Tại Hà Nội, hơn 2 triệu học sinh đã tham dự Lễ khai giảng năm học mới chung toàn thành phố được phát sóng trực tiếp qua phát thanh, truyền hình và mạng xã hội.

Trường THCS Trưng Vương, ngôi trường có bề dày lịch sử của Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức lễ khai giảng chung.

Tham gia buổi khai giảng chung toàn thành phố có 50 học sinh đại diện đến từ 6 trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm gồm tiểu học Thăng Long, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sỹ Liên, THPT Việt Đức, THPT Trần Phú và Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố. Toàn bộ học sinh, giáo viên, khách mời và những người tham dự khai giảng đều đã được test Covid-19 và có kết quả âm tính.

Tại nhà, theo dõi qua màn hình, các em học sinh cũng đồng phục nghiêm ngắn, cũng trang trọng đặt tay lên ngực trong lễ chào cờ và lắng nghe lời chào mừng, dặn dò gửi gắm tới những lứa học sinh đang chịu nhiều thiệt thòi do đại dịch.

Sau Lễ khai giảng, học sinh Hà Nội sẽ chính thức học vào ngày 6/9 theo hình thức trực tuyến.

Cùng với Hà Nội, một số địa phương khác như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, An Giang, Kiên Giang cũng tổ chức khai giảng tại 1 trường học và truyền hình, phát thanh trực tiếp tới học sinh.

Lễ khai giảng chung của tỉnh Hà Tĩnh tại trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh)
Hai bé Đào Thị Ngọc Hà, Đào Thị Trúc Linh, trường tiểu học Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh theo dõi Lễ khai giảng qua truyền hình. Năm nay, bé Ngọc Hà mới vào lớp 1.

Ở nhiều địa phương như Vĩnh Long, Phú Yên, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lễ khai giảng diễn ra theo hình thức trực tuyến với từng trường, lớp.

Khai giảng trực tuyến tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

Lễ khai giảng trực tiếp được tổ chức tại 33 địa phương trên cả nước. Nhưng để đề phòng dịch bệnh, các trường đều thực hiện giãn cách, phân ca khai giảng.

Khai giảng giãn cách giữa sân trường THPT chuyên Bắc Giang.
Nhà giáo Trần Duy Phương, Bí thư đảng uỷ, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Bắc Giang
đánh trống khai giảng năm học mới

Ít ngày trước khi tựu trường và khai giảng, Bắc Giang phát hiện các ca mắc mới. Lịch tựu trường khai giảng cận kề ngay lập tức phải dừng lại với các cấp học từ tiểu học đến THCS. Lễ khai giảng chỉ được tổ chức trực tiếp với học sinh THPT với các điều kiện giãn cách.

Tại trường THPT Chuyên Bắc Giang, để đảm bảo giãn cách, chỉ có 1/3 số học sinh tham gia.

Lễ khai giảng bỗng trở nên đặc biệt vì tâm thế phòng dịch cũng như cảm xúc may mắn khi thầy và trò vẫn có thể đến trường.

Cao Bằng là tỉnh duy nhất trên cả nước đến giờ phút này chưa có ca mắc Covid-19. Tuy nhiên để đảm bảo phòng dịch, lễ khai giảng chỉ tổ chức tại từng lớp học.

Phòng ở nội trú cho các con học sinh Cao Bằng cũng đã sẵn sàng.

Tại tỉnh Đăk - Nông, sau lễ khai giảng giãn cách, trong tuần học đầu tiên, tại những nơi thuận lợi học sinh vẫn đến trường, nhưng thực hiện chia 50 – 50, tức là 50% số lớp đi học và 50% số lớp sẽ học vào hôm sau.

Học sinh Đăk - Nông tựu trường và đi học giãn cách

TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam đang là tâm dịch. Năm nay nhiều địa phương không tổ chức khai giảng vì điều kiện dịch bệnh, đồng nghĩa với hàng triệu học sinh ở các địa phương này không có một buổi lễ đánh dấu sự khởi đầu năm học mới đúng nghĩa.

Những buổi học đầu tiên sẽ chỉ cô và trò gặp nhau qua màn hình. Trường tiểu học với bạn mới và cô giáo mới với nhiều bé lớp 1 vẫn là một trường học nằm trong tưởng tượng. Nhưng các em còn may mắn hơn nhiều bạn vì có tới 6.600 học sinh TP.Hồ Chí Minh là F0 đang phải trong khu cách ly, nhiều học sinh đang ở quê chưa thể trở lại thành phố, 75 nghìn em đến giờ này chưa có đủ trang thiết bị học tập.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đã xây dựng kế hoạch, đối với các em học sinh không có thiết bị học tập trên Internet thì trên các trang web phòng giáo dục, của trường đều có sách điện tử của Bộ Giáo dục và đào tạo và có các clip ghi hình bài giảng. Đối với lớp 1, lớp 2, sở cũng đã tổ chức ghi hình và thực hiện ngay từ đầu năm học. Trong điều kiện khó khăn hơn, không thể tiếp cận được với tất cả phương tiện dạy học thì sở đã tổ chức các phiếu học tập, sử dụng mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ đến từng nhà.

Học trực tuyến lớp 1 tại TP. Hồ Chí Minh.

Cô Nguyễn Thị Lý, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có 30 năm gắn bó với nghề. Năm nay cô đón lứa học sinh cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Lễ khai giảng cuối cùng của cuộc đời nhà giáo đã không diễn ra vì dịch bệnh. Nhưng cũng như tất cả giáo viên, phụ huynh và học sinh TP. Hồ Chí Minh lúc này, “mong ước bình yên cao hơn cả tâm trạng đón lễ khai giảng năm học mới”, cô Lý chia sẻ.

Cũng như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Quảng Bình, Cần Thơ quyết định không tổ chức khai giảng. Tuy nhiên, năm học mới vẫn bắt đầu từ ngày 6/9. Riêng với cấp tiểu học của TP.HCM và Cần Thơ bắt đầu năm học từ 20/9.

Đến ngày 6/9, nhiều địa phương trên cả nước bước vào năm học mới, nhưng cũng có không ít địa phương đã hoãn, lùi lịch tựu trường, khai giảng và cả lịch bắt đầu năm học mới. Như Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Lâm Đồng sẽ bắt đầu năm học mới vào 20/9, Đồng Tháp và Sóc Trăng là 15/9…

Sớm hay muộn, trực tuyến hay trực tiếp thì học sinh cả nước vẫn  bước vào năm học mới. Trẻ em không thể không được học hành vì học tập là quá trình liên tục và đây cũng là một trong những quyền đã được công nhận trong Công ước Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em.

Đại dịch cũng sẽ không ngăn quyết tâm tìm tòi, sáng tạo, sự chung tay của các thầy cô, của các phụ huynh và toàn xã hội để các em “ngừng đến trường nhưng không ngừng học”.