Với bề dày 500 năm lịch sử và phát triển, Làng gốm Bát Tràng là một trong những địa phương chuyên sản xuất gốm sứ lớn nhất cả được, dàn trải từ mô hình sản xuất theo hộ gia đình tới các công ty chuyên nghiệp. Dẫu bao năm tháng đổi thay, các sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng vẫn chứa đựng nét văn hóa và giá trị nghệ thuật.

Khi ghé thăm làng gốm Bát Tràng, có thể dễ dàng quan sát những người nghệ nhân tuy tuổi đã cao nhưng luôn tâm huyết với việc gìn giữ truyền thống làng nghề, họ đã thổi hồn vào những khối đất sét bình thường thành sản phẩm gốm duy mĩ, độc đáo.

Là một người con của làng gốm, nghệ nhân Lê Hồng Hải (trung tâm "Ngàn năm gốm Việt"-Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, ông đã gắn bó với nghề từ khi còn nhỏ, tính đến nay đã hơn 30 năm. “Đây vừa là cái nghề kiếm sống vừa là đam mê, mong muốn gìn giữ và phát triển truyền thống mà cha ông để lại”, ông Hải chia sẻ.

Với tâm niệm trong lòng, cứ như vậy suốt 30 năm, cuộc sống của ông gắn liền với đất nung, lò gốm. Từ đôi bàn tay của mình, nghệ nhân Lê Hồng Hải đã đặt tất cả tâm huyết vào từng tác phẩm. Ông cho biết thêm, để làm bất kì một chiếc bình hay sản phẩm gốm nào cũng cần trải qua nhiều công đoạn. Trước hết, người thợ cần chú trọng tới chất liệu đất và tạo hình để tạo nên sự vững trãi cho sản phẩm, sau đó mới tới bước đắp họa tiết và tráng men.

Làm gốm không đơn thuần là tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn là những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa Việt, nhắc nhở các thế hệ sau về cội nguồn dân tộc. Làng gốm Bát Tràng hằng năm đều đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch đến từ các nơi trên mọi miền Tổ quốc, kể cả những đoàn khách du lịch ghé thăm. Nghệ nhân Lê Hồng Hải cũng như các nghệ nhân khác tại trung tâm "Ngàn năm gốm Việt", luôn nhiệt tình, tận tâm đón tiếp và giới thiệu cho khách du lịch hiểu rõ hơn về gốm cũng như quy trình làm gốm, đồng thời quảng bá thương hiệu truyền thống.

Cũng là một trong những nghệ nhân thuộc trung tâm “Ngàn năm gốm Việt”, nghệ nhân Trần Doãn Tuyền - người chuyên phụ trách công đoạn trạm khắc hoa văn, hứng khởi chia sẻ về việc biến hóa các sản phẩm gốm từ đơn điệu trở nên sinh động và thu hút người mua: “Mỗi họa tiết trên các bình gốm, hay bát đĩa của làng đều mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Ví dụ như dịp Tết Giáp Thìn vừa rồi, những sản phẩm gốm có linh vật rồng đều mang đậm bản sắc sử Việt qua các thời kỳ với nét đặc trưng riêng như rồng thời Lý thì mềm mại, còn rồng mang cặp sừng thời nhà Lê biểu trưng cho sự hùng mạnh”.

Với mục đích muốn phát huy và vẫn bảo tồn được đặc trưng văn hóa dân tộc, với từng tác phẩm nghệ thuật, người nghệ nhân luôn phải dựa trên nền tảng nguyên lí xưa. Ngoài trạm khắc những hoa văn dân gian như con rồng, hoa sen, tiểu cảnh v.v thì các tác phẩm gốm sứ của Bát Tràng còn phải là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, mang nét phóng khoáng, không còn bị gò bó về ý nghĩa, ông Tuyền chia sẻ, làm như vậy để hòa nhập được với xu hướng hiện nay của xã hội.

Say mê với nghề làm gốm cùng với nỗi trăn trở giữ nghề, người nhiều gia đình ở đây từ thế hệ cha ông tới thế hệ các con vẫn luôn nhắc nhở nhau phải gìn giữ lấy giá trị truyền thống của làng. Dù trải qua sự đổi thay của lịch sử, nhưng ngọn lửa của những lò nung, tình yêu với gốm của người dân Bát Tràng vẫn luôn được kế thừa và truyền qua nhiều thế hệ. Những người con của làng luôn học hỏi kinh nghiệm của cha ông và nâng tầm phát triển sản phẩm quê hương, tạo nên thương hiệu “Làng gốm Bát Tràng” nổi danh trong nước và quốc tế. Hiện nay, Bát Tràng không chỉ là điểm du lịch của Thủ đô, mà còn là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia.