FUNiX, vẫn nhiều người tin rằng học online kém hơn học offline. Nhưng với tôi, khi mà nhiều người không tin thì chính là cơ hội, còn cái gì ai cũng tin thì đã quá muộn.

Ngoài ra, cũng có người nghi ngờ vì trường không có campus, không có đội ngũ giáo viên cơ hữu. Gọi là không giáo viên tức là không có người đứng dạy như ở lớp học truyền thống. Vẫn có người luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn. Đó là những người đi trước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sẵn sàng hộ trợ bạn nhờ nhiều kinh nghiệm hơn. Họ được gọi là các Mentor.

Còn đúng là có lúc cũng buồn vì học viên bỏ cuộc. Đây là điểm đau đầu nhất với phương thức dạy việc tự học trên thế giới. Lúc vào thì ùn ùn vì tò mò nhưng đến khi đã chán thì có nhiều lí do để bỏ lắm.

Lời giải tôi lấy từ chính các cụ. Các cụ có hai từ rất hay: Học hỏi và dạy dỗ. Nhưng chúng ta mới chỉ khai thác một vế: Học nhưng không hỏi nên mới bị động, một chiều. Dỗ cũng phải quan tâm ngang với dạy. Chúng tôi đã xây dựng một đội ngũ những “Hannah” để sẵn sàng bên cạnh học viên “dỗ” các bạn ấy. Và con số cứ tăng dần lên, lúc đầu học 10 bỏ 7 thì tiến đến bỏ 5, dần dần thế cũng là thành công rồi.

Lớp học đầu tiên của chúng tôi có 50 sinh viên, về sau tôi gọi họ là các sáng lập viên vì họ tin mình, bởi lúc đó mình có gì đâu. Bài giảng ở trên internet, sinh viên có gì khó khăn trong quá trình học thì hỏi tôi hoặc đồng nghiệp của tôi, học với niềm tin có thể đi đến cuối con đường. Có những học viên trong khóa đầu tiên sau đó ít lâu đã lập cả công ty về trí tuệ nhân tạo.

Tôi cũng đã nhận được rất nhiều chia sẻ, kể cả tích cực, tiêu cực của người thân quen về việc xây dựng FUNiX. Nhưng tôi tin rằng, thực tế sẽ là câu trả lời chân thực và đầy đủ nhất. Đến giờ thì câu chuyện của FUNiX thực sự đã thay tôi trả lời.

Phóng viên: Ngoài các Mentor, anh còn nhắc đến Hannah. Đây giống tên một nhân vật lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Vai trò của Hanah là gì trong hệ thống FUNiX?

TS Thành Nam

Hannah để chỉ các cán bộ hỗ trợ học viên của FUNiX. Tên gọi này được lấy cảm hứng từ nhân vật có thật trong chiến tranh chống Mỹ, phát thanh viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam – bà Trịnh Thị Ngọ, người đã dùng giọng nói truyền cảm của mình đọc những bản tin tiếng Anh hàng ngày, “dỗ” lính Mỹ đi về nhà và được lính Mỹ gọi là Hanoi Hannah.

Tại FUNiX, Hannah thường xuyên nói chuyện, làm bạn với học viên, giúp đỡ khi các bạn gặp khó khăn, động viên khi các bạn nản lòng… Trên thực tế, rất nhiều học viên đã quay lại học tiếp để đền đáp lại sự tận tình của các Hanah. Đây chính là yếu tố “ Dỗ” trong từ dạy dỗ mà tôi đã đề cập.

Phóng viên: Nhiều người đã nghe tới ngôi trường FUNiX 3 không: Không giảng đường, không thầy giáo, không sách giáo khoa. Có phải đây chính là điểm khiến FUNiX được cho là “Sáng tạo- đột phá” thưa TS Thành Nam?

TS Thành Nam

“Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, thực tế thì triết lý giáo dục của FUNiX đề cao việc học thông qua hỏi đáp. Không phải là một triết lý đột phá hay sáng tạo gì quá mới mẻ. Nó đã có từ bao đời nay, và nó là chuyện… đương nhiên. FUNiX chỉ tạo ra những công cụ và nguồn lực để việc "hỏi" của người học trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn bao giờ hết, giúp họ làm chủ trong chuyện học của chính mình.

Ở FUNiX, học viên được khuyến khích thậm chí là yêu cầu bắt buộc phải hỏi thì mới được thi qua môn. Khi người ta bật ra câu hỏi, chính là khi người ta dễ dàng tiếp nhận kiến thức nhất. Và làm sao để việc hỏi thật dễ dàng, hỏi là được giải đáp ngay. Vì thế mà FUNIX có mạng lưới hàng nghìn mentor, có chức năng hỏi mentor được tích hợp ngay trên hệ thống học tập để học viên được hỏi bất cứ lúc nào.

Phóng viên: Có khi nào bản thân ông băn khoăn về con đường, về lựa chọn của mình?

TS Thành Nam:

Tôi chưa bao giờ băn khoăn với những gì mình đã chọn. Thay vì băn khoăn, thì hãy cứ làm, rút kinh nghiệm, nếu sai thì… làm lại.

Phóng viên: Và điều gì khiến ông tin rằng mô hình này sẽ không thất bại?

TS Thành Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Sinh viên được học trực tuyến 30% tổng khối lượng chương trình đào tạo. Trường tôi dạy trực tuyến mà quy định chỉ được học online 30% thời lượng thì khó quá.

Tại sao nói học online lại kém hơn offline? Đây là cái mới cần khuyến khích, thực tế sẽ chứng minh là đúng hay không đúng, hãy cho người học lựa chọn và quyết định. Quy định vậy nghĩa là cơ quan quản lý vẫn không tin đây là một phương pháp mới. Nhưng với tôi, khi mà nhiều người không tin thì chính là cơ hội, còn cái gì ai cũng tin thì đã quá muộn.

Ngoài ra, còn những quy định khác: Muốn mở trường đại học phải có 5 hecta đất và có đội ngũ giáo viên cơ hữu. Trường học trên mạng thì cần gì 5 hecta đất, trường lấy cơ chế tự học là gốc thì đâu cần giáo viên cơ hữu.

Đó là hai trở ngại chính nhưng tôi cho rằng trở ngại ấy nằm trong nhận thức, không phải trở ngại thật. Tôi đang làm hồ sơ đề nghị Chính phủ chính thức thừa nhận có một loại hình trường đại học số (digital university), hoàn toàn dựa trên công nghệ, dựa trên thời đại internet.

Sẽ có những nguyên tắc giáo dục mới như cá nhân hóa việc đào tạo, mỗi người thầy sẽ dạy riêng cho từng sinh viên vì trình độ của mỗi sinh viên khác nhau, khung giờ học khác nhau. Việc học này như dạy đi xe đạp, ban đầu dạy để biết đi còn đi được bao xa là việc của học viên.

Việc cấp bằng cũng là vấn đề vì tâm lý người Việt vẫn thích được cấp bằng có dấu đỏ. Chúng tôi đang khắc phục bằng cách thuyết phục các tập đoàn công nghệ lớn công nhận. Điều quan trọng nhất là chất lượng sinh viên đã được chứng minh rồi, các doanh nghiệp tuyển dụng cũng đã thừa nhận chất lượng hoàn toàn tương xứng.

Phóng viên: Trong một bài viết của mình, ông đã đưa ra hai lời khuyên với giới trẻ gồm: Sức khỏe và khả năng tự lực. Đầu năm thường là thời điểm mọi người, đặc biệt người trẻ đặt ra những dự định và chuẩn bị tâm thế cho bản thân cho một năm dài. Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân trong việc tìm hướng đi, xác định mục tiêu cũng như hiện thực hóa những dự kiến, đặc biệt với những bạn trẻ khởi nghiệp.

TS Thành Nam

Điều quan trọng nhất vẫn là sức khỏe. Có sức khỏe thì làm gì cũng được. Tôi nói sức khỏe không phải là thường xuyên đến phòng gym để “selfie”, mà phải được thể hiện qua khả năng chịu đựng vất vả, làm việc liên tục, trong các điều kiện môi trường khác nhau.

Nếu không có điều kiện chơi thể thao, tập võ thuật, các bạn trẻ đơn giản có thể tập chống đẩy, đi bộ… đều đặn để rèn luyện sức bền cho bản thân.

Tôi kể cho các bạn câu chuyện một bạn lơ xe đến FUNiX học. Bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên. Cậu ấy cả đời mơ ước có một chiếc laptop nhưng nhà quá nghèo. Sau khi lấy vợ, cậu ấy thổ lộ ước mơ đó với vợ và được vợ mua cho một chiếc laptop. Cậu tâm sự khi theo học FUNiX: “Em có thể trở thành lập trình viên được rồi!”.

Tất nhiên sau đó bạn ấy vẫn làm lơ xe nhưng anh lơ xe ấy đã khác trước. Cái đó tôi gọi là dân trí nâng lên. Còn việc học, có thể nó cũng không thay đổi gì nhiều cho bản thân nhưng rõ ràng chính anh lơ xe đó hiểu bản thân đã thay đổi ra sao? Dám làm điều mình mơ ước cũng là điều tuyệt vời trong cuộc đời bạn.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Nghe cuộc trò chuyện giữa phóng viên VOV2 với TS.Nguyễn Thành Nam tại đây: