Cách đây 70 năm, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta tạo nên một kỳ tích trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc - chiến thắng Điện Biên Phủ. Góp phần làm nên chiến thắng ấy, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành, quê ở tỉnh Quảng Ninh cũng như rất nhiều đồng đội đều bồi hồi, xúc động mỗi dịp tháng 5 về, nhất là khi trở lại chiến trường xưa.
Trời nắng chang chang nhưng khi đặt chân tới thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, ông vẫn muốn đến ngay Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 để thắp hương cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ông thổ lộ đã 70 năm trôi qua nhưng cứ mỗi dịp tháng 5 lịch sử, ký ức về những ngày chiến đấu tại mảnh đất Điện Biên lại ùa về. Đặc biệt, khi đặt chân tới nơi từng chiến đấu, được nhìn lại những hiện vật là các loại vũ khí được sử dụng trong cuộc chiến, ông càng bồi hồi. Với ông, cuộc chiến như vừa mới đi qua. Bởi mọi loại vũ khí đang được trưng bày tại đây, ông vẫn nhận diện chính xác cái nào của ta, cái nào của địch cũng như cách thức sử dụng. “Tôi biết hết các loại vũ khí đang trưng bày tại bảo tàng của Điện Biên. Có những loại súng ở đây quân Pháp không có mà chỉ ta mới có. Tất cả được trưng bày chung ở đây để thế hệ sau hiểu rõ hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ của ta”, ông chia sẻ.
Hạnh phúc xen lẫn nỗi bùi ngùi, thương nhớ là tâm trạng của cựu chiến binh Tạ Văn An, ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Biên khi gặp lại đồng đội, thăm lại những nơi đã diễn ra cuộc chiến sinh tử, với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” năm nào. Ông An cho biết, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở tuyến 2, Nà Tấu. Ông có nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Khi đó, gạo, rau, củ, quả… đều phải huy động từ dân bản. Trong điều kiện ngặt nghèo, vô cùng khó khăn, nhưng ông và đồng đội vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Đây là một trong những yếu tố khiến ông vỡ òa cảm xúc khi nghe tin chiến thắng. Bởi ông biết đó là chiến thắng của toàn quân, toàn dân ta, trong đó có đóng góp nhỏ bé của mình. “Khi biết tin chiến thắng, cảm xúc đầu tiên của tôi là vui, hạnh phúc. Sau đó, tôi được phân công đi thu chiến lợi phẩm về cho Nhà nước mình”, ông An nhớ lại.
Đã 70 năm trôi qua, cựu chiến binh Hoàng Quang Lộc cũng vẫn nhớ như in cảm xúc ngày chiến thắng. “Ngay trong chiều 7/5/1954, chúng tôi nhảy tót lên giao thông hào, được hít thở không khí trong lành, thật không có gì sướng bằng bởi trước đó là những tháng ngày nằm dưới hầm”, ông Lộc nhớ lại.
Ông Lộc cho biết, khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được biên chế ở sư đoàn 316, chiến đấu ở phía Đông Điện Biên, đồi C1, C2, A1. Lúc đó, ông cùng các đồng đội đào giao thông hào, sâu 1,7m, rộng 1,2m. Mỗi khi mưa xuống, giao thông hào ngập đến đầu gối. Bộ đội phải cắt ống quần để thuận tiện cho việc di chuyển. Cuộc sống rất gian khổ, chỗ nằm cũng chính là hầm ếch trú đạn. Trước khi nằm thì dùng que nứa, cạo bùn đất đi. Đúng như câu thơ của Tố Hữu “máu trộn bùn non”. “Điều kiện sống trong thời gian 56 ngày đêm chiến đấu thực sự cơ cực, thiếu thốn. Lời một bài thơ có đoạn mô tả về khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt thì quả đúng là như vậy”, ông Lộc chia sẻ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết dân tộc, tinh thần chiến đấu kiên cường, vượt qua mọi khó khăn của quân và dân ta. Chiến thắng này đã được ghi vào lịch sử Việt Nam như một trong những chiến công chói lọi nhất, như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Để viết nên trang sử ấy biết bao anh hùng, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh hay bỏ lại một phần xương máu trong chiến dịch. Đây cũng là điều thật dễ hiểu mỗi dịp tháng 5 lịch sử, những người trong cuộc lại bồi hồi, xúc động, nhất là khi trở lại chiến trường xưa.
Nghe bài viết dưới đây: