Sau một thời gian bị đẩy lùi, ngày 27/4 từ một ca lây nhiễm sau kết thúc cách ly ở Yên Bái, Covid-19 xâm nhập trở lại. Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác liên tục ghi nhận các ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Đáng nói, nhiều giáo viên và học sinh cũng trở thành F0, F1, F2.
Ngay lập tức, ngành giáo dục “bật chế độ” dạy học trực tiếp sang dạy học online, kể cả ôn thi tốt nghiệp cũng tổ chức trực tuyến. Dẫu đây là năm thứ 2, kỳ thi tốt nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19, học sinh 2K3 cũng chẳng lạ lẫm gì với hình thức học này song cảm giác hụt hẫng là có thật khi mọi sự chuẩn bị đều phải chuyển sang “kế hoạch B”.
Gác lại âu lo, mục tiêu cao nhất vẫn là chuẩn bị tốt kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Tại các vùng “tâm dịch”, trong các khu cách ly tập trung, thầy cô vẫn truyền tải kiến thức cho học trò tận những ngày cuối cùng.
Tại Bắc Ninh, những ngày đầu tháng 5, toàn tỉnh phát hiện 14 học sinh, giáo viên mắc COVID-19, qua truy vết, điều tra dịch tễ, có ít nhất 511 học sinh, giáo viên là F1.
Trường THPT Kinh Bắc, Thuận Thành, Bắc Ninh nơi có 4 học sinh mắc Covid-19 vì đi bưng cỗ thuê từ đó đã có 79 học sinh lớp 12 và 6 giáo viên thuộc diện F1. Thầy và trò tiếp tục dạy học online trong khu cách ly.
Tại tâm dịch Thuận Thành, Trường THPT Thuận Thành 1 cũng có 37 giáo viên và hơn 200 HS (trong đó có 5 học sinh lớp 12) phải cách ly. Mặc dù nhiều giáo viên lớp 12 thuộc diện cách ly nhưng hầu hết 100% các thầy cô đều chủ động dạy trực tuyến tại khu cách ly để hoàn thành chương trình, tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 theo thời khóa biểu đã lên sẵn.
Lượm được 1 tấm bảng trong khu cách ly, cùng những vật dụng mang theo như máy tính, ổ phát wifi, thầy Nguyễn Hữu Sơn, giáo viên môn Toán, Trường THPT Thuận Thành 1 bố trí thành 1 góc dạy học riêng.
Hết ngày 26-5, cả nước có 18 học sinh lớp 12 trong diện F0 và 394 học sinh là F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.
Với tinh thần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp theo 2 đợt, tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT phải nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng và an toàn.
Có lẽ chưa một mùa thi nào mà người ta nhắc nhiều, nói nhiều đến 2 từ ‘dự phòng” như mùa thi năm nay. Cũng chính vì vậy mà những cuộc tập dượt quy mô, với những tình huống lường trước đã đồng loạt được tổ chức tại các điểm thi. Hai năm trở lại đây, những cuộc diễn tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể thiếu nội dung phòng chống dịch Covid-19.
Các tình huống như trong quá trình thi có thí sinh ho, sốt, khó thở, thí sinh đột ngột trở thành F1, F2 qua truy vết… và rất nhiều các tình huống đã được đặt ra để tập dượt cách xử trí.
Năm nay, nhiều địa phương yêu cầu học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia kỳ thi tốt nghiệp không ra khỏi địa phương nơi cư trú trước kỳ thi.
Mỗi điểm thi bố trí tối thiểu 10 người đo thân nhiệt thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ trước giờ thi, có 5 cán bộ y tế trực, phân luồng thí sinh ngay từ cổng vào.
Ngoài phòng thi chính thức, mỗi điểm thi có ít nhất 2 phòng thi dự phòng dành cho thí sinh có thân nhiệt cao hơn bình thường, một phòng cách ly cho thí sinh ho sốt, tức ngực, bàn ghế giãn cách 2m mỗi chiều.
Quyết định phương án thi trước giờ G
Chưa có năm nào đến sát ngày thi, phương án thi vẫn chưa thể chốt tại nhiều địa phương.
Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, số ca nhiễm Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh liên tục tăng khiến cả thành phố “căng như dây đàn”.
Ngày 28/6, Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh gửi thông báo khẩn đến các trường THPT, trung tâm GDTX… khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh lớp 12 về kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 7-8/7 theo 3 phương án:
1.Phụ huynh yên tâm và đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khóa ngày 7 và 8-7-2021.
2.Phụ huynh không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khóa ngày 7 và 8-7-2021
3.Phụ huynh không yên tâm và không đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khóa ngày 7 và 8-7-2021
Cuối cùng, ngày 1/7, TP. Hồ Chí Minh quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 vào ngày 7-8/7 theo kế hoạch, thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 sẽ thi đợt 2. Toàn bộ thí sinh, cán bộ tham gia thi tốt nghiệp sẽ phải xét nghiệm. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để tham gia kỳ thi. Quyết định đưa ra khá muộn màng, sát với ngày thi cho thấy địa phương này ít nhiều lúng túng trước diễn biến quá nhanh của dịch Covid-19.
Xét nghiệm Covid-19 cho thí sinh ngay sát ngày thi
Ngày 3-7, tại TP Hồ Chí Minh, hơn 100.000 thí sinh và người tham gia thi tốt nghiệp đã được lấy mẫu xét nghiệm tại tại 155 địa điểm, các em được phân luồng như khi thí sinh đi thi.
Tương tự TP. Hồ Chí Minh, các địa phương khác có dịch khác như Đà Nẵng, Phú Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh… cũng tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ thí sinh, cán bộ tham gia kỳ thi.
Nhiều thí sinh đã trở thành F0, F1, F2 ngay trước ngày thi. Đa số thí sinh F1, F2 chuyển sang thi đợt 2. Tuy nhiên có một số địa phương như Đà Nẵng đã chủ động tổ chức thi cho thí sinh F1, F2 tại điểm thi riêng.
Tính đến chiều 6/7, tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không thể dự thi là 14.394 chiếm tỷ lệ 1.41% so với tổng số 1.021.340 thí sinh đăng ký dự thi.
Cố gắng không để thí sinh nào phải bỏ lỡ kỳ thi
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại một số huyện đảo, lần đầu tiên không điều động giáo viên từ đất liền ra làm thi mà sử dụng lực lượng tại chỗ. Đơn cử như điểm thi đặt tại TP. Phú Quốc do giáo viên Phú Quốc coi thi trên nguyên tắc không coi thi học sinh mình dạy. Đề thi được bí mật vận chuyển ra đảo ngày 5-7.
Cùng ngày, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng vận chuyển đề thi, bài thi và đưa cán bộ, giáo viên coi thi ra huyện Côn Đảo làm công tác thi tốt nghiệp THPT 2021 bằng máy bay thương mại. Một số chuyến bay được nối lại để tạo thuận lợi cho kỳ thi.
Trước đó, vào ngày 4-7, con tàu cao tốc Phú Quý - Express rời cảng Phan Thiết (Bình Thuận), chở theo bộ đề thi tốt nghiệp THPT và gần 40 người gồm cán bộ Sở GD&ĐT, công an giám sát đề thi, giám thị và thanh tra thi do Bộ GD&ĐT cử đến Bình Thuận. Kết thúc kỳ thi, con tàu này lại vận chuyển bài thi và đoàn cán bộ, giám thị về đất liền.
Đây cũng là lần đầu tiên Bình Thuận có điểm thi được đặt tại tại Đảo Phú Quý. Toàn huyện đảo Phú Quý có tất cả 253 thí sinh được chia thành 9 phòng thi và có thêm 2 phòng dự bị.
Linh hoạt trong mọi kế hoạch
Theo đề nghị của các địa phương, ngay trong ngày làm thủ tục dự thi (6/7), Bộ GD&ĐT đã ký công văn số 2783/BGDĐT-QLCL gửi các Sở GDĐT đồng ý tổ chức thi cho các thí sinh F1, F2 vào các ngày 7-8/7/2021 nếu thí sinh có nguyện vọng và địa phương đảm bảo các điều kiện an toàn.
Đà Nẵng đã chủ động tổ chức 1 điểm thi tại trường THPT Võ Chí Công dành riêng cho 41 thí sinh F1, F2 và chuẩn bị các điều kiện an toàn cũng như hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh từ đưa đón đến chỗ nghỉ ngơi, ăn uống.
Trước ngày thi, Bộ GD&ĐT cũng đã đồng ý về việc chuyển đổi Hội đồng thi cho các thí sinh do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại TP Hồ Chí Minh, 67 thí sinh có nơi cư trú ở các địa phương Cà Mau, Lâm Đồng, Quảng Trị, Huế, An Giang… đã đăng ký dự thi tại Hội đồng thi TP. Hồ Chí Minh nhưng do dịch Covid-19 không thể về dự thi vào các ngày 07-08/7/2021, có nguyện vọng chuyển đến dự thi ở Hội đồng thi nơi thí sinh đang ở hiện tại đã được thay đổi địa điểm thi.
Sau thời gian “lên dây cót”, chuẩn bị mọi nguồn lực, dày công xây dựng các tình huống để đảm bảo an toàn nhất cho kỳ thi tốt nghiệp 2021, cuối cùng thì các sĩ tử cũng “được” thi. Hào hứng là tâm trạng của các thí sinh sau một thời gian thấp thỏm chờ đợi kỳ thi.
Sáng, các ông bố bà mẹ chở con đến điểm thi rồi nhanh chóng tản ra để giữ khoảng cách tối thiểu 50m tính từ cổng trường. Không còn cảnh những cổng trường chật như nêm, bất chấp cái nắng nóng oi ả mùa hè.
Trao vội cái ôm động viên, cái đập tay quyết thắng với cha mẹ, những cô cậu học trò sẽ đeo khẩu trang suốt quá trình tới điểm thi, chỉ trừ lúc đối chiếu gương mặt với ảnh thẻ. Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, di chuyển theo hàng rào hay vạch chỉ đường đã kẻ sẵn, trước đó tất cả các em đã phải khai báo y tế….những thủ tục bắt buộc này đã quen thuộc với thí sinh năm nay.
Hồi hộp, nín thở đến phút cuối cùng
Ngay trong ngày thi đầu tiên, nhiều điểm thi đã phải dừng thi do có thí sinh liên quan đến Covid-19.
Sáng 7/7, một điểm thi ở Bắc Giang và hai điểm thi ở Phú Yên phải dừng thi tốt nghiệp THPT do phát hiện thí sinh nhiễm và nghi nhiễm Covid-19.
Một nam sinh tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh đang thi ngất xỉu, kết quả test nhanh dương tính với nCoV. Cùng với đó có 2 trường hợp F0 đã đến làm thủ tục thi. Thành phố triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch tại đồng thời cũng động viên, làm công tác tư tưởng cho các thí sinh cùng phòng thi với các trường hợp nhiễm bệnh yên tâm hoàn thành các môn thi còn lại.
Những tình huống đã được lường trước nhưng rõ ràng đã ảnh hưởng không ít tới tâm lý các thí sinh và tạo áp lực không nhỏ tới từng điểm thi cũng như tới cả kỳ thi. Với những gì đã lên kịch bản và được tập dượt, các điểm thi có các tình huống bất ngờ được kỳ vọng sẽ xử trí tốt nhất, đảm bảo tâm lý cũng như quyền lợi của các thí sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 55%, chỉ tiêu xét tuyển bằng các hình thức khác chiếm khoảng 45%.
Điều thí sinh lo lắng nhất là thi tốt nghiệp trong 2 đợt liệu có đảm bảo sự công bằng và quyền lợi thí sinh có bị ảnh hưởng?
Trước kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã khẳng định, để đảm bảo phù hợp với tình hình năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo xây dựng đề thi phù hợp với lứa học sinh này.
Cụ thể nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Nội dung kiến thức được giảm tải do tác động của Covid-19 (năm học 2019-2020 và 2020-2021) không được đưa vào đề thi tham khảo năm nay.
Đề thi của cả hai đợt thi sẽ tương đương về độ khó, dễ để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh và thuận lợi cho các trường ĐH, cao đẳng xét tuyển.
Như vậy, các em thi đợt 1 và 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng đối với thí sinh. Các cơ sở đào tạo cũng không cần tính toán để dành chỉ tiêu xét tuyển đợt 2 như đã thực hiện năm 2020.
Với quyết định này, các sĩ tử thuộc diện F1, F2, thí sinh vùng đang bị cách ly hoàn toàn yên tâm bởi dù thi sau nhưng cơ hội của các em ngang bằng với những bạn thi trước.
Thêm một mùa thi lịch sử đang diễn ra. Hồi hộp, lo âu và sẵn sàng cho mọi tình huống là tâm trạng chung của cán bộ, giáo viên cho đến phụ huynh, học sinh. Nhưng tất cả đều cùng chung một hy vọng, kỳ thi sẽ kết thúc suôn sẻ, an toàn, nghiêm túc.