Chưa bao giờ, số ca nhiễm mỗi ngày lên đến con số hàng vạn nhưng điều đó đã xảy ra. Hệ số lây lan khủng khiếp đến mức ngành y không còn hoặc nói đúng hơn là không thể kiên trì với biện pháp truy vết - vốn được cho là chìa khóa thành công trong các đợt dịch trước.

Không chỉ gây tử vong ở người cao tuổi, có bệnh lý nền, biến chủng Delta đã làm suy yếu rất nhanh cả những cơ thể khỏe mạnh và trẻ em.

Một hệ thống y tế vững vàng trải qua 3 đợt dịch trước đó, nhưng chỉ trong chưa đầy một tháng dịch bùng phát, tất cả các bệnh viện tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam quá tải và lâm vào thế bị động.

Không ai có thể nghĩ một thành phố năng động, nhộn nhịp bậc nhất như TP.HCM lại “đứng im” suốt 4 tháng. Không ai có thể quen với điều này nhưng chúng ta đã buộc phải chấp nhận.

Lần đầu tiên, hơn 16.000 chuyên gia, y bác sĩ cùng hàng trăm tấn trang thiết bị hiện đại được Bộ Y tế huy động vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam để chống dịch Covid-19.

Số F0 vượt quá khả năng tiếp nhận của các cơ sở y tế, lần đầu tiên Bộ Y tế cho phép chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Từ đây, mô hình trạm y tế lưu động, gói thuốc F0, trạm cung cấp oxy lưu động, mạng lưới bác sỹ đồng hành tư vấn từ xa được ra đời.

Mô hình điều trị được chuyển từ 5 tầng xuống 3 tầng với quyết tâm giảm bằng được tỷ lệ tử vong luôn ở mức giới hạn cao nhất thế giới.

3 bệnh viện dã chiến, 12 trung tâm hồi sức tích cực được “thần tốc” xây dựng để đáp ứng mức độ khẩn cấp của dịch bệnh.

Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19. (Video ghi tại ICU tại Bệnh viện dã chiến 13, TP.HCM)

Để khống chế dịch Covid-19, các biện pháp y tế và cả phi y tế đồng loạt được áp dụng. Nhưng biến chủng Delta được ví như một con “quái vật”. Mức độ lây lan và sức phá hủy của nó vượt ra khỏi cả những dự báo, tính toán của các nhà dịch tễ.

Chúng ta không mô tả thêm về cái chết nhưng không được phép quên những tháng ngày "đau thương đủ cho cả một đời người".

Đối mặt với loại virus không thể nhìn bằng mắt thường, cũng giống như cuộc chiến mà ta ở chỗ sáng, còn địch trong bóng tối, không hề dễ dàng. Đã có lúc chúng ta lúng túng, rối ren... Đó là điều có thể hiểu. Bởi ngay cả ở các nước phát triển, với hệ thống y tế hiện đại, quản trị xã hội tiên tiến cũng phải lao đao vì Covid-19.

Làm thế nào giảm được sự lây nhiễm, hạ tỷ lệ tử vong, để thoát khỏi cơn khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua? Câu trả lời là: Vaccine.

Ý chí một lòng nhưng nguồn vaccine ở đâu khi toàn cầu đều đang khan hiếm? Thời điểm phát động chiến dịch tiêm chủng, cả nước mới có gần 4 trên tổng số 170 triệu liều vaccine cần phải có.

Đây là hai giải pháp then chốt giúp nước ta chỉ trong một thời gian ngắn có được 170 triệu liều vaccine, đưa một quốc gia đã từng có độ trễ nhất định trong kế hoạch tiếp cận vaccine trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tiêm chủng, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.

TP.HCM - tâm dịch của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được Chính phủ ưu tiên cung ứng một lượng lớn vaccine. Thành phố đã dồn tổng lực để làm nên chiến dịch tiêm chủng “thần tốc”.

TP.HCM thiết lập 2.000 điểm tiêm, mỗi ngày tiêm từ 200-300 nghìn liều. Các trường học, nhà máy, xí nghiệp đều xung phong làm điểm tiêm chủng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM chia sẻ.

Để chấm dứt đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, cần ít nhất 40% dân số tất cả quốc gia trên thế giới được tiêm đủ liều vaccine vào cuối năm 2021, 70% dân số vào giữa năm 2022. Việt Nam đã vượt mục tiêu này. Một điểm sáng quý giá trong bức tranh chung về một năm có quá nhiều mất mát do đại dịch Covid-19.

Việc ra đời Nghị quyết 128 trong bối cảnh không thể Zero Covid-19 được đánh giá là đúng và trúng. Nghị quyết là kim chỉ nam để chúng ta vừa khôi phục kinh tế vừa chống dịch một cách linh hoạt, tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức.

Nước ta phải làm chủ được hai việc. Đầu tiên là vaccine. Nếu còn phụ thuộc vào nước ngoài thì vẫn còn rất rủi ro. Việc thứ hai là thuốc điều trị. Chúng ta cần cố gắng tiếp cận nhanh”, ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Chưa bao giờ danh sách y bác sĩ xin nghỉ việc lại dài như năm 2021. Có lẽ, cũng không dễ để họ - những người đã có nhiều ngày vắt kiệt sức mình ở nơi tâm dịch đặt bút ký vào đơn dứt áo ra đi. Phía sau những lá đơn ấy là nhiều trăn trở: lương, phụ cấp đãi ngộ… những bất cập đã tồn tại từ nhiều năm nay. Dịch Covid-19 là một cú hích để họ đi đến quyết định cuối cùng.

Thực tế này đòi hỏi ngành y phải nhanh chóng có giải pháp để khắc phục tình trạng này - nhất là khi dịch Covid-19 mới chỉ được dự báo CÓ THỂ kết thúc năm 2022. Nhưng với SARS-CoV-2 và biến thể của nó, không thể nói trước được điều gì. Cần một sự chuẩn bị chắc chắn để lịch sử không lặp lại.

Cùng với những mất mát, đau thương do dịch Covid-19 gây ra, năm 2021 cũng là một năm “khó có thể quên” đối với ngành y. Là năm đầu tiên nhiều vụ việc tiêu cực trong ngành y được phanh phui, nhiều lãnh đạo, cán bộ ngành y bị khởi tố vì liên quan đến những vụ án lớn, gây bất bình và mất niềm tin trong nhân dân.

Đã có ít nhất 25 người là cán bộ, lãnh đạo ngành y bị khởi tố, bắt tạm giam.

Chưa hết, ngành y khép lại năm 2021 bằng một vụ việc gây rúng động dư luận về giá và chất lượng test kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Những lùm xùm, thiệt hại và số cán bộ bị tạm giam chắc chắn chưa dừng ở CDC Hải Dương.