Người cao tuổi rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn và cảm thấy bị cô lập với xã hội. Điều này có thể tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ, khiến người cao tuổi dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Dù sống cùng con cháu hay sống riêng, người cao tuổi luôn có mong muốn được gần gũi, được chia sè và nói chuyện với con cháu. Tuy nhiên, do thời gian sinh hoạt của con cháu trong gia đình khác nhau, nhiều khi việc ăn một bữa cơm tối cùng gia đình cũng rất khó khăn. Dù rất cảm thông và chia sẻ với con cháu nhưng nhiều khi bà Nguyễn Thị Hằng ở Thanh Xuân, Hà Nội vẫn mong chờ được nói chuyện và gặp gỡ mọi người trong gia đình nhiều hơn bởi vì bà sợ bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Dù con cháu luôn hiếu thuận và quan tâm đến cha mẹ nhưng đôi khi cách ứng xử của con cháu không tinh tế, không hiểu tâm lý người già nên dễ gây tổn thương đối với cha mẹ già, khiến họ cảm thấy cô đơn, không ai hiểu mình. Tuổi càng cao, sức khỏe người cao tuổi yếu dần, trí tuệ cũng không còn minh mẫn như trước, hơn nữa tâm lý và thói quen sinh hoạt cũng có nhiều sự thay đổi so với trước nên người già hay lo nghĩ hơn. Dù biết rằng như thế không nên nhưng bà Trần Thị Thanh vẫn cảm thấy mặc cảm khi ít được gặp con cháu. "Người già rất dễ tổn thương, nếu con cái suốt ngày bận rộn, không có thời gian thì người già rất dễ bị hụt hẫng ngay trong chính ngôi nhà của mình"- Bà Thanh chia sẻ.
Khi tuổi càng cao cơ thể càng nhanh bị lão hóa, sức khỏe người già cũng vì thế mà giảm sút nhanh chóng. Sự suy giảm về sức khỏe dẫn đến những thay đổi về tính cách nên cảm xúc của người cao tuổi có nhiều thay đổi bất thường. Người già thường dễ xúc động dù chỉ là những chuyện rất nhỏ nhặt nên rất dễ phát sinh mâu thuẫn với con cháu. Đây cũng là nguyên nhân tạo nên khoảng cách giữa người già và người trẻ. Chính vì thế, nhiều người cao tuổi mong muốn được con cháu quan tâm đến tâm lý và tình cảm chứ không chỉ là ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Theo ông Nguyễn Văn Thắng ở Đống Đa, Hà Nội, những người già như ông bây giờ không cần khẩu phần ăn thịnh soạn cũng không cần nhiều tiền bạc mà rất cần tình cảm của con cháu trong gia đình và sự đùm bọc quý mến của bà con hàng xóm.
Mặt khác, xã hội càng phát triển thì nhiều giá trị trong cuộc sống cũng đã thay đổi nên nhiều khi người già không thích ứng được khiến khoảng cách thế hệ ngày càng cách biệt hơn. Chính vì thế theo phân tích của tiến sỹ tâm lý Lý Thị Mai, con cháu cần đồng hành cùng các cụ trong cuộc sống vì đây là sự quan tâm hai chiều, con cháu sẽ thấy rằng có cha mẹ già là điều quý giá miễn làm sao mà người cao tuổi cũng phải ý thức được rằng mình cũng phải giúp đỡ con cháu, làm sao cho mình sống mạnh khỏe theo tuổi của mình và luôn luôn thấy mình là cây cao bóng cả trong gia đình, giúp đỡ con cháu thì sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, tự mình thấy mình luôn yêu đời.
Khi nói đến người cao tuổi, người ta thường nói đến cái tuổi được sum vầy bên con cháu nhưng khi về già, họ cũng có những nỗi cô đơn riêng mà không phải ai cũng hiểu. Nhiều người do không muốn làm phiền con cháu hay bất kỳ ai nên đã lựa chọn xu hướng sống một mình khi về già, học cách chấp nhận với sự cô đơn ở tuổi xế chiều. Tuy nhiên, vẫn có cách để giúp những người già cô đơn vượt qua sự tự ti và mặc cảm. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái cho biết, người cao tuổi rất cần sức khỏe về tinh thần, họ cần được sống vui đúng ý nghĩa của tuổi già tức là có bạn bè chuyện trò, có người lắng nghe, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng cũng như những vướng mắc trong cuộc sống hàng ngày. "Nếu được như thế sẽ đem lại cho người cao tuổi cuộc sống tuổi già thật ý nghĩa, đó là an hưởng tuổi già, sống vui - sống khỏe"- Bà Thanh nhấn mạnh.
Tâm lý người già thường rất phức tạp nên để giúp cha mẹ già có thể vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và nỗi sợ cô đơn thì con cháu cần quan tâm, động viên để cho các cụ cảm thấy mình luôn quan trọng và có giá trị đối với con cháu./.