Máu là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta. Mỗi một phần máu được hiến tặng sẽ không chỉ cứu được tính mạng của chính những người bệnh đang cần đến máu mà còn giúp cho nhiều người thoát khỏi nguy cơ mất người thân.
Nhận thức của người dân trong cả nước về việc hiến máu đã thay đổi. Cho đến nay, có thể nói, hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào rộng lớn, có sức ảnh hưởng và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Có được kết quả này chính là nhờ sự góp sức của mỗi người dân trong cả nước, trong đó có gia đình ông Lê Đình Duật – gia đình hiến máu tiêu biểu.
Hơn 25 năm qua, cựu chiến binh Lê Đình Duật (82 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “sứ giả đỏ” - một biểu tượng sống động của phong trào hiến máu nhân đạo.
Cho đến nay, dù không thể trực tiếp hiến máu do vấn đề sức khỏe, ông đã kiên trì vận động, thuyết phục hơn 1.450 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, đóng góp hơn 1.340 đơn vị máu, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân.

Là một người lính thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, ông Duật từng trực tiếp tham gia chiến đấu trong những năm chiến tranh ác liệt. Ông từng chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh và thậm chí cả người thân của mình không cứu chữa được do thiếu máu. Những trải nghiệm đau thương ấy đã thôi thúc ông tham gia hiến máu nhân đạo.
Ông Lê Đình Duật chia sẻ: “Trong lúc chiến tranh thì không có máu truyền, để cứu chữa cho người bệnh. Tôi vẫn cứ nung nấu sau này có điều kiện thì mình phải tham gia làm việc này để làm sao giúp cho xã hội, cứu chữa được thêm nhiều người trong lúc bệnh hiểm nghèo” – ông Duật cho biết.

Khi về nghỉ hưu, ông công tác tại Hội Chữ Thập đỏ của phường. Vào thời điểm bắt đầu phong trào hiến máu tình nguyện, việc vận động gặp nhiều khó khăn do nhận thức hạn chế của cộng đồng về hiến máu. Không nản lòng, ông Duật đã vận động gia đình và bắt đầu từ đó, trên hành trình lan tỏa yêu thương của mình, luôn có sự đồng hành của vợ và con ông, sau này là cả các cháu của ông.
Khi nhắc đến giai đoạn khó khăn đó, bà Lê Thị Kim Dinh, vợ ông Lê Đình Duật cho biết, mọi người xung quanh có rất nhiều ý kiến trái chiều khi thấy cả gia đình bà cùng đi hiến máu. Vượt qua những khó khăn đó, chính là sự cảm thông, tin tưởng của cả gia đình vào việc làm của ông Duật. Bà Lê thị Kim Dinh chia sẻ, đi thăm bệnh nhân thấy họ rất khổ mà bản thân bà cùng gia đình không có tiền để giúp cho họ nên ông bà đã vận động con cháu cùng nhau đi hiến máu để giúp cho người bệnh.

Cả gia đình cùng tích cực tham gia, cho đến nay đã hiến được 273 đơn vị máu an toàn. Gia đình ông đã trở thành “gia đình hiến máu tiêu biểu” của Hà Nội. Con trai ông đã tham gia hiến 105 đơn vị máu, còn con gái thứ hai của ông đã hiến 130 đơn vị máu. Mỗi khi có đợt hiến máu, các thành viên trong gia đình ông luôn tham gia tích cực như chia sẻ của anh Lê Quyết Thắng, con trai ông Duật. Sau khi chứng minh cho mọi người thấy việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, anh đã vận động thêm được nhiều người bạn và đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu nhân đạo.
Sự tham gia hiến máu tích cực của gia đình ông cùng với việc nhìn thấy nhiều bạn trẻ cùng hiến máu đã lan tỏa, thúc đẩy nhiều người dân địa phương tham gia phong trào. Anh Nguyễn Bá Thành, một trong những thành viên tích cực tham gia hiến máu tình nguyện cho biết, những nỗ lực của ông Duật đã khiến anh luôn tham gia hiến máu khi có điều kiện.

Cho đến nay, dù không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ kinh phí nào nhưng ông Duật trích từ tiền lương hưu của mình để gia đình chuẩn bị những bữa ăn nhẹ, hỗ trợ người tham gia hiến máu. Ông cũng luôn ghi chép thông tin của từng người tham gia hiến máu cẩn thận để theo dõi và động viên họ tiếp tục tham gia khi có điều kiện.
Với những đóng góp cho phong trào hiến máu tình nguyện, ông Lê Đình Duật đã nhận được nhiều bằng khen của các cấp như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước và ông cũng được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023. Tấm gương ông Lê Đình Duật và gia đình ông đã truyền động lực mạnh mẽ để thôi thúc mọi người cùng nhau tham gia hiến máu tình nguyện.
Hiến máu cứu người là truyền thống của người Việt. Ngay từ năm 1994, khi lần đầu tiên phong trào hiến máu tình nguyện được phát động, cả nước mới chỉ có được 100.000 đơn vị máu nhưng cho đến nay sau hơn 30 năm, con số này đã ngày càng tăng qua mỗi năm. Năm 1994, lượng máu tiếp nhận được của cả nước được 138.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 14,5% thì từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm trên cả nước đều đã tiếp nhận được hơn 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994. Năm 2024, cả nước tiếp nhận được hơn 1,7 triệu đơn vị máu và tiểu cầu gạn tách, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt trên 98%. Năm 2025, toàn quốc phấn đấu tiếp nhận khoảng 1,85 triệu đơn vị máu; tỷ lệ hiến máu tình nguyện là 99%; tỷ lệ hiến máu nhắc lại trên 60%; tỷ lệ dân số hiến máu tương đương là 1,9%./. |