Là tỉnh biên giới Đông Bắc của Tổ quốc, thuộc vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là cửa ngõ giao lưu quốc tế cả trên bộ và trên biển, có nhiều cửa khẩu, tỉnh Quảng Ninh thường được các tổ chức tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy, lợi dụng, lựa chọn làm địa bàn tiêu thụ và trung chuyển ma túy với số lượng lớn.

Thượng tá Lê Ngọc Hạnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin, từ nhiều năm qua tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện đấu tranh và triệt phá rất nhiều những vụ án liên quan đến tuyến biên giới Việt Trung. Điển hình như vụ án 06N đã bắt giữ 147 bị can trong đường dây này. Mấy năm gần đây do hai nước Việt Nam – Trung Quốc siết chặt công tác quản lý biên giới, đặc biệt là phía Trung Quốc đã lập hệ thống tường rào cao 7m và hàng rào dây thép gai, do vậy tuyến biên giới Việt Trung không còn được tội phạm lựa chọn là địa bàn vận chuyển. Tuy nhiên cho đến nay, Quảng Ninh vẫn nơi tiêu thụ ma túy vô cùng phức tạp, do đây là địa bàn du lịch, lại là khu vực có rất những dự án lớn trọng điểm của cả nước. Do vậy, ngoài số lượng người nghiện là người dân địa phương còn rất nhiều đối tượng khác ở các tỉnh xung quanh đến đây, tạo nên sự phức tạp trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

“Không chỉ manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” để chống trả lực lượng chức năng, tội phạm ma túy còn lợi dụng công nghệ cao để phục vụ cho hoạt động buôn bán, vận chuyển “cái chết trắng”. Điều đó đang đặt ra cho lực lượng chức năng rất nhiều thách thức trong công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này”. Thượng tá Lê Ngọc Hạnh chia sẻ.

Không chỉ với địa bàn tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, hoạt động của tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở nước ta, đặc biệt là ở các vùng trọng điểm, biên giới hải đảo luôn diễn ra phức tạp, khó lường. Tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy có nhiều đối tượng ở các quốc gia khác nhau với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh.

Trong khi đó, do cuộc sống khó khăn, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế và được trả tiền công cao, nhiều người dân đã biến mình thành một trong những “mắt xích” của các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Đáng lo ngại là các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy không những trả công cao, mà còn trang bị vũ khí “nóng” cho đối tượng vận chuyển ma túy để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, các lực lượng chức năng của nước ta, đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để đấu tranh ngăn chặn. Dù phải đối diện với muôn vàn nguy hiểm, hy sinh, nhưng với quyết tâm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, các lực lượng có liên quan đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, triệt xóa các đường dây tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Công an nhân dân, mà chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khám phá thành công 13.417 vụ, bắt trên 20 nghìn đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 466 kg heroin, gần 2.569.000 viên ma túy tổng hợp, 137 kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan; triệt xóa 204 điểm, 20 tụ điểm phức tạp về ma túy; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, thu giữ số lượng ma tuý rất lớn.

Đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh, trong 10 tháng của năm 2022, toàn tỉnh đã bắt giữ, xử lý hình sự tổng số 641 vụ, trên 1.100 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng 1,3% về số vụ và 9,9% về số đối tượng.

Số lượng các vụ án ma túy bị triệt phá dù rất lớn, nhưng theo Đại tá Phạm Văn Chình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cho đến thời điểm này, tình hình tội phạm ma túy mới chỉ ở mức được gọi là kiềm chế. Tội phạm ma túy càng đấu tranh quyết liệt thì càng bắt giữ được số lượng lớn.

“Nếu đủ lực lượng, đủ phương tiện, tích cực đấu tranh thì tôi nghĩ số lượng các vụ án ma túy bắt giữ hàng năm sẽ còn tăng nữa chứ chưa chắc đã giảm mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh với tội phạm ma túy”, Đại tá Phạm Văn Chình khẳng định.

Chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng này, Đại tá Chình cho rằng, do tuyến biên giới của Việt Nam trải dài, phần lớn là rừng núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu lớn, nhỏ và rất nhiều đường mòn, lối mở, trong khi lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy còn mỏng... nên công tác phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Các tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện có phạm vi rộng và rất khó kiểm soát trong điều kiện thiếu cả về nhân lực và vật lực. Thêm nữa, nước ta lại phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực, nhất là khu vực “tam giác vàng” (Thái Lan - Lào - Myanmar). Đây là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Từ nhiều năm qua, phần lớn số ma tuý vận chuyển về Việt Nam được xác định có nguồn gốc từ khu vực này.

Đặc biệt một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng được Đại tá Chình nhắc tới, đó chính là khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán, vận chuyển ma túy khiến cho nhiều người mờ mắt bất chấp hậu quả, nghĩ ra các chiêu thức tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng, thậm chí sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả khi bị vây bắt.

Vậy giải pháp nào để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm ma túy, nhất là ở các vùng trọng điểm, biên giới, hải đảo, giảm thiểu hệ lụy từ ma túy gây ra cho cộng đồng, xã hội? Trả lời câu hỏi này, Đại tá Phạm Văn Chình cho rằng: Để phòng ngừa tội phạm ma túy phải giải quyết tốt đồng thời hai vấn đề đó là cung và cầu. Về vấn đề cung, trước hết phải có con người, các lực lượng phải đảm bảo đủ mạnh, có đầy đủ các phương tiện và thiết bị hiện tại để tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, điều tra khám phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Mặt khác, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng sản xuất trái phép chất ma túy.

Về nguồn cầu, cần thực hiện tổng rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc để có cơ sở đánh giá toàn diện, chính xác thực trạng người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ở Việt Nam, từ đó đề ra những chính sách, biện pháp quản lý phù hợp, góp phần làm giảm nguồn cầu ma túy.

Một giải pháp nữa mà Đại tá Phạm Văn Chình cũng đề xuất đó là tại những cửa khẩu biên giới, hải đảo phức tạp cần có một đội liên ngành gồm Công an, Biên phòng, Hải quan. Đội này sẽ thường trực ở các sân bay, bến cảng và các cửa khẩu trọng điểm, phối hợp với nhau cùng điều tra, phá án và truy bắt tội phạm.

“Hiện nay chúng ta không có đội này nên mỗi lần khi có sự việc xảy ra gọi cho nhau, lên đến nơi thì tội phạm cũng đã chạy thoát. Đây là vấn đề rất khó khăn. Nếu thành lập được cái này phải có ý kiến của Chính phủ, các ngành cùng vào cuộc quyết liệt, chứ không thể một ngành nào có thể đứng ra thành lập được. Các nước Philippin, Thái Lan, thành lập đội này rất có hiệu quả. Họ đặt trụ sở tại sân bay, bến cảng khi có việc phối hợp xử lý ngay từ ban đầu”, Đại tá Phạm Văn Chình chia sẻ.

Tội phạm ma túy giống như con bạch tuộc, gieo rắc cái chết “trắng” khắp nơi. Và trong "cuộc chiến" với loại tội phạm ma túy, không ít cán bộ, chiến sĩ công an, biên phòng…cũng đã đổ mồ hôi, máu, thậm chí hy sinh cả tính mạng.....Bởi vậy hơn lúc nào hết, cuộc đấu tranh này rất cần sự đồng lòng của nhân dân, sự kiên quyết của lực lượng chức năng để các loại tội phạm ma túy không còn đất sống, mang lại sự bình yên cho nhân dân