Muôn kiểu lừa đảo người cao tuổi
Cả ngày rảnh rỗi, chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng Facebook là người bạn thân thiết gắn bó với bác Tuyết Thoa ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong một lần vô tình lướt mạng, bác bị thu hút ngay bởi những lời chào mời công dụng tuyệt vời của một chiếc vòng đeo tay. Chả ngần ngại đầu tư cho sức khoẻ, bác đã chi hơn 3 triệu đồng để mua món đồ mà mình tin tưởng là thực sự tốt đó. Nhưng chuyển tiền xong, hàng và người đều biến mất, bác Thoa mới biết mình đã bị lừa.
Đau đầu vì bố quá tin người khiến bị mất tiền oan hết lần đến lần khác là câu chuyện tương tự của gia đình chị Bình Phương ở Thanh Xuân, Hà Nội. Thấy bố có nhu cầu trò chuyện, kết nối với họ hàng, bạn bè ở xa nên chị Phương đã đầu tư cho bố một chiếc điện thoại thông minh và wifi đầy đủ. Nhưng cũng từ đó đã xảy ra không ít chuyện.
“Bố mình cầm quyển số tiết kiệm ra ngân hàng rút rồi chuyển cho một người cháu vay 35 triệu để sửa nhà. Nhưng lúc đó ông không hề biết đã chuyển tiền cho kẻ xấu vì facebook người cháu kia đã bị hack. Dịp trước Tết vừa rồi ông còn ấn vào một quảng cáo nhận quà lì xì, rồi cứ thế làm theo hướng dẫn. Vụ đó cũng mất 300.000 – 400.000đ.”, chị Phương kể lại.
Không chỉ bị lừa tiền trăm, tiền triệu, trong thời gian vừa qua, nhiều người cao tuổi còn bị lừa số tiền lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Bà N ở xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương bị kẻ lạ mặt giả mạo công an mời kết bạn qua Zalo và thông báo bà thuộc diện nghi vấn trong đường dây buôn người sang nước ngoài, buôn bán ma túy. Sợ hại và tin thật, bà N đã chuyển cho kẻ xấu 195 triệu đồng để giúp bà tại ngoại.
Với thủ đoạn tương tự, trước đó, cũng tại Hải Dương, một người cao tuổi khác đã bị các đối tượng lừa đảo giăng bẫy khiến bà đến ngân hàng mở tài khoản và nộp vào đó hơn 1,8 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị kẻ xấu chiếm đoạt.
Theo ông Nguyễn Phú Lương, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng Quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên không gian mạng đang có một số hình thức lừa đảo tài chính nhắm vào những người cao tuổi như giới thiệu combo du lịch giá rẻ; sử dụng công nghệ cao deepfake để giả mạo là con cháu, người thân để lừa đảo người cao tuổi; lừa đảo liên quan đến nhận quà trúng thưởng, khuyến mãi; lừa đảo liên quan đến biên lai chuyển tiền trên không gian mạng; lừa đảo dẫn dụ người cao tuổi vào những hình thức đầu tư; giả mạo một số cơ quan chức năng gọi điện lừa đảo.
Con cháu trong gia đình nên hỗ trợ người cao tuổi sử dụng mạng an toàn
Ông Nguyễn Phú Lương cho biết, có nhiều cách để dẫn dụ người già như qua tiếp cận, qua nói chuyện để tạo dựng niềm tin, đồng thời sử dụng những thông tin hình ảnh mang tính chất tin cậy cao khiến cho người già bị mất cảnh giác.
Hiện nay, nhiều người cao tuổi đang thiếu khá nhiều kỹ năng trên Internet và có xu hướng giấu con cháu khi bị lừa đảo trực tuyến. Kẻ xấu đã lợi dung tâm lý này và chúng cũng thường nhắm đến những người đang có một khoản tài chính tích lũy cố định.
Trước các chiêu trò lừa đảo tài chính người cao tuổi trên mạng, ông Lương khuyến cáo, người cao tuổi phải luôn cẩn thận và phải kiểm tra, kiểm chứng mọi thông tin. Khi gặp bất kỳ một vấn đề gì vướng mắc hãy chia sẻ với con cháu vì những người trẻ thường đã có những kiến thức và những kỹ năng sử dụng Internet.
Ngoài ra, người cao tuổi nên thường xuyên để ý những thông tin từ ti vi, báo đài, những cơ quan truyền thông chính thống để có thể cập nhật được những hình thức lừa đảo mới nhất đang được các đối tượng sử dụng để lừa đảo trực tuyến.
Đối với những người trẻ trong gia đình hãy thường xuyên hỗ trợ việc sử dụng điện thoại, Internet, những thiết bị thông minh của người cao tuổi, để ý xem có gì bất thường hay không để có thể giúp đỡ được những người cao tuổi sớm nhất, tốt nhất.
Nghe bài viết tại đây: