Lương y Nguyễn Hữu Gián hiện là Chủ tịch Hội Đông y huyện Hoài Đức, Ủy viên Ban chấp hành Hội Đông y TP.Hà Nội. Nhắc đến ông, từ người bệnh, đồng nghiệp cho đến học trò, ai nấy đều quý trọng bởi ông không chỉ giỏi nghề, hết lòng với người bệnh mà còn luôn tận tâm truyền dạy nghề y cho thế hệ trẻ.

Lương y Nguyễn Hữu Gián cho biết, ông may mắn được sinh ra trong gia đình có nghề y gia truyền. Ngay từ nhỏ, ông đã được ông nội, ông ngoại và cha truyền thụ kiến thức và tình yêu với nghề y. “Từ lúc 17 tuổi, tôi đã thường xuyên nằm gối đầu lên chân của bố, nghe ông ngoại giảng các bài thuốc cho bố. Đến giờ, người thầy lớn nhất của tôi vẫn là ông ngoại, ông nội và bố”, ông Gián tâm sự.

Với vốn kiến thức nhất định về y học cổ truyền nên khi nhập ngũ, ông được cử đi học về tây y để tham gia vào việc chăm sóc, chữa trị cho bộ đội ta. Tuy nhiên, khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê hương, ông lại nối nghiệp cha với nghề y học cổ truyền. “Tôi học tây y về, bố nói với tôi học được tây y thì quý rồi. Tuy nhiên, con cần học cả đông y nữa”, ông Gián nhớ lại.

Kể từ đó, ông Gián chú tâm vào học đông y từ cha, ông nội và ông ngoại. Ông chia sẻ, có những lời dạy đến giờ ông vẫn nhớ như in và áp dụng trong suốt quá trình làm nghề. Đặc biệt, ông luôn khắc ghi và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những người làm nghề y. “Tôi nhớ nhất câu nói của bác Hồ ‘Lương y như từ mẫu’. Trong đời làm nghề, tôi luôn cố gắng điều chỉnh hành vi của mình để làm sao tốt nhất cho bệnh nhân. Trong nghề y có 3 yếu tố phải làm thật tốt là y đức, y đạo và y thuật”, ông Gián chia sẻ.

Không ngừng học tập, ông Gián đã trở thành lương y giỏi, nhất là về bắt mạnh. Ông cho biết, trong y học cổ truyền có 4 phương pháp khám bệnh là: vọng, văn, vấn, thiết (tức là nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch). Trong đó, phần thiết là quan trọng nhất, quyết định cho việc chẩn đoán 3 phần còn lại. Với khả năng trời phú về bắt mạch, ông đã khám, chẩn và chữa trị thành công cho nhiều người bệnh ở các vùng miền.

Lấy sự phục hồi của người bệnh làm niềm vui nên càng giúp cho nhiều người khỏi bệnh, ông càng say mê tìm tòi, học hỏi. Chính vì thế, có những trường hợp dù đã khám và chữa khỏi bệnh cho họ hàng chục năm nhưng ông vẫn nhớ rất rõ. “Có một bệnh nhân nữ, tầm 30 tuổi vẫn còn độc thân. Bệnh nhân từng thăm khám 2 thầy lang nhưng đều không được chẩn đúng triệu chứng. Sau gặp tôi, tôi gọi đúng 2 triệu chứng: buốt một bên đầu và tê chân, bệnh nhân bảo thầy nói đúng quá và xin đơn thuốc”, lương y Nguyễn Hữu Gián kể.

Không chỉ giúp cho nhiều người khỏi bệnh, cải thiện sức khỏe, suốt nhiều năm qua, lương y Nguyễn Hữu Gián còn truyền dạy cho các thế hệ học trò về y học cổ truyền. Trong đó, riêng về bắt mạch, ông đã đào tạo 5 lớp với hàng trăm học viên. Trong số học trò của ông, nhiều người đến từ các trường đào tạo về y khoa. Chị Lê Thị Thúy Hà là một trong số đó. Sau hơn 3 năm nay theo học, chị Hà cho rằng thầy Gián là chuyên gia hàng đầu về bắt mạch mà chị từng gặp. Tuy nhiên, lý do chị tìm đến và xin được làm học trò còn vì cái tâm, cái đức của ông. “Nghề này người ta hay dấu nghề lắm. Học thầy Gián, thầy rất nhiệt tình và không dấu nghề. Thầy dạy hết mình. Thầy cũng hay nói thẳng. Ai dễ tự ái thì không học được. Tôi đi học nhiều nơi nhưng chưa thấy ai như thầy”, chị Hà chia sẻ.

Trong y học cổ truyền, bắt mạch được đánh giá là khâu quan trọng, đồng thời là biện pháp chẩn bệnh có độ khó cao nhất. Tuy nhiên, theo Lương y Nguyễn Hữu Gián, các trường đào tạo về y học cổ truyền hiện chưa quan tâm đúng mức đến phương pháp này. Trăn trở về thực tế này nên dù tuổi cao ông vẫn miệt mài truyền dạy cho những người trẻ có nhu cầu lập thân lập nghiệp bằng nghề y học cổ truyền.

Nghe bài viết dưới đây: