Công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước ta được bắt đầu từ Nghị quyết (NQ) 29 Hội nghị TW 8 khóa 11 và được đẩy mạnh sau NQ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.

Tuy chưa được như kỳ vọng nhưng giáo dục nói chung và đặc biệt giáo dục phổ thông nói riêng đã có những bước chuyển tích cực, được đánh giá cụ thể trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đang diễn ra.

Trả lời phỏng vấn VOV2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhìn lại việc thực hiện Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông nước nhà cũng như nêu những dự định của ngành trong thời gian tới đây.

-Thưa Thứ trưởng! Ông đánh giá giáo dục phổ thông nước ta có những bước chuyển thế nào từ khi bắt tay vào công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?

NQ 29 đã nêu rõ quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đặc biệt, giáo dục phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Chính vì vậy, thời gian qua, giáo dục đào tạo nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nên đã có bước chuyển mạnh mẽ. Thể hiện rõ nhất là nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lý về việc đổi mới giáo dục phổ thông.

NQ 29 cũng như NQ của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhấn mạnh việc dạy học chuyển từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.

Đáp ứng yêu cầu này, Bộ GD&ĐT đã ban hành được Chương trình Giáo dục phổ thông mới (gọi tắt là Chương trình 2018), đây là chương trình đổi mới mạnh mẽ theo hướng coi trọng "dạy người" đồng thời với "dạy chữ", dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực, tiệm cận với quốc tế và kế thừa chương trình hiện hành. Chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai ở lớp 1, đến giờ đã có nhiều kết quả tích cực.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT có nhiều hoạt động mạnh mẽ để dạy chương trình hiện hành nhưng cũng theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực.

Chất lượng giáo dục đại trà được ổn định và giữ vững, chất lượng mũi nhọn có nhiều tiến bộ. Thể hiện rõ nét là chất lượng tiểu học Việt Nam được đánh giá dẫn đầu trong các nước Đông Nam Á. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế Pisa cũng đánh giá cao chất lượng giáo dục của Việt Nam. Đặc biệt, các kỳ thi Olympic quốc tế học sinh Việt Nam luôn được kết quả rất cao.

Thời gian qua, các trường chuẩn quốc gia cũng tăng lên, tạo điều kiện giáo viên dạy tốt hơn, học sinh học tốt hơn.

Ảnh: Internet

- Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình - SGK mới với học sinh lớp 1. Đến giờ này, ông có thể đánh giá kết quả sơ bộ?

-Theo báo cáo của các địa phương cũng như thực tế kiểm tra tại một số tỉnh thành, các em học sinh đến giờ này đã đọc được trơn văn bản ngắn, đảm bảo tốc độ đọc theo quy định. Nếu như học chương trình cũ thì phải gần hết học kỳ II học sinh mới có thể đọc được.

Đặc biệt, học sinh lớp 1 năm nay được nhà trường, phụ huynh nhận xét là tự tin, tự chủ hơn trong giao tiếp, các em thích đến trường và bước đầu biết ứng dụng những kiến thức đơn giản trong bài học vào giải quyết vấn đề của cuộc sống thường ngày. Đây là điểm khác biệt nhất và hiệu quả tích cực ban đầu mà Chương trình 2018 mang đến cho học sinh.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, khoa học và các giáo viên được tập huấn bồi dưỡng, được hiểu về chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên đã nắm bắt được phương pháp, cách dạy từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực. Giáo viên trước kia lên lớp là để dạy học nhưng giờ là tổ chức các hoạt động giáo dục, giúp cho các em tự học, tự nghiên cứu.

Một bộ phận giáo viên ban đầu còn băn khoăn, lo lắng thì sau một học kỳ dạy học theo chương trình mới, theo ghi nhận thực tế và báo cáo của các địa phương đều cho thấy, các thầy cô đã tự tin, hào hứng thực hiện chương trình.

Vừa qua, có một số vấn đề liên quan đến ngữ liệu SGK lớp 1 chưa phù hợp thì Bộ đã điều chỉnh.

Ảnh: Internet

-Thay đổi nhận thức không phải là điều dễ. Ngành đã làm gì để thay đổi nhận thức của giáo viên chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực phẩm chất học sinh?

Xác định giáo viên là nhân tố quyết định đổi mới nên Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Bộ đã xây dựng các modul bồi dưỡng giáo viên, trong đó chú trọng modul phát triển nghề nghiệp của giáo viên, kỹ năng, năng lực sư phạm.

Với chủ trương biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, Bộ đã đưa ra công thức 5-3-7 theo đó vừa ứng dụng công nghệ thông tin, đưa toàn bộ học liệu lên mạng để giáo viên nghiên cứu trước 5 ngày, có 3 ngày trực tiếp gặp giảng viên để trao đổi, giải đáp thắc mắc sau đó có 7 ngày đọc lại và làm bài kiểm tra. Giáo viên tự bồi dưỡng và tự học, từ đó thành kiến thức của mình gắn với hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, liên tục để từ đó giáo viên có đủ tự tin để quá trình dạy học đạt kết quả tốt.

Ngoài ra, như trao đổi ở trên, để đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý làm quen với yêu cầu của đổi mới định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh, Bộ GD và ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn giáo viên, các nhà trường tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, sinh hoạt chuyên môn theo các phương pháp tích cực. 

Công văn 4612 (năm 2017) đưa ra 4 nhiệm vụ phải đổi mới: Đổi mới xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; Đổi mới phương pháp dạy học; Đổi mới kiểm tra đánh giá và Đổi mới quản trị trường học. Trong đó nhiệm vụ thứ nhất cho phép nhà trường, giáo viên chủ động rà soát lại nội dung chương trình, từ đó xây dựng thành các chủ đề dạy học phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục, ngữ liệu nào chưa phù hợp có thể thay đổi phù hợp thực tiễn.

Ảnh: Internet

-Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh là khâu rất quan trọng. Song giáo viên vẫn bị áp lực, vất vả vì việc đánh giá bằng nhận xét học sinh cũng như áp lực bệnh thành tích trong các nhà trường. Vậy ông có ý kiến gì?

-Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh phải đạt được 5 phẩm chất và 10 năng lực, từ đó cụ thể hóa những minh chứng của phẩm chất và năng lực. Từ đó Bộ đã ban hành thông tư 27 về đánh giá học sinh tiểu học và thông tư 26 định hướng đổi mới đánh giá học sinh trung học. Theo đó, tinh thần là đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ.

Đánh giá thường xuyên là việc diễn ra trong quá trình học và phải coi nó là một nội dung trong quá trình dạy học. Đây là đánh giá vì sự tiến bộ của người học, còn việc ghi chép chỉ là cụ thể hóa ở một vài điểm, chủ yếu góp ý đã qua trực tiếp giáo viên với học sinh. Vừa rồi chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn, tinh thần sẽ giảm bớt việc ghi nhận xét của giáo viên, chỉ giáo viên chủ nhiệm ghi thôi.

Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt hơn, là một trong những giải pháp giảm áp lực cho giáo viên mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai, cùng nhiều giải pháp quyết liệt khác như: giảm hồ sơ sổ sách, xóa bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Việc chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong dạy học, kiểm tra đánh giá, công tác quản lý giáo dục… cũng là giải pháp Ngành đang tích cực tiến hành để giáo viên được thuận lợi hơn trong thực hiện hoạt động chuyên môn. Bộ cũng đã có nhiều biện pháp để giảm bệnh thành tích trong giáo dục và sẽ tiếp tục có những biện pháp giảm tình trạng này trong thời gian tới.

-Để giáo viên được chủ động thì phải có dân chủ trong trường học, hiệu trưởng cũng phải thay đổi, phải không thưa ông?

-Đúng vậy, nhận thức sâu sắc việc đổi mới của giáo viên chỉ hiệu quả khi người quản lý cũng phải đổi mới công tác quản lý để tạo điều kiện, động lực cho giáo viên nên bên cạnh tập huấn đội ngũ giáo viên thì Bộ cũng đã tập huấn cho đội ngũ quản lý. Theo đó, đổi mới quản trị trường học từ quản lý bằng “mệnh lệnh” sang quản lý bằng “cộng tác”, theo hướng xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cộng sự của mình hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên công tác quản trị trường học đã có nhiều đổi mới, tạo môi trường làm việc dân chủ sáng tạo. Phong trào “nhà giáo đổi mới sáng tạo” là một chủ trương lớn của Bộ đã được các nhà trường điều chỉnh cho phù hợp.

Phẩm chất và năng lực cần phát triển cho học sinh
( Ảnh: Internet )

-Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới. Ngành giáo dục có dự định gì để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục giai đoạn tiếp theo, thưa ông?

-Văn kiện đại hội Đảng đã đánh giá giáo dục có sự đổi mới cũng đạt kết quả nhưng chưa thực sự đáp ứng như kỳ vọng. Tôi rất hy vọng sau ĐH lần này, chúng ta thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện trên cơ sở cả thời gian nhiệm kỳ trước chính là chuẩn bị tiền đề một cách bài bản công phu cho việc đổi mới này.

Hiện nay chúng ta triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1 và năm học 2021-2022 sẽ áp dụng tiếp đối với lớp 2 và lớp 6. Những gì đã thực hiện hiệu quả đối với lớp 1 sẽ được tiếp tục phát huy đối với lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo. Những gì còn bất cập trong quá trình triển khai chương trình mới sẽ được nghiên cứu khoa học, kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả.

Một trong những nội dung quan trọng Bộ GD và ĐT xác định phải thực hiện hiệu quả hơn nữa là khâu biên soạn và thẩm định sách giáo khoa. Công việc này phải được chỉ đạo và thực hiện sát sao hơn. Theo đó, quá trình thực nghiệm sách giáo khoa sẽ được kiểm soát chặt chẽ; tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa trước khi nhà xuất bản gửi tới Bộ GD&ĐT để thẩm định; tổ chức lấy ý kiến của giáo viên, các chuyên gia góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa, để cùng những đánh giá của Hội đồng thẩm định làm căn cứ trao đổi với tác giả hoàn thiện bản mẫu.

Năm học 2020-2021 học sinh lớp 1 không có “tuần 0” để làm quen trường lớp, ổn định nề nếp trước khi vào học chính thức nên công tác giáo dục gặp thời gian đầu của các nhà trường gặp một số khó khăn. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét việc từ năm học tới cho học sinh lớp 1, lớp 6 tựu trường trước 2 tuần so với các khối lớp còn lại, để các em làm quen với chương trình, trường lớp.

Công tác chăm lo, chuẩn bị đội ngũ, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Đến giờ các địa phương đã có danh sách giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 trong năm học tới. Từ đó có cơ sở bồi dưỡng, tập huấn, xác định rõ cho giáo viên nhiệm vụ trong năm tới để chủ động dạy theo chương trình mới.

Với sự chuẩn bị kỹ càng và nỗ lực của ngành Giáo dục; sự đồng hành, phối hợp tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tôi có niềm tin công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo sẽ tiếp tục đạt hiệu quả tích cực. Sản phẩm đầu ra của quá trình đổi mới này là học sinh phải đạt được 5 phẩm chất chủ yếu, đó là yêu nước, trung thực, trách nhiệm, chăm chỉ, nhân ái; 10 năng lực cốt lõi, trong đó quan trọng nhất là: tự học và tự chủ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đạt được mục tiêu này, chúng ta sẽ có sự đổi mới tích cực về nguồn nhân lực phổ thông, cũng như nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội và thời đại mới.

-Ông có nhắn gửi điều gì tới các giáo viên, học sinh cả nước trước giai đoạn phát triển mới của giáo dục cũng như trước thềm năm mới Tân Sửu?

-Chúng ta đang thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, trước mắt còn rất nhiều cơ hội và thách thức đòi hỏi giáo viên phải rất cố gắng. Bởi giáo viên mới là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục. Từng tiết dạy học, từng quyết định của cán bộ quản lý đều phải quan tâm đến chất lượng hiệu quả để nâng cao kết quả dạy và học một cách tốt nhất.

Năm mới Tân Sửu sắp đến, tôi mong muốn toàn ngành cố gắng nỗ lực rèn luyện chuyên môn dạy tốt học tốt. Thầy cô đổi mới và cán bộ quản lý có đột phá trong chỉ đạo điều hành để góp phần triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.

Chúc các em học sinh tự tin theo học chương trình giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh năng lực tự học, tự chủ, sáng tạo để đạt được các yêu cầu về năng lực, phẩm chất mà chương trình đã đề ra để chuẩn bị tiền đề cho những thành công của các em trong tương lại.

Dù thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 hay chương trình hiện hành nhưng theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực, Bộ đã chỉ đạo để các em học sinh được học các tiết học thú vị, thể hiện qua đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên.

Bộ đang xây dựng chương trình “Nhà trường hạnh phúc” để mỗi một ngày các em đến trường là một ngày vui. Bộ đã chỉ đạo và hy vọng các em học sinh sẽ có nhiều tiết học vui vẻ, hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!