Tin tưởng vào những lời quảng cáo kiếm tiền nhanh thông qua đầu tư trên mạng xã hội, nhiều người đã trở thành nạn nhân của “bẫy” lừa đảo. Không ít người đến khi nhận ra thì đã muộn, thậm chí mất trắng số tiền lớn lên tới hàng tỷ đồng.
Đáng chú ý, khi tiếp cận với từng nhóm đối tượng, kẻ lừa đảo lại có các “kịch bản” lừa khác nhau như: góp vốn kinh doanh vào doanh nghiệp, góp vốn đầu tư bất động sản, chứng khoán, tiền ảo, đầu tư mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...Mặc dù đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền và cảnh báo, nhưng những vụ lừa đào đầu tư kinh doanh trên mạng vẫn liên tục diễn ra.
Trao đổi với Phóng viên VOV2, Luật sư Nguyễn Hải Yến, Giám đốc Công ty luật YJM, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật thì việc góp vốn đầu tư kinh doanh là một hình thức pháp luật không cấm. Tuy nhiên để nhằm trục lợi, lạm dụng, lừa đảo, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân. Trước lời mời gọi đầu tư siêu lợi nhuận, nhiều người đã không thẩm định thông tin và dễ dàng “sập bẫy” lừa đảo.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, những đối tượng tội phạm đã kiếm được không ít tiền từ những phi vụ lừa đảo “đầu tư trên mạng”. Các chiêu trò thường tồn tại dưới dạng “thực hiện nhiệm vụ” đầu tư bán hàng online hoặc kinh doanh đa cấp trá hình... Nếu mỗi người không có đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những chiêu trò đánh vào lòng tham thì rất dễ trở thành nạn nhân. Luật sư Yến cho biết thời gian qua nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn chia sẻ của các nạn nhân bị mất tiền theo hình thức “thực hiện nhiệm vụ”.
Hình thức cực kỳ tinh vi khi nạn nhân ban đầu thực hiện nhiệm vụ và tiền lợi nhuận về tài khoản rất đầy đủ, tạo niềm tin và sinh ra tâm lý kiếm tiền dễ dàng. Sau đó, các nạn nhân sẽ vay mượn người thân để tiếp tục nạp tiền với con số lên tới hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng. Khi chuyển khoản số tiền lớn thì hệ thống đầu tư bị kẹt và nhận được yêu cầu phải nạp thêm tiền để làm nhiệm vụ mới được rút tiền. Lúc này nạn nhân mới sực tỉnh là tiền gốc của mình không rút ra được và tìm mọi cách liên hệ đều không được, bởi số điện thoại không có, thông tin chuyển khoản và người nhận tiền không rõ ai...Trong khi chuyển liên tiếp nhiều lần vào tài khoản này, thông tin tin nhắn đều qua telegram, số tài khoản người nhận tiền là tài khoản thuê mở. Mọi thông tin đều là ảo và không thể tìm ra manh mối của kẻ lừa đảo.
Đôi khi cái giá phải trả là quá đắt: vừa mất tiền, mất công việc, mất các mối quan hệ, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Để “thao túng tâm lý”, dẫn dụ nạn nhân “sập bẫy”, theo Luật sư Nguyễn Hải Yến, thông thường những đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý đội nhóm cùng giàu, cùng khoe ảnh đẹp, khoe tiền, khoe cuộc sống sang chảnh, liên tục thể hiện việc công việc nhàn nhưng có thu nhập cao, hoặc nguồn thu nhập thụ động dễ dàng. Đây là những chiêu trò cơ bản, ngoài ra có những đối tượng tinh vi hơn là mở công ty, lập đội nhóm, làm giả các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền để tạo niềm tin góp vốn đầu tư bất động sản phân lô...
Luật sư Yến cho rằng, cách thức đánh vào lòng tham, dựa vào những hình ảnh truyền thông có mục đích và những thông tin mập mờ thông qua tài liệu chỉnh sửa đã khiến nạn nhân bị “thao túng tâm lý”. Trước những lời mời đầu tư trên mạng, Luật sư Yến đưa ra lời khuyên, nếu đầu tư thì nên kiểm tra kỹ các thông tin pháp lý qua nguồn chính thống, nên kiểm tra đầy đủ trước khi thực hiện việc góp vốn đầu tư. Ngoài ra nên có tâm lý thận trọng đa nghi một chút về những cơ hội đầu tư lợi nhuận.
“Lĩnh vực kinh tế, tài chính luôn là lĩnh vực biến động và bị ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động chính trị, xã hội. Do vậy, lĩnh vực này luôn vận hành và thay đổi liên tục, do đó ngoài kiến thức hiểu biết căn bản thì khi đầu tư luôn có rủi ro, sự mạo hiểm. Nếu các bạn nắm bắt, chấp nhận những rủi ro nhất định thì hãy nên tham gia” - Luật sư Hải Yến phân tích thêm.
Luật sư Nguyễn Hải Yến cho biết, hiện nay Bộ luật hình sự có quy định 02 tội danh liên quan tới hành vi lừa đảo đầu tư trên mạng, đó là: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175, Bộ luật hình sự năm 2015) và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015) tùy vào tính chất ban đầu mà đối tượng đưa ra cho nạn nhân tin và thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.
“Không mất nhiều công sức nhưng lại được hưởng lợi nhuận lớn” luôn là cái bẫy đầy cám dỗ để ai cũng có thể trở thành nạn nhân trong một phút không tỉnh táo. Mặc dù pháp luật đã có quy định nhưng việc xử lý không phải là chuyện đơn giản.
Theo Luật sư Yến, để xử lý hình sự một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trước hết có đơn tố giác tội phạm, đúng về chủ thể, thông tin liên quan như số căn cước công dân, số điện thoại, quá trình lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng tài liệu chứng cứ qua tin nhắn, video, người làm chứng,… Sau khi tiếp nhận vụ việc, cơ quan có thẩm quyền sẽ lấy lời khai, điều tra, xác minh, đủ dấu hiệu quy định thì mới khởi tố vụ án, truy tố và xét xử vụ án. Đây là khoảng thời gian khá dài, những đối tượng lừa đảo khi bắt đầu thực hiện hành vi có thể đã có tính toán, chuẩn bị để không dễ gì khép được tội danh.
Luật sư Yến đưa ra lới khuyên, để nhận biết đâu là dự án đầu tư, doanh nghiệp hay ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo thì mỗi người cần cập nhật nhiều tin tức xã hội, pháp luật, tự kiểm tra, rà soát thông tin hoặc có thể thông qua các Công ty Luật để xác minh thông tin trước khi đầu tư.
Để nắm được thông tin doanh nghiệp, khách hàng có thể tra cứu trên hệ thống đăng ký kinh doanh: DKKD.GOV.VN hoặc hệ thống tổng cục thuế: gdt.gov.vn để tra cứu số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của cá nhân; Mã số thuế của doanh nghiệp... Còn với những dự án đầu tư nên đến trực tiếp UBND hoặc khu vực thực hiện dự án để thẩm định hồ sơ, đồng thời tra cứu thông tin trên mạng để nắm bắt thông tin từ những nạn nhân trước đã chia sẻ.
Ngoài ra, việc mỗi nạn nhân cùng lên tiếng về thủ đoạn, về thông tin ứng dụng, đường link đã từng thực hiện lừa đảo để thật nhiều người dân nắm bắt, tránh rơi vào “bẫy” lừa đảo. Bên cạnh đó, mỗi người hãy nắm rõ nguyên tắc “3 không”: Không để lộ các thông tin cá nhân; Không tin những thông tin mình nghe và nhìn thấy trên mạng; Không chuyển tiền, đồng thời kiểm tra đầy đủ thông tin và nên ký hợp đồng văn bản đầy đủ trước khi đầu tư.
Ai cũng mong muốn có cuộc sống giàu có hơn, tốt đẹp hơn. Thế nhưng, làm giàu thì phải đi đôi với hiểu biết. Những người có kiến thức về kinh doanh sẽ không tham một cách vô căn cứ. Mỗi người dân hãy hết sức thận trọng và tỉnh táo trước các lời mời về đầu tư trên các mạng xã hội, website,... để tránh trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ lừa đảo. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, hãy liên hệ cơ quan Công an nơi gần nhất để được giải quyết kịp thời theo quy định./.