Theo nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn…
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng: Thực trạng quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị của đất nước trong giai đoạn hiện tại có những vấn đề đáng phải lưu tâm và cần có giải pháp đủ mạnh để giải quyết những tồn tại,hạn chế nhằm phục vụ cho chủ trương đô thị hoá, phát triển đất nước trong thời gian trước mắt và lâu dài. Đây là nội dung có tầm chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của đất nước. Vì hiện các vấn đề xã hội “nóng” hiện nay đều liên quan đến việc đô thị bị úng, lụt. Cứ mưa là lụt. Vậy có vấn đề của quy hoạch, của xây dựng phát triển đô thị hay không? Đó là vấn đề then chốt chứ không phải đổ tại cho… thời tiết”
Đại biểu Trần Văn Lâm chỉ rõ: “Vấn đề đầu tiên chính là quy hoạch. Bởi từ quy hoạch sinh ra tập trung mật độ dân cư quá đông, tắc nghẽn giao thông, di dời các nhà máy ra khỏi nội đô thì “chen” vào đó lại là các khu chung cư, nhà cao tầng khiến mật độ càng cao lên. Tắc nghẽn giao thông bây giờ là “trầm kha”, chưa thấy hướng giải quyết, ô nhiễm không khí tại các đô thị, người dân cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Những vấn đề đó cần được giải quyết căn cơ từ quy hoạch cho đến xây dựng và phát triển. Đó là trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành xây dựng. Vậy giải quyết vấn đề trên như thế nào là vấn đề cử tri và nhân dân đang rất mong mỏi”. - ông Lâm nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, cả 4 vấn đề được chất vấn trong chiều nay đều là những vấn đề then chốt, cần được giải quyết. Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết: Vấn đề nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động cần được bộ trưởng lưu tâm. Rất nhiều chính sách được ban hành, thế nhưng những doanh nghiệp được tiếp cận với chính sách rất hạn chế khiến không ít công nhân không có nhà ở ổn định, ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo một số nội dung về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng.
Về thanh tra, kiểm tra: Bộ trưởng cho biết: Cơ quan thanh tra đã phát hiện một số sai phạm chính: Kinh doanh không đủ điều kiện năng lực về tài chính; bán và cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng; chậm thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng theo thời hạn quy định;
Tình trạng huy động vốn, mua bán nhà ở khi chưa đủ điều kiện còn diễn ra tại một số dự án, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng, người mua,....
Việc kiểm soát giá và đảm bảo nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia cũng là vấn đề Bộ trưởng Nghị sẽ phải trả lời.
Về thị trường bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025. Trong khi đó lại thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "2 giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.
Về chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị: Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ ra việc quản lý quy hoạch đang tồn tại hàng loạt bất cập. Đơn cử như chất lượng đô thị hóa chưa cao. Nhiều nơi còn tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt tại các thành phố lớn.
Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới. Đặc biệt, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng…
Về việc triển khai nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ. nguyên nhân tồn tại bất cập là do nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội; việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa được thực hiện triệt để hoặc chưa được sử dụng đúng mục đích; thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn…
Thời gian Quốc hội chất vấn dành cho Bộ trưởng Nghị sẽ gồm cả chiều 3/11 cộng thêm khoảng 30 phút đầu giờ sáng 4/11.