Nữ bác sĩ nhỏ nhắn Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đi qua nhiều mặt trận điều trị Covid-19 khốc liệt từ Bình Thuận, Gia Lai…, đã chiến đấu với virus SARS-CoV-2 khi điều trị cho hai cha con người Trung Quốc mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng, một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm như chị đã có lúc phải bật khóc, lặng lẽ viết nên những câu thơ tựa như viết cho mình và để an ủi chính mình: "Em hãy nhìn họ đi mà cố lên một xíu; Nước mắt rơi nhiều...ướt đẫm gối nhà thương; Cái níu tay cuối cùng...thật lòng đau như cắt…"

Tháng 7/2021 Bệnh viện Chợ Rẫy rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19. Bốn khu điều trị được mở rộng với sức chứa 300 bệnh nhân vẫn không đáp ứng nổi. Hàng dài bệnh nhân nằm la liệt, thoi thóp vì không đủ oxy nuôi cơ thể. Những tiếng la hét, cầu cứu chạy dọc hành lang khắc sâu thêm nỗi sợ hãi.

Trong khu điều trị bệnh nhân nặng có những gia đình lần lượt chứng kiến từng người ra đi trong thời gian rất nhanh. “2 vợ chồng, người nằm ở tầng 2, người nằm ở tầng 3, mất cùng một ngày, cách nhau có vài tiếng và đó là ba mẹ của đồng nghiệp tôi”. Có nhiều bệnh nhân, khi họ trút hơi thở cuối cùng, chỉ có chúng tôi - các y, bác sĩ là người bên cạnh duy nhất, chứng kiến những biến cố cuối cùng trong cuộc đời họ. Đó là sang chấn lớn với nhân viên y tế...

 “Cái níu tay cuối cùng...thật lòng đau như cắt                         

Có bao người sinh tử giã từ nhau?

Họ rời nhà vào đây, chỉ có ta bên cạnh

Người vuốt mắt cuối cùng chẳng một chút thân quen

Một cái ôm cách hàng bao lớp áo

Một ánh nhìn trao gửi chút niềm tin

Xót lòng tôi...”

Những câu thơ tựa như nỗi lòng chị trước sự nghiệt ngã của thực tại, trước nỗi đau của sự chia ly giữa những con người chưa từng quen biết…

Níu được mỗi sinh mệnh cho cuộc đời này, dù đó chỉ là những người xa lạ, luôn khiến chị và đồng nghiệp quên đi mệt mỏi mà vững tâm bước tiếp.

Trong cuộc chiến nhiều nước mắt những tháng ngày qua, bác sĩ Thơ luôn có những niềm riêng để làm động lực cho sự vực dậy. Đó là sự nhiệt huyết của "đội rồng" (tên gọi thân thương chị đặt cho nhóm hồi sức cấp cứu), là sự lăn xả của đồng đội, là sự không quản ngại gian khó, chấp nhận hy sinh của bất kỳ ai xung phong lên tuyến đầu, là những cố gắng giấu nỗi đau của mỗi y bác sĩ.

Sự kiên nhẫn, yêu thương bằng cả trái tim của những đồng đội là năng lượng tích cực để bác sĩ Thơ có thêm niềm tin và bản lĩnh vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Đây không phải là một câu hỏi mà là lời tự răn bản thân của bác sĩ CKII Huỳnh Văn Bình - Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức, BV Nhân dân Gia Định trong suốt 8 tháng tham gia chống dịch vừa qua.

Đầu tháng 7/2021, thời điểm Sài Gòn ở đỉnh dịch, bác sĩ Huỳnh Văn Bình được Sở Y tế điều chuyển làm trưởng khoa 8A tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường ở cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu. Là bệnh viện tuyến cuối, tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch, “làm sao có thể tiếp nhận hết bệnh nhân, làm sao có thể cứu được nhiều người bệnh” luôn là câu hỏi ám ảnh anh và các đồng nghiệp.

BS Huỳnh Văn Bình còn nhớ bệnh nhân đầu tiên điều trị tại khoa 8A do anh phụ trách. Bà tên là Kim Liêng, 74 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhập viện trong tình trạng hôn mê phải can thiệp thở máy. “Ở thời điểm đó, những bệnh nhân trên 60 tuổi mắc Covid cơ may mong manh lắm. Mình điều trị mà thấy đường về mù mịt quá”. Thế nhưng bác sĩ Bình không bỏ cuộc, anh cùng đồng nghiệp đã động viên nhau, áp dụng mọi biện pháp hy vọng sẽ thấy ánh sáng ở cuối con đường. Sau gần 1 tháng giành giật, bệnh nhân Liêng đã được xuất viện với những giọt nước mắt hạnh phúc không chỉ của gia đình mà còn của cả các y, bác sỹ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, bác sĩ Huỳnh Văn Bình lại tiếp nhận phụ trách khoa ICU của Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16. Công việc bận rộn gần như 24/24h nhưng chưa bao giờ đồng nghiệp thấy anh than phiền. Anh tự hào nói rằng “mình rất yêu công việc của mình, phải nói là đam mê…”

“Mỗi lần nhìn những đồng đội ướt sũng mồ hôi, đôi mắt thâm quầng, nét mặt tái nhợt sau những giờ chiến đấu trong bộ đồ vũ trụ. Mỗi lần nhìn thấy tin hội chẩn từ các đồng nghiệp gần xa, trái tim như bóp chặt, không còn tâm trương hay tâm thu...”

Là người con của Sài Gòn, lần đầu tiên anh chứng kiến Sài Gòn bị bạo bệnh. Một Sài Gòn tang thương, vắng lặng đến đáng sợ. Thời điểm đỉnh dịch tầm tháng 8 tháng 9, khi số bệnh nhân tử vong quá nhiều, có đôi lúc anh rơi vào trạng thái hụt hẫng, suy sụp.

“Mình giấu, không dám để cho anh em đồng đội thấy. Có nhiều bữa các bạn đột ngột hỏi sao hôm nay thấy anh Bình có vẻ buồn buồn, lúc đó mình phải quay đi chỗ khác để nói chứ mà nhìn thẳng mặt các bạn thì sẽ khóc trước mặt họ.”

Con người mà, ai chả có lúc yếu đuối! Nhưng nếu anh yếu đuối thì ai sẽ là chỗ dựa cho anh em? Ai sẽ dẫn dắt anh em hoàn thành sứ mệnh được giao?

Thế là bao cảm xúc được anh thu lại, cất vào một góc trong trái tim mình. Kể cả khi anh nghe tin gia đình có hơn chục người đều mắc Covid-19.

“Mẹ mình bị huyết áp với hen phế quản nên mình cũng lo lắm. Nhưng chủ yếu là mẹ nhắn tin cho mình vì mình không có thời gian rảnh nhiều. Hàng ngày sáng mẹ sẽ nhắn huyết áp mẹ thế này, tối mẹ nhắn huyết áp mẹ vậy đó để mình yên tâm công tác”.

Mãi đến giữa tháng 2 vừa rồi anh mới được về nhà nghỉ ngơi thăm gia đình. Và đến bây giờ anh cũng mới có thời gian nhìn lại những gì đã trải qua và suy ngẫm về sứ mệnh thiêng liêng mà anh đang theo đuổi.

Gần 2 năm qua, chống dịch Covid-19 đã trở thành một phần công việc trong lịch trình của TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bỏng quốc gia. Sáng ngày 23 tháng 8 năm 2021, anh dẫn đầu đoàn cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) gồm 40 người lên đường vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Với bác sĩ Tuấn, đó là quãng thời gian khốc liệt và cũng đáng tự hào nhất trong cuộc đời làm nghề y của mình.

Bác sĩ Tuấn được phân công phụ trách Tổ quân y cơ động 316 ở phường 1, quận 8 - vùng đỏ của TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Khi ấy, người dân tiêm ngừa vaccine Covid-19 rất ít, người phải đi cấp cứu vì bệnh trở nặng thì nhiều trong khi lực lượng y tế lại mỏng, cường độ làm việc vô cùng căng thẳng.

Tổ quân y cơ động 316 của bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn chỉ có 3 người (1 bác sĩ và 2 học viên) nhưng phải quản lý 1.000 F0. Công việc thì nhiều không kể xiết, đi phát tờ rơi, phát thuốc, cấp cứu bệnh nhân, tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, thậm chí thay người nhà bệnh nhân đi mua thuốc…

“Là người lính bộ đội Cụ Hồ chúng tôi xác định phải vượt qua mọi thử thách, vững tin giúp đỡ được nhiều người dân hơn nữa để cùng vượt qua khó khăn".

Trong những ngày tháng ở tâm dịch, có những người từ xa lạ, chẳng thân quen đã đã trở nên thật gần gũi. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng.Trong nhà chị lúc đó có 3 người đều nhiễm virus SARS-CoV-2, bản thân chị lại mắc thêm bệnh đái tháo đường nên bệnh tình của chị nặng nhất khu phố, 6 lần phải cấp cứu ôxy.

“Không có bác sĩ Tuấn tôi không biết bây giờ mình còn sống được không, lúc đó tuyệt vọng lắm. Mỗi ngày được trò chuyện video call với bác sĩ tôi vững tin hơn và đã chiến thắng."

Ngày rời TP.Hồ Chí Minh dù chưa kịp nói lời chia tay với những người bạn mới quen, nhưng những dòng tin nhắn cảm ơn, hẹn ngày được hội ngộ trên zalo, facebook... là món quà vô giá đối với bác sĩ Tuấn.

Từ kinh nghiệm chống dịch tại TP. HCM sau khi về Hà Nội, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đã thành lập "Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà" với mục tiêu là làm sao mỗi F0 được theo dõi điều trị tốt nhất.

Nhóm đã thu hút được hơn 100 bác sĩ tham gia hỗ trợ và hàng ngàn lượt theo dõi mỗi ngày.

Hiện nay, tuy không còn trực tiếp ở nơi tuyến đầu, nhưng dịch Covid-19 chưa kết thúc và bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn vẫn đang làm theo mệnh lệnh từ trái tim mình: “nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi nhân dân cần đến”.

Nếu lấy trải nghiệm hiện tại để nhìn về quá khứ có thể nhiều người thấy những điều đã qua thật dễ dàng. Nhưng với người trong cuộc như bác sỹ Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) thì lại khác.

Tháng 5/2021, chưa một công nhân, người dân nào được tiêm vaccine Covid-19 thì mỗi ngày hàng trăm ca nhiễm mới đã biến Việt Yên trở thành “chảo lửa”. Hàng loạt các khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên, Đình Trám trở thành tâm dịch.

“Khẩn trương lên! Trong đêm nay phải đưa hết công nhân trọ ở Núi Hiểu ra ngoài. Chị có nhanh đến chở họ đi viện không, nhỡ chết ở đấy thì chị xuống đất mà đưa người ta đi nhé… Đầu tôi như bị đổ nham thạch”.

3 giờ sáng, hàng chục cuộc điện thoại cầu cứu đến cấp trên không có hồi đáp và ánh mắt của 15 bệnh nhân trên 3 chiếc xe cấp cứu hướng về chị. Đêm đó, họ phải quay đầu về lại Trung tâm y tế vì tuyến trên không còn một chỗ trống.

Chị cũng nhớ chuyện của 1 gia đình công nhân, mẹ nhiễm bệnh đi điều trị trước, sau đó đến lượt bố. Hôm di chuyển đi cách ly, hai cha con giằng co, vật nài xin được đi cùng nhau vì không còn ai chăm sóc đứa nhỏ 4 tuổi. Gửi về quê cho ông bà thì địa phương nơi đó không đồng ý vì sợ lây lan dịch.

“Giá như mọi người bắt tôi gánh một bao gạo 50 kg. Hôm nay tôi không gánh được thì ngày mai, ngày kia, mỗi ngày tôi cố gắng chút một nhưng tôi còn nhìn thấy đích. Còn đây, toàn những việc không có phương án giải quyết, bất lực. Dịch xảy ra nhanh quá, dữ dội quá, không ai có sự chuẩn bị, tất cả đều rối bời”.

3 tháng chống dịch là rất nhiều những câu chuyện mặn chát mồ hôi, dâng trào nước mắt như thế. Nhưng ngay cả thời điểm đó và cho đến tận bây giờ, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Anh cũng chưa bao giờ đặt câu hỏi vì sao, động lực nào khiến mình lăn xả như thế.

Hơn 30 năm làm công tác phòng chống dịch ở cơ sở, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Anh coi đây là “trận đánh” cuối cùng của mình vì nhân dân, còn vinh quang xin để lại phía sau….