Cuối phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, thảo luận trong 2 ngày qua.

Nhìn lại công tác phòng chống dịch COVID-19 gắn với thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có 3 bài học lớn cần được rút ra:

Bài học thứ nhất: Năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng của chúng ta đang còn thiếu và yếu dẫn đến lúng túng trước những diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, hoạt động kinh tế, việc làm, đời sống nhân dân...

Bài học thứ hai: Năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương. Điều này làm đứt gẫy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Bài học thứ ba: Sức mạnh và vai trò của hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn. Theo đó, cần phải có kết hợp với hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định, đến nay tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, số ca nhiễm có thể tăng thêm, nhất là tại một số địa phương có độ bao phủ vaccine còn thấp.

“Trong bối cảnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Kiên định và giữ vững lập trường, quan điểm: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Không e ngại, hoang mang, lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh nhưng cũng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về đánh giá tác động của Nghị quyết số 128, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sau gần 1 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này, tình hình KT-XH tháng 10 có nhiều chuyển biến rất tích cực với nhiều điểm sáng. Đặc biệt đã củng cố được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi ổn định kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân.

Bên cạnh các nguyên nhân tồn tại từ lâu như chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án nhiều, năng lực của ban quản lý, năng lực nhà thầu… thì riêng năm 2021 còn một số lý do đặc thù như kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự; Năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; Năm đầu thực hiện Luật đầu tư công 2019…

Ngoài ra tác động của dịch bệnh COVID-19, giãn cách xã hội, giá cả, nguyên vật liệu tăng cao… Tất cả nguyên nhân này đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, được phép của Quốc hội, Chính phủ đang hoàn thiện dự án sửa đổi 10 Luật để giải quyết tất cả những vấn đề còn đang vướng mắc trong Luật đầu tư công, phân cấp, phân quyền đẩy nhanh tiến độ.