Nghe chương trình tại đây:
Mong đợi lớn nhất của mỗi người đó là sức khỏe và được sống cùng với người mình yêu, cùng già đi theo năm tháng. Còn gì hạnh phúc hơn khi được nương tựa vào người bạn đời, bớt đi sự nhờ vả con cái. Bà Nguyễn Thị Hà ở Hà Nam cho rằng, tình cảm vợ chồng già phải thắm thiết hơn xưa. "Cuộc sống cũng không còn mấy nỗi nữa, cho nên càng phải trân quý nhau, yêu nhau để sống trọn cuộc đời còn lại" - bà nói.
Ở tuổi ngoài 70, vợ chồng bà Hà vẫn làm ruộng và buôn bán nhỏ để có thêm thu nhập. Mỗi ngày của ông bà bắt đầu từ 5h sáng, đi bộ cùng nhau, nấu bữa ăn sáng cho con cháu đi làm, đi học rồi ông bà, người chuẩn bị bán hàng, người ra ruộng.
"Già hay trẻ thì cuộc sống bình thường giữa vợ chồng cũng phải có các vấn đề khúc mắc. Lúc đó ông nói thì bà thôi, lúc khác ngồi lại phân tích với nhau để hiểu nhau" - bà Hà kể.
Có người đi cùng nhau suốt thanh xuân rực rỡ nhưng lại chẳng còn nắm tay nhau lúc về già giống như gia đình bà Hà. Sự thay đổi tâm sinh lý khiến nhu cầu và mong muốn của mỗi người khác nhau. Ví dụ, cụ ông thích câu cá, ngồi nói chuyện chính trị, cụ bà lại thích tham gia các câu lạc bộ múa hát. Sở thích không phải là nguyên nhân nhưng khi thiếu đi sự thấu hiểu, sẻ chia và cổ vũ nhau thì mỗi người sẽ tự dựng hàng rào ngăn cách nhau.
Nhu cầu tâm sinh lý thay đổi giữa hai giới cũng là vấn đề của tuổi già. "Đàn ông có nhu cầu nhiều hơn đàn bà, còn mình dù bằng tuổi hoặc kém tuổi hơn đi chăng nữa, ở giai đoạn mãn kinh rồi thì không còn thiết gì nữa" - bà Lê Thị Thanh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Thiếu sự hòa hợp trong "chuyện khó nói", tình cảm vợ chồng bà Thanh bớt đi sự nồng ấm, những xích mích tăng dần. Rồi chính bà cũng chẳng thể ngờ tại sao mối quan hệ vợ chồng lại trở nên xa lạ như vậy. "Ngủ riêng lâu rồi. Không phải tôi không thích ông mà tôi phải ngủ riêng vì tuổi này ít ngủ, khó ngủ" - bà thủng thẳng nói.
Càng ngày bà Thanh càng thấm thía: nỗi sợ của người già không chỉ là thiếu tiền mà là thiếu đi tình thân. Con cái trưởng thành, mỗi người tự lo, hạnh phúc của riêng mình, chỉ có ông bà trong căn nhà, đến bữa ăn cùng nhau cũng chỉ có tiếng tivi nói.
Mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết, tích tụ lại thành khoảng cách lớn, nhiều cụ lựa chọn ly hôn. Trên thế giới đang có xu hướng ly hôn "tuổi hoa dâm", nhiều người già lựa chọn sống một mình đến cuối đời còn hơn sống với người làm mình khó chịu, bực dọc.
Ở Mỹ, ước tính năm 2022 có gần 16 triệu người từ 65 tuổi trở lên sống một mình, gấp ba lần so với những năm 1960. Dự kiến trong tương lai, con số sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa, đặt ra thách thức lớn cho tương lai của Mỹ.
Susan L. Brown, đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Hôn nhân & Gia đình Quốc gia (National Center for Family & Marriage Research) tại đại học Bowling Green State University (Mỹ) cho biết: “Chúng tôi vô cùng sửng sốt trước phát hiện của mình”.
“Một số người lớn tuổi muốn ly hôn vì khoảng cách giữa vợ và chồng. Có người ly hôn do gánh chịu bạo lực gia đình. Họ đều đồng tình rằng kết hôn nhầm người là lãng phí thời gian cuộc đời” - chuyên gia nói.
Ly hôn "tuổi hoa râm" tưởng như là phi lý nhưng lại là thực tế ở bất kỳ quốc gia nào nhưng đó là quyết định không dễ dàng với bất kỳ ai. Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết phân tích, các cặp đôi đã trải qua một quá trình dài và cũng có những cái cảm xúc mà họ đã vượt qua giới hạn. "Những khó khăn chịu đựng rất lâu và để đến quyết định đó thì chắc chắn là họ đã phải cân nhắc rất nhiều".
Bên cạnh đó, cũng cho thấy người cao tuổi trong xã hội nước ta đã vứt bỏ lo lắng về mặt định kiến và ánh nhìn của xã hội. Họ không bị trói buộc bởi các quan niệm cũ, đây cũng là ảnh hưởng từ lối sống của thế hệ trẻ hiện nay. "Tức là họ quan tâm đến bản thân nhiều hơn, cảm xúc và hạnh phúc cao hơn định kiến ngoài kia" - chuyên gia Lê Thị Tình Tuyết chia sẻ.
Theo các chuyên gia, lối sống này có thể gây ra tác động đáng kể nếu quốc gia đó không có chính sách phúc lợi tốt. Susan L. Brown, đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Hôn nhân & Gia đình Quốc gia (Mỹ) giải thích: “Ai sẽ chăm sóc họ khi về già là một vấn đề lớn”.
Markus Schafer, phó giáo sư xã hội học tại đại học Baylor (Mỹ) gọi đây là “hiện tượng hai mặt” (two-sided phenomenon). Ông lý giải: “Nhiều người cảm thấy thích thú khi có quyền tự quyết, không phải tranh cãi về việc nhà. Mặt khác, những người độc thân có khả năng cao đối mặt với tình trạng cô đơn về sau”.
Trong xã hội Việt Nam, ly hôn “tuổi hoa râm” thường khó nhận được sự đồng tình của con cái. Chuyên gia Tình Tuyết nói, dù xã hội đã cởi mở hơn nhưng cũng khổng hẳn là ai cũng sẽ chấp nhận việc ly hôn đó. "Có những gia đình con cái biết bố mẹ không hạnh phúc, tuy nhiên nếu đến lúc già mới ly hôn, họ sẽ khó chịu vì sĩ diện và cảm thấy mất mặt với bạn bè, hàng xóm".
Hệ quả lớn nhất của sự độc thân đến cuối đời đó là sự cô đơn, cùng với đó là áp lực kinh tế nếu cả hai không có sự tích lũy tốt và phúc lợi xã hội tại quốc gia đó chưa cao.
Không đưa ra bất kỳ lời khuyên nên hay không nên ly hôn ở tuổi xế chiều, chuyên gia tâm lý "bật mí" các cặp đôi nên trang bị tâm lý đón nhận sự thay đổi tâm sinh lý, tính nết của nhau khi có tuổi. Nguyên tắc đầu tiên đó là chia sẻ và đối thoại để hóa giải những mâu thuẫn thay vì để bụng. "Cả hai sẵn sàng đàm phán với nhau để hướng tới mục tiêu chung, có thể không quá viên mãn, nhưng rõ ràng cũng sẽ không đưa đến một cái kết quá thất vọng"./.