Những ngày qua, chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc tinh gọn bộ máy thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW do Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất và mới đây nhất, ngày 25/11, Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII đã họp xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Hơn ai hết, người dân chính là những người phải đóng thuế để nuôi bộ máy quản lý của hệ thống chính trị, nhưng họ cũng lại là người “chịu trận”, vì bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chức năng quyền hạn, nhiệm vụ chồng chéo, không đồng bộ khiến cho các hoạt động trì trệ, chậm chạp, là kẽ hở cho các tệ nạn tham nhũng, hối lộ, làm khó cho các các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết các vấn đề hành chính, luật pháp …. Cuối cùng là làm chậm tiến độ phát triển của đất nước, làm mất đi nhiều cơ hội phát triển hội nhập của cả quốc gia.
Không phải bây giờ chúng ta mới nhận thấy tác hại của việc “lạm phát” biên chế, bộ máy cồng kềnh. Thế nhưng, sau nhiều đợt cải cách, tinh gọn, tinh giảm biên chế, bộ máy hành chính ngày càng phình to, trong khi ngân sách nhà nước có hạn, nếu chi quá nhiều cho việc trả lương cho cán bộ công chức, viên chức hành chính sự nghiệp đồng nghĩa với việc giảm ngân sách chi cho đầu tư phát triển y tế, giáo dục, hạ tầng cơ sở…. dẫn tới tình trạng đất nước khó mà phát triển bứt phá, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều cơ quan Nhà nước là luôn có những người làm không hết việc, song cũng lại có không ít người không làm gì mà vẫn được hưởng lương, hưởng chế độ bình thường, bởi họ là người nằm trong biên chế, không vi phạm gì dẫn đến bị kỷ luật hoặc buộc thôi việc. Chính vì vậy, vô hình trung đã tạo ra môi trường lao động thiếu công bằng, người có năng lực lâu dần cũng trở nên trì trệ, khó khích lệ sự sáng tạo, cống hiến. Với chủ trương tinh gọn để tinh giảm biên chế lần này kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập ấy.
Việc tinh gọn bộ máy quản lý các cấp, giảm biên chế là việc cần làm ngay nhằm sàng lọc cán bộ, chỉ giữ lại những người thực sự có năng lực, đạo đức, liêm chính, chí công, vô tư, đưa những người không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm ra khỏi đội ngũ công chức, viên chức… Đây là cơ hội chuẩn hóa nguồn nhân lực và thực hiện công bằng xã hội, điều mà người dân ai cũng mong muốn.
Tinh giảm bộ máy cũng là để trả mỗi người về đúng vị trí và năng lực của họ. Và như một lẽ tự nhiên, mọi người “ai cùng có chỗ đứng dưới ánh mặt trời", ai cũng có một năng lực riêng và phù hợp với một vị trí việc làm nhất định đúng người, đúng việc.
Nhưng để cuộc cách mạng tinh gọn thành công cần thật khách quan, minh bạch, triệt để tránh tình trạng “xin – cho” “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ”, trung ương làm trước không chờ cấp dưới, tương tự ở các địa phương cũng vậy. Khi đã thực hiện tinh giảm rồi thì việc giám sát, lấy phiếu tín nhiệm vẫn cần thực hiện thường xuyên để những người lãnh đạo không lợi dụng việc tập trung quyền lực, đưa ra các quyết định, giải quyết các yêu cầu, phục vụ người dân một cách công bằng, minh bạch và bình đẳng.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là việc làm cấp thiết, vì vậy rất cần sự gương mẫu, dũng cảm, thậm chí là hy sinh lợi ích cá nhân của mỗi lãnh đạo, quản lý, cũng như cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trực tiếp bị ảnh hưởng… Tất cả vì mục đích chung, quyền lợi chung của cả cộng đồng, dân tộc, vì sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình./..