“Cơn bão Việt Á – CDC” bị khởi tố và mở rộng điều tra, 800 tỷ đồng tiền hoa hồng dần tìm được đích danh kẻ đưa, người nhận. Danh sách những người bị khởi tố có đủ các thành phần từ giám đốc CDC các tỉnh, cán bộ cấp Sở, cấp Cục, Vụ, đến cấp thứ và cả Bộ trưởng. Những "viên đạn bọc tiền" ấy, cho đến nay đã hạ gục gần 50 quan chức ngành Y.

Lãnh đạo các cấp vướng vào vòng lao lý - bắt đầu cho chuỗi sự việc chưa từng có trong lịch sử ngành. Những điều chưa từng có ấy đã tạo nên cuộc KHỦNG HOẢNG… Khủng hoảng vì thiếu thuốc, vật tư y tế, vì nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt và khủng hoảng trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Năm 2022 đi vào lịch sử ngành Y, khi từ trước đến nay chưa từng có chuyện bệnh nhân muốn phẫu thuật phải tự đi mua dao mổ. Bác sĩ phải vay mượn từng ống thuốc gây tê. Bệnh viện thiếu thuốc, dịch truyền. Người bệnh vào viện, dù có BHYT vẫn phải bỏ tiền túi ra mua thuốc… Những chuyện tưởng như chỉ xảy ra trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, trong chiến tranh hay dịch bệnh triền miên…

Đó là thực trạng buồn đã và đang diễn ra ở các bệnh viện trong gần 1 năm qua.

Các trang thiết bị y tế từng hiện đại nhất khu vực: hệ thống xạ phẫu bằng dao Gamma trị giá 40 tỷ đồng; máy 256 dãy ứng dụng chụp thần kinh, tim mạch, hô hấp hiện đại nhất Đông Nam Á phải "đắp chiếu" không được sử dụng vì vướng các thủ tục về pháp lý, nhưng cũng không được mang ra khỏi bệnh viện để tránh hỏng hóc.

Các bệnh viện công vô cùng khó khăn để triển khai các kỹ thuật cao, mang tính đột phá. Những kỹ thuật mới, chủ yếu được cải tiến từ những kỹ thuật cũ, bởi không có trang thiết bị, vật tư y tế.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, các máy móc được đầu tư hàng chục tỷ đồng hiện đang nằm "đắp chiếu". 

Đành rằng, năm 2021, vì dịch bệnh, sự chững lại của các hoạt động y tế nói chung là điều có thể chấp nhận. Nhưng năm 2022 này, khi cuộc sống đã bình thường trở lại, nhiều ngành nghề đã và đang phục hồi, chỉ riêng ngành y tế vẫn “đứng yên”, loay hoay trong sự thiếu thốn đủ bề…

Năm 2022 cũng đánh dấu sự “đổ vỡ” của mô hình tự chủ - đã từng được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thay đổi cho các bệnh viện công. Chưa có bài học kinh nghiệm nào được rút ra để trả lời cho câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục thực hiện tự chủ tại các bệnh viện công lập – nơi được xác định chuyên cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn khám chữa bệnh? Nếu thực hiện thì theo cơ chế nào để đảm bảo sự cân bằng giữa tự chủ với việc thực hiện trách nhiệm xã hội và công bằng trong khám chữa bệnh?

Nhưng, đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này:

Sau 2 năm thực hiện thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện, đề xuất thực hiện theo Nghị định 60 - Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).
Tiếp sau Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K cũng xin dừng tự chủ toàn diện.

Và, cũng có ý kiến cho rằng: Xác công – hồn tư, cách thức vận hành này đang được cho là nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng của ngành Y.

Ngoài thuốc, trang thiết bị, năm 2022, một mắt xích quan trọng để vận hành hệ thống y tế cũng bị “đứt gãy”. 2022 đánh dấu số cán bộ nghỉ việc hoặc rời bệnh viện công nhiều nhất trong lịch sử.

Sau 2 năm chống dịch, giữa lằn ranh sinh tử, gần 10.000 nhân viên y tế dứt áo ra đi - họ cảm thấy mệt mỏi hay còn có những lý do nào khác?

10.000 nhân viên y tế thôi việc tại các bệnh viện công là con số kỷ lục trong lịch sử ngành y. Họ - những y bác sĩ đã không thể gồng mình mãi được, đã không thể nhẫn nại với “những lời hứa chưa biết khi nào thực hiện”.

Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết đoán: Phải giải quyết “dứt điểm” tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế đang cấp bách hiện nay bằng sự minh bạch và khả thi. Tránh tâm lý e ngại.

Nhưng sự đốc thúc này vẫn không mấy tác dụng khi tâm lý dè dặt vẫn bao trùm ngành y.

Và những khó khăn vẫn còn đó…

Một hệ thống y tế quốc gia thiếu thuốc, thiếu thiết bị khám chữa bệnh sẽ là một thảm họa y tế diện rộng với những bệnh nhân đang chữa trị và những người có khả năng phát bệnh tương lai gần.

Phóng sự: Bệnh nhân mệt mỏi chờ xạ trị

Bệnh nhân chờ được cứu, bác sĩ chờ máy, chờ cả cơ chế tiền lương và chế độ đãi ngộ, bởi người làm nhiệm vụ an sinh cũng cần an sinh.

Mô phỏng một cách tượng hình nhất về ngành Y năm 2022 có thể dùng hình ảnh những mảnh ghép, thuốc – trang thiết bị - nhân lực bị đứt gãy. Nhưng khủng hoảng lần này cũng là cơ hội để sự thay đổi tốt hơn được bắt đầu.

Những vấn đề của ngành Y trong năm 2022 tuy chưa được giải quyết triệt để, nhưng đã có những nhìn nhận thấu đáo. Vì thế, năm 2023 hy vọng sẽ là năm quan trọng cho những quyết sách đúng đắn, quyết liệt, giải quyết căn bản các vấn đề của ngành, để bức tranh y tế bớt đi những gam màu tối.

Quan trọng hơn, để người bệnh không còn phải khổ vì sự lòng vòng của những viên thuốc, trang thiết bị liên quan đến những vướng mắc của cơ chế chính sách và để các y bác sĩ tận tâm cống hiến với nghề.