Trước thực tế tỷ lệ người giúp việc gia đình tham gia BHYT còn thấp, đồng thời để thực hiện nghị định 145 nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao kỹ năng cho những người lao động di cư, Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (gọi tắt là GFCD) phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội triển khai dự án “Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình trong tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm”. Chương trình này được thực hiện với mục tiêu quan trọng là “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người giúp việc gia đình tại Việt Nam” thông qua hoạt động của các CLB người giúp việc gia đình. Từ những hoạt động thiết thực, CLB người giúp việc gia đình trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động, giúp cho chị em vận dụng sáng tạo đảm bảo các quyền lợi, đặc biệt là về chính sách BHXH, BHYT.

Tất cả hơn 1.000 thành viên ở 15 CLB người giúp việc của Hà Nội đều rất hứng khởi mỗi khi đến lịch sinh hoạt CLB. Bởi ở đó họ được cùng nhau sẻ chia những câu chuyện vui, những khúc mắc của bản thân để mọi người cùng tháo gỡ. Mỗi buổi sinh hoạt 1 chủ đề khác nhau như tập huấn về BHYT tự nguyện, phổ biến kiến thức pháp luật về hợp đồng lao động, hướng dẫn sử dụng máy giặt, đồ điện gia dụng, lau nhà đúng cách v.v… rất sát thực với công việc của chị em. Mỗi người đến CLB đều thu nhận được những điều bổ ích cho riêng mình. Đặc biệt, nhiều chị em đã xóa bỏ được mặc cảm tự ti, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trước đám đông.

Cũng như rất nhiều chị em khác, trước kia chị Võ Thị Vân chưa bao giờ dám đứng lên phát biểu trước đông người, sau khi tham gia CLB, giờ chị có thể tự tin cầm micro và biểu diễn. Hơn thế, giờ chị Vân còn chủ động tìm hiểu và nắm vững những quy định pháp luật: “Chúng tôi từ nông thôn lên thành phố, chưa có CLB thì rất khó khăn, hiểu biết còn hạn chế. Có CLB chúng tôi được họp, được tham gia phát biểu, được tập huấn về quyền lợi và cả những cách làm hiệu quả. Trước kia, tôi đi làm chỉ thỏa thuận miệng, không biết đề nghị với chủ nhà ký kết hợp đồng, giờ thì tôi đã ký kết hợp đồng, có BHYT để đi khám chữa bệnh”.

Làm nghề giúp việc gia đình hơn 10 năm nay, bà Thái Thị Nhiên quê ở Yên Bái từ khi được tham gia CLB với những buổi phổ biến chính sách pháp luật, bà không cần phải về tận quê mỗi lần khám bệnh nữa mà yên tâm sử dụng BHYT theo chính sách hộ gia đình với gia chủ. Cũng từ hiểu biết của mình, bà Nhiên thấy cần thiết của việc ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, bởi dù đã quen biết và tin tưởng lâu năm nhưng việc ký kết hợp đồng khiến cho công việc được minh bạch, danh chính ngôn thuận hơn: “Nếu có ký HĐLĐ chúng tôi cũng an tâm hơn và ý thức trách nhiệm rõ ràng hơn về những việc làm của mình. Bên cạnh đó cũng tránh được những xích mích không cần thiết bởi “giấy trắng mực đen” ký rồi, minh bạch trách nhiệm rồi” - Bà Nhiên hồ hởi.

Tham gia Câu lạc bộ, tự tin hơn, hiểu biết hơn, nhiều người giúp việc đã biết chủ động đề xuất với gia chủ để đảm bảo những quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình theo đúng quy định của pháp luật. Chị Lê Thùy Hương, chủ tịch Hội Phụ nữ, chủ nhiệm CLB người giúp việc phường Thượng Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, qua hơn 3 năm triển khai chương trình này, dự án đã đạt được những thành công ngoài mong đợi: “Thành công nhất của chúng tôi là giúp chị em tự tin hơn, nhiều người được ký kết hợp đồng và chủ sử dụng lao động mua thẻ BHYT cho người giúp việc”.

Với những hoạt động thiết thực, hữu ích, các CLB dần trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều chị em làm nghề giúp việc gia đình và cả nơi gửi gắm niềm tin của những người sử dụng lao động. Đây cũng là một cách vận dụng sáng tạo để đảm bảo quyền lợi nói chung, đảm bảo thụ hưởng chính sách BHYT nói riêng đối với nghề rất đặc thù là nghề giúp việc gia đình.