Ông Đoàn Văn Khanh, 70 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn làm Giám đốc công ty TNHH Long Thuận- một doanh nghiệp chuyên chế biến trái bưởi và các sản phẩm từ bưởi, dừa sáp ra mặt hàng thực phẩm, dược phẩm phục vụ hữu ích cho cuộc sống. Qua hơn 20 năm gắn bó với ngành nghề này, ông Đoàn Văn Khanh đã nỗ lực đưa doanh nghiệp vượt qua bao khó khăn, thử thách, xây dựng thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thương trường. Doanh nghiệp Long Thuận hiện chế xuất ra gần 50 sản phẩm các loại có mặt khắp các siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc và còn xuất khẩu tiểu ngạch ra nước ngoài; trong đó điểm nhấn là các mặt hàng: tinh dầu hoa bưởi phòng trị bệnh rụng tóc, nước ép bưởi trị bệnh tiêu hóa, mỡ máu... rất được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, các sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền và các tiêu chuẩn quốc tế: CGMP-ASEAN, ISO 9001/2015.HACCP CODEX 2020... đã có mặt trên nhiều đại lý phân phối trên toàn quốc; trong đó có 12 sản phẩm đạt OCop 4 Sao, 5 sản phẩm OCop 3 Sao.

Ngoài việc sản xuất kinh doanh, vốn là lương y, ông Đoàn Văn Khanh còn xem mạch, bốc thuốc Nam giúp người dân trị bệnh thường gặp trong cuộc sống; thường xuyên quan tâm, hỗ trợ những đảng viên, cựu chiến binh, người dân nghèo trong cuộc sống; đóng góp tích cực cho hoạt động xây dựng Đảng bộ, chính quyền xã Song Thuận đạt trong sạch, vững mạnh. Với những nỗ lực của mình, đảng viên cao niên Đoàn Văn Khanh đã vinh dự nhận được hàng trăm giấy khen, bằng khen, kỉ niệm chương của các ngành, các cấp trao tặng.

Nổi bật như năm 2016, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng 01 Bằng khen; năm 2018, ông là nông dân đầu tiên trong cả nước vinh dự được trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền. Năm 2024 , ông Đoàn Văn Khanh được TW Hội Nông dân Việt Nam trao giải sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần X trong chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”. Ngoài ra, các tổ chức trong và ngoài nước cấp chứng nhận cho ông với danh hiệu: Doanh nhân ngàn năm Thăng Long, Vua bưởi. Đề cập đến “mặt trận” sản xuất kinh doanh.

Trồng cây ăn trái là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao của tỉnh Tiền Giang từ hàng chục năm qua. Trong mô hình này, cán bộ, đảng viên luôn làm nòng cốt, tiên phong theo tinh thần “đảng viên đi trước- làng nước theo sau”. Tiêu biểu là tấm gương lao động giỏi, chiến thắng đói nghèo lạc hậu của ông Lê Văn Thủy (65 tuổi) – một đảng viên cao tuổi tại ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, một nông dân sản xuất giỏi cấp toàn quốc. Ông Thủy hiện là chủ khu vườn rộng 1,8 ha đất trồng thanh long ruột trắng chuyên canh. Khu vườn của ông không chỉ có quy mô lớn ở địa phương mà còn rất "kiểu mẫu" trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, năng suất cao, có giá trị xuất khẩu được nhiều người học theo.

Ông Thủy cho biết, gia đình ông trước đây trồng lúa hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển qua trồng cây thanh long ruột trắng gần 30 năm qua. Từ năm 2012, được sự khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, ông bắt tay vào sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP rồi đến Global GAP theo hướng liên kết với Hợp tác xã Mỹ Tịnh An đưa trái thanh long xuất khẩu qua các thị trường khó tính. Nhờ siêng năng, cần cù trong lao động và biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên vườn thanh long của gia đình ông Thủy luôn đạt năng suất và chất lượng. Trung bình mỗi năm, vườn thanh long này được “xử lý” ra trái 3 vụ, cho năng suất từ 50-60 tấn trái.

Để trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP thành công, ông Thủy tuân thủ đúng quy trình bón phân, phun thuốc; tuyệt đối không sử dụng phân thuốc hóa học. Đặc biệt, ông còn tự ủ phân hữu cơ từ cá chết, phế phẩm cá để bón thường xuyên cho vườn cây. Vườn thanh long ông không trồng theo kiểu cho leo lên trụ xi măng mà thiết kế cho dây thanh long bò lên hàng rào bằng các thanh sắt. Mô hình này giúp cho thanh long có năng suất cao và ít dịch bệnh, nhất là kiểm soát được chứng bệnh đốm nâu. Từ mô hình trồng cây thanh long thương phẩm, gia đình ông Lê Văn Thủy đã trở nên khá giả với nguồn thu nhập mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng. Năm 2020, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích trong lao động sản xuất. Ngoài ra người nông dân này cũng được TW Hội Nông Dân Việt Nam, UBND tỉnh Tiền Giang tặng nhiều bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và thi đua lao động sản xuất.

Không chỉ lao động giỏi mà ông Lê Văn Thủy còn làm Chi hội trưởng, Chi hội Nông dân ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, rất tích cực với các hoạt động phong trào, công tác từ thiện xã hội tại địa phương như giúp nông dân nghèo khó, xây dựng cầu đường giao thông. Bản thân ông đã tự nguyện tham gia trên 30 lần hiến máu nhân đạo. Là đảng viên- nông dân ông luôn gương mẫu đi đầu các phong trào, hành động cách mạng, sát cánh cùng bà con nông dân hỗ trợ cùng nhau làm giàu.

Cận kề với Tiền Giang là tỉnh Bến Tre- một địa phương giàu truyền thống cách mạng rạng danh quê hương “Đồng khởi”. Phát huy tinh thần cách mạng kiên cường trong chiến tranh, ngày nay các thế hệ cán bộ, đảng viên xứ dừa luôn đi đầu trong mọi phong trào. Đặc biệt những đảng viên cao niên đã giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, hết mình, hết sức phụng sự nhân dân. Dù đã hưu trí, tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng những “ cây đa, cây đề” vẫn không chịu nghỉ ngơi, an nhàn mà tiếp tục tham gia hoạt động xã hội để góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương quyết tâm làm thay đổi diện mạo quê hương. Có nhiều cán bộ đảng viên là “cây đa, cây đề”, là lãnh đạo tỉnh sau khi hưu trí vẫn tiếp tục nhận công tác vẫn đảm nhiệm lãnh đạo các Hội, đoàn thể và ‘chiến đấu” đến khi “trí mòn, lực kiệt” được phong tặng danh hiệu Công dân Đồng khởi tiêu biểu ở xứ dừa, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, như: ông Huỳnh Văn Cam (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nguyên Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo và Người tàn tật tỉnh Bến Tre), ông Trịnh Văn Y (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre).

Hiện nay, có nhiều đảng viên cao niên, cán bộ hưu trí ở tỉnh Bến Tre vẫn tiếp tục gánh việc xã hội ở tuổi xế chiều như ông Nguyễn Quốc Bảo (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh), ông Trần Tuấn Anh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hiệp Hội Dừa Bến Tre). Cảm động nhất là tấm gương hết mình vì xã hội của ông Trần Công Ngữ (79 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hiện là Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre), dù tuổi cao, lại bị bệnh tai biến đi lại phải dùng gậy rất khó khăn, nhưng người cán bộ cao niên nay vẫn nhiệt tình với công tác của Hội. Ông Ngữ cho biết, tháng 12/2005 nghỉ hưu thì 9 ngày sau phải vào làm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre và một nhiệm kỳ qua là Chủ tịch Hội này. Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre do ông lãnh đạo, điều hành mỗi năm vận động được trên dưới 140 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để giúp đỡ hàng nghìn bệnh nhân, người dân nghèo, người tàn tật phẫu thuật tim, mắt, khám bệnh cấp thuốc miễn phí; nấu cơm từ thiện, bắc cầu, làm đường giao thông, tặng học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cứu trợ hộ khó khăn, tặng áo quan cho người nghèo khi qua đời… Công việc này đối với người đảng viên 55 năm tuổi Đảng rất nặng nề nhưng ông đã vượt qua và không hề than vãn.

Theo thống kê của Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện nay có hơn 13.000 người cao tuổi tham gia hệ thống chính trị, tổ chức xã hội cấp cơ sở; trong đó có gần 70% là đảng viên cao niên. Các đảng viên cao niên đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào hành động cách mạng tại địa phương là tấm gương sáng để quần chúng noi theo.

Còn rất nhiều, rất nhiều đảng viên “cây cao, bóng cả “ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn rất máu lửa trên mặt trận lao động sản xuất và công tác xã hội đã thể hiện vai trò” tuổi cao- gương sáng” vừa đóng góp xây dựng quê hương, đất nước vừa làm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Các đảng viên “cổ thụ” đã thực hiện tốt lời tuyên thệ khi đứng vào hàng ngũ của Đảng và thực hiện tốt các Quy định số 08 của Ban chấp hành Trung ương, Quy định số 55 của Bộ chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời luôn tỏa bóng mát, hương thơm, gần gũi, dìu dắt, làm gương cho thế hệ trẻ noi theo để tiếp tục sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp, vững vàng bước vào kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.

(Chu Trinh/VOV ĐBSCL)