Trong cuộc sống, đôi khi “im lặng là vàng” bởi điều này sẽ cho ta thời gian để suy nghĩ nhiều hơn trước khi làm điều gì đó. Tuy nhiên, im lặng không phải lúc nào cũng đúng, nhất là trong vấn đề bạo lực gia đình. Im lặng thậm chí còn đồng nghĩa với việc tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm.
Im lặng - kẻ thù của chính mình
Sau nhiều năm ly hôn, vết thương trên cơ thể chị Quách Thị V. do người chồng vũ phu gây ra đã lành lại. Còn “vết thương lòng” thì vẫn in hằn trong đời sống tinh thần của chị. Chị V. cho biết việc nhà nông vất vả nhưng ngày nào chị cũng lo cơm nước tươm tất, giặt giũ quần áo cho chồng, con. Những tưởng sẽ được chồng bù đắp, yêu thương nhưng trái lại, chị thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn vô cớ. Thương con, chị cố nín nhịn những mong “trong ấm ngoài êm”. Song, chị càng nhún nhường thì mức độ bạo hành càng gia tăng. “Có lần chồng cầm cả dao đuổi đánh, túm tóc, đập mặt em vào nền nhà, rồi lấy chân xéo lên đầu”, chị V. nhớ lại. Cũng may cho chị V., bởi đó là trận đòn cuối cùng sau khi chị chia sẻ với người thân và được khuyên tìm cách thoát khỏi gã chồng tệ bạc bằng cách cách ra tòa ly hôn.
Chị Nguyễn Thị H. cũng từng kiên nhẫn chịu đựng hết lần này đến lần khác trước những lời xỉ vả của gã chồng vũ phu. Mục đích là muốn các con có một “tổ ấm”, song cây “muốn lặng mà gió chẳng đừng”. “Thời gian đầu anh ta chửi mắng, em thấy tủi lắm nhưng vẫn nhịn. Sau đó, mức độ bạo hành gia tăng. Sau khi chửi, anh ta đánh. Mỗi lần em ở trong bếp, anh ta tới túm tóc, đập đầu em vào tủ bếp. Có lần cầm cả dao dọa giết”, chị H. nhớ lại. Theo chị H., nếu không sớm lên tiếng và nhận được sự hỗ trợ từ những người thân để thoát khỏi những “cơn điên vô cớ” của gã chồng, chị không biết hậu quả sẽ như thế nào.
“Một người mẹ hạnh phúc mới đem lại hạnh phúc cho con mình được!”
Không chỉ tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm, người phụ nữ khi im lặng trước các hành vi bạo lực còn vô tình làm tổn thương người thân, nhất là các cháu nhỏ. “Phụ nữ khi bị bạo hành mà không lên tiếng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến con mình. Khoa học đã nghiên cứu và chứng minh được điều này”, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội khẳng định.
Bà Lê Thị Phương Thúy, chuyên gia về bạo lực giới cũng chỉ ra rằng, các em nhỏ sống trong môi trường gia đình có bạo lực gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe thể chất. “Có dẫn chứng khoa học cho thấy trẻ sống trong môi trường bạo lực bị còi, học hành kém, rối hoạn về tâm lý, hành vi, có nguy cơ cao tham gia vào các hoạt động xã hội”, bà Thúy chia sẻ.
Cũng theo bà Thúy, nghiêm trọng hơn nữa là vấn đề bạo lực liên thế hệ. Những trẻ em nam, khi sống và chứng kiến cảnh tượng bạo lực trong gia đình sẽ có xu hướng học tập hành vi của người cha. Còn trẻ em gái sẽ theo xu hướng chấp nhận bạo lực, chịu đựng bạo lực của người mẹ. Đây là những hệ lụy mà nhiều người phụ nữ không nghĩ đến. Trên cơ sở đó, bà Thúy cho rằng những người phụ nữ khi bị bạo lực cần lên tiếng. Đó vừa là cách tốt nhất để giải thoát bản thân trước những tình huống nguy hiểm vừa là hành động đúng đắn nhất để bảo vệ, chăm sóc những đứa trẻ do mình dứt ruột sinh ra. “Chúng ta có pháp luật, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, họ có trách nhiệm bảo vệ mình. Nếu ngại báo với chính quyền, chị em nên chia sẻ với người thân cận nhất mà mình tin tưởng nhất để họ tư vấn, đồng thời giúp mình tìm cách thoát khỏi các hành vi bạo lực”, bà Thúy chia sẻ.
Từ thực tế, chị Loan Nguyễn, một thính giả của VOV2 ở Hà Nội cũng có chung góc nhìn về sự cần thiết phải lên tiếng trước các hành vi bạo hành. “Tôi nghĩ người phụ nữ càng chịu đựng, kẻ bạo hành sẽ càng lấn tới. Hơn nữa, một người mẹ hạnh phúc thì mới có thể đem lại hạnh phúc cho gia đình, con cái của mình được!”, chị Loan chiêm nghiệm.