Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:
Ngay sau lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp trên cả nước đã thành lập nhiều đội thanh niên hỗ trợ, mở các lớp nâng cao nhận thức, kỹ năng số thiết yếu cho người dân với trọng tâm là người cao tuổi, người dân vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
“Tôi cho rằng đây không dừng lại ở một phong trào mà còn tạo cơ hội để tuổi trẻ thấy được sứ mệnh lớn lao. Đó là đưa công nghệ đến gần hơn với người dân và nhóm người yếu thế, người dễ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay. Các bạn thanh niên không chỉ có cơ hội lan tỏa kiến thức đã học mà còn cảm nhận được giá trị của tuổi trẻ khi góp phần làm nên sự thay đổi trong cộng đồng”, anh Thiều Cẩm Sơn, Bí thư đoàn Trường Đại học Mở Hà Nội khẳng định tinh thần đón nhận phong trào tích cực từ đoàn viên thanh niên từ chặng đường đã qua.
Theo anh Sơn, thanh niên trường học thuận lợi khi đảm đương vai trò chuyển đổi số tạo nên đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho trong cộng đồng. Cụ thể các bạn trẻ hiện nay lớn lên cùng công nghệ, việc sử dụng điện thoại thông minh, tương tác trên nền tảng số trở thành hoạt động phổ biến và thường nhật. Điều này giúp các bạn có thể truyền đạt kĩ năng số cơ bản cho mọi người gần gũi, dễ hiểu
Thứ hai, môi trường đại học cung cấp cho các bạn kiến thức, kĩ năng truyền thông, kĩ năng sư phạm, kĩ năng tổ chức hoạt động cộng đồng. Điều này có nghĩa, các bạn không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có khả năng lan tỏa tri thức.
“Trường đại học Mở Hà Nội có thế mạnh về đào tạo từ xa và chuyển đổi số giáo dục, sinh viên đã quen với tư duy học tập linh hoạt, đa nền tảng. Tất cả tạo nên lợi thế lớn khi hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ theo thực tế cụ thể”, anh Thiều Sơn phân tích.
Với thanh niên đoàn viên trường đại học, anh Sơn cho rằng không thể bỏ qua tinh thần của tuổi trẻ, sẵn sàng đến những vùng sâu vùng xa nhiều khó khăn, sẵn sàng dấn thân vì mục tiêu đem kiến thức, kĩ năng số tới các địa bàn khác nhau, góp phần tạo nên những thay đổi.

Giai đoạn mùa hè cũng đúng vào thời điểm chuyển đổi và bắt đầu đi vào hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong phục vụ và nâng cao chất lượng phục vụ người dân ở cơ sở. Từ đầu mùa hè đến nay, Đoàn trường đại học Mở Hà Nội đã triển khai các đội thanh niên tình nguyện đến nhiều phường xã hỗ trợ.
Cụ thể đã có 5 đội thanh niên tình nguyện về 5 phường, xã mới lập của Hà Nội như Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Lĩnh Nam tại các trung tâm dịch vụ công, phối hợp cùng đoàn phường hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo tài khoản điện tử, thực hành các kĩ năng cơ bản như tra cứu thông tin, đăng kí khám chữa bệnh, thanh toán không dùng tiền mặt...
Hiệu quả đem lại không chỉ thể hiện ở việc gia tăng số người sự dụng mà còn thúc đẩy chuyển biến về nhận thức của người dân từ chỗ xa lạ, e ngại với công nghệ đã dần quen và sử dụng thiết bị công nghệ. Ở nhiều địa bàn đã đề xuất mô hình lớp học công nghệ cộng đồng do sinh viên hướng dẫn.
Nhiều đội sinh viên còn đóng vai trò trợ lí chuyển đổi số cho các tổ dân phố, góp phần thiết thực hỗ trợ cho chính quyền địa phương hai cấp trong rà soát dân cư, truyền thông chính sách mới, tạo dựng thói quen số cho người dân ngay từ những thao tác nhỏ nhất.
Ở phía ngược lại, anh Thiều Cẩm Sơn cũng khẳng định giá trị đem lại cho chính các bạn sinh viên thanh niên trường đại học khi có được môi trường thực tiễn quý giá cho việc áp dụng công nghệ, kĩ năng số đã được học trên giảng đường, đồng thời học cách truyền đạt, tương tác, thấu hiểu mọi người, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, tư duy kiên trì, giải quyết tình huống linh hoạt, trưởng thành hơn về tư duy công dân và trách nhiệm.
“Có những bạn sinh viên chia sẻ: Tưởng là người đi dạy, hóa ra em học được nhiều hơn. Học về sự kiên nhẫn, về cách kết nối giữa mọi người trong thời đại số. Tôi cho rằng giá trị lớn nhất của các bạn thu lại chính là niềm vui ở giá trị đóng góp”, anh Thiều Sơn cho biết.

Đoàn trường ĐH Mở Hà Nội cũng đã kết nối với các đơn vị chức năng trong trường, tạo nên những video hướng dẫn thao tác số cơ bản như tra cứu bảo hiểm xã hội, mã số thuế... thuyết minh giọng chuẩn, ngôn ngữ đơn giản rồi chia sẻ qua các nhóm zalo của cộng đồng dân cư các địa phương hoặc tại điểm thông tin xã, phường giúp người dân có thể xem lại và thao tác lại nhiều lần, tránh việc phụ thuộc vào người hướng dẫn. Những video này trở thành những khóa học nhỏ giúp hàng nghìn người dân có thể cùng lúc tiếp cận.
Bên cạnh đó còn phải kể đến mô hình 1-1-10. Cụ thể mỗi bạn sinh viên tình nguyện được giao hướng dẫn cho ít nhất một người dân thực hành kĩ năng số một cách cơ bản đồng thời lan tỏa video hướng dẫn tới ít nhất 10 người khác trong cộng đồng. Thông qua mạng xã hội, truyền thông tại các khu dân cư, mô hình theo anh Thiều Sơn đã tạo nên những hiệu quả ngoài mong đợi cũng như tạo dấu ấn riêng cho mùa hè “Bình dân học vụ số” của sinh viên trường đại học Mở Hà Nội.
Cũng từ thực tế triển khai hoạt động này, anh Sơn có những đề xuất để “Bình dân học vụ số” lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong thanh niên.
Thứ nhất cần làm rõ vai trò, vị trí của thanh niên trong phong trào này. Ở đây các bạn cần thực sự ở vào vị trí của những “người thầy công nghệ” trong cộng đồng.
Thứ hai cần có cơ chế ghi nhận những đóng góp của thanh niên bằng nhiều hình thức như giấy chứng nhận tham gia chuyển đổi số trong cộng đồng, đưa vào tiêu chí hoặc điểm rèn luyện khi xét kết nạp Đảng, tuyển dụng công chức địa phương. Những cách làm này vừa thiết thực, vừa truyền thông thông điệp “Xã hội ghi nhận những đóng góp của tuổi trẻ”. Ngoài ra cũng cần đa dạng hóa thêm các hoạt động tùy thuộc vào từng địa phương, từng đối tượng cụ thể.
Và kết thúc mùa hè theo anh Thiều Sơn không phải kết thúc phong trào “Bình dân học vụ số”, đặc biệt khi trường đại học Mở Hà Nội sẵn mang sứ mệnh “Mở ra cơ hội học tập với mọi người”. Sau mùa hè xanh, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhà trường tiếp tục duy trì, phát triển mô hình hỗ trợ cộng đồng dưới nhiều hình thức./.